Đồ bảo hộ chống Covid-19 có thực sự là “vũ khí” bảo vệ nhân viên y tế?

GD&TĐ - Do hệ số dẫn nhiệt của vật liệu nilon nhỏ, nên khả năng trao đổi nhiệt của bộ quần áo bảo hộ rất thấp.

Nhân viên y tế tại Bắc Giang sẽ lấy mẫu từ 19 - 23 giờ. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp .
Nhân viên y tế tại Bắc Giang sẽ lấy mẫu từ 19 - 23 giờ. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp .

Không khí bên trong bộ quần áo chống dịch hầu như không di chuyển và liên thông với bên ngoài. Nó ngăn cản quá trình bốc hơi mồ hôi, ảnh hưởng đến sự giảm nhiệt bề mặt da.

“Vũ khí” bảo vệ nhân viên y tế

Trước tình hình nắng nóng gay gắt, làm việc nhiều ngày trong bộ đồ bảo hộ, không ít nhân viên y tế tại tuyến đầu chống dịch bị viêm da, sốc nhiệt. Thậm chí, một số trường hợp ngất xỉu vì mất nước hoặc kiệt sức.

Theo các chuyên gia, ngành y tế cần phải có những giải pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe của cán bộ, nhân viên y tế - những người đang ngày đêm làm việc ở tuyến đầu chống Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng bộ phận Thường trực hỗ trợ đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang cho biết, thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt đã ảnh hưởng lớn đến các nhân viên y tế và sinh viên làm việc trực tiếp ngoài cộng đồng.

Do đó, để bảo đảm sức khoẻ cho nhân viên y tế, thời gian lấy mẫu tại cộng đồng được bố trí từ sáng sớm đến 9 giờ. Trong khi đó, buổi chiều bắt đầu từ 19 đến 23 giờ. Bên cạnh đó, các điểm lấy mẫu phải bố trí râm mát, có thông khí và quạt.

Về ý kiến cho rằng, nhân viên y tế không cần thiết mặc trang phục bảo hộ vì dễ gây sốc, Thứ trưởng cho biết sẽ lưu ý và nghiên cứu. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là đặt tiêu chí an toàn cho người đi lấy mẫu lên hàng đầu.

“Trong tình hình bây giờ, nếu bỏ trang phục bảo hộ, chúng ta sẽ mất vũ khí bảo vệ nhân viên y tế. Chúng tôi đề nghị Viện Vệ sinh lao động nghiên cứu một số bộ thổi khí từ bên ngoài vào trong bộ bảo hộ, làm giảm nhiệt, hạ nhiệt”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.

Hiểm họa từ chất liệu may đồ bảo hộ

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bộ trang phục phòng chống dịch dùng một lần cho nhân viên y tế được may bằng loại vải không dệt làm từ sợi tổng hợp Polypropylene. Loại vải này không được tạo ra bằng phương pháp dệt thoi hay dệt kim thông thường.

Thay vào đó, chúng được tổng hợp từ các hạt Polypropylene (nhựa tổng hợp). Các hạt này được nung nóng chảy dưới nhiệt độ cao và kéo thành sợi. Những sợi tổng hợp sau đó được đem đi đục màng, sử dụng dung môi hóa chất hoặc các máy cơ khí nhiệt học để liên kết lại với nhau, tạo thành những tấm vải nhẹ và xốp.

Do hệ số dẫn nhiệt của vật liệu nilon nhỏ, nên khả năng trao đổi nhiệt của bộ quần áo này rất thấp. Không khí bên trong bộ quần áo chống dịch hầu như không di chuyển và liên thông với bên ngoài.

Đồng thời, ngăn cản quá trình bốc hơi mồ hôi, ảnh hưởng đến sự giảm nhiệt bề mặt da. Việc căng thẳng khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân càng làm tăng quá trình sinh nhiệt. Kết quả là người mặc bộ đồ chống dịch làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ bề mặt da sẽ tăng cao hơn bình thường.

Từ đó, dẫn đến tăng thân nhiệt và có cảm giác khó chịu. Thời gian mặc càng lâu, càng có cảm giác nặng nề, có thể dẫn đến ngất xỉu do say nóng, sốc nhiệt.

“Để phòng tránh các tác hại của việc mặc trang phục chống dịch cần có cách tiếp cận tổng thể. Các chất liệu để may trang phục chống dịch cần được nghiên cứu, thiết kế phù hợp với điều kiện làm việc nắng, nóng, căng thẳng thần kinh, phù hợp với kích thước cơ thể”, chuyên gia nhấn mạnh.

Giải pháp cho nhân viên y tế

Do đó, PGS Nga gợi ý, các nhân viên y tế cần cung cấp nước uống đầy đủ, bổ sung chất khoáng, vitamin. Ngoài ra, cần uống nhiều nước chia thành nhiều lần, tốt nhất là nước hoa quả tươi như nước chanh, nước cam hoặc đỗ đen rang, nước vối... Chế độ ăn của nhân viên y tế cần giảm chất béo, bảo đảm đủ chất đạm, bổ sung nhiều rau củ quả, chất xơ.

“Tất cả các nhân viên y tế đều phải được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động trong điều kiện nắng nóng có mặc trang bị bảo hộ phòng dịch, huấn luyện cấp cứu khi bị say nóng, say nắng.

Khi có người bị say nắng cần đưa họ vào chỗ mát, bỏ quần áo bảo hộ, cho uống nước mát, chườm đá. Trường hợp nặng phải chuyển nhanh người say nóng, say nắng vào cấp cứu trong bệnh viện”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS.BS Phạm Nguyên Quý - Bệnh viện Kyoto Miniren, Đại học Kyoto gợi ý, Việt Nam có thể áp dụng phương pháp lấy mẫu PCR như tại Nhật Bản. Cụ thể, người cần làm xét nghiệm sẽ ngồi hoặc đứng ngoài không gian thoáng.

Trong khi đó, nhân viên y tế ngồi trong lồng kính hoặc được che chắn bằng plastic/nilon. Sau đó, nhân viên y tế sẽ thò tay (đã đeo găng đến cùi chỏ) qua hai lỗ được thiết kế để lấy mẫu.

Theo chuyên gia này, nhờ phương pháp nêu trên, nhân viên y tế có thể mặc đồ bảo hộ hoặc không. Bởi, họ đã được trang bị kính chắn mắt, khẩu trang, găng tay. Sau khi lấy mẫu, nhân viên y tế sẽ tháo găng và rửa sạch tay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.