Đỗ Anh Tuấn nhiếp ảnh từ ý niệm và bóng tối

GD&TĐ - Theo nghiệp nhiếp ảnh hơn 40 năm, nhưng nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn mới làm một triển lãm cá nhân, vì ông rất cầu toàn, rất đắn đo khi thực hiện.

Đỗ Anh Tuấn nhiếp ảnh từ ý niệm và bóng tối

Triển lãm Hơi thở - cá nhân lần thứ 2 - đang diễn ra tại Mai Gallery (113 Hàng Bông, Hà Nội) mang đến cho người xem nhiều tác phẩm thú vị, mới mẻ về mặt ý niệm. Về đời riêng, triển lãm này diễn ra khi ông đã bị mù, sau rất nhiều năm sống với bệnh tăng nhãn áp.

Việt Nam vốn không phổ biến nhiếp ảnh ý niệm (conceptual photography), nên hành trình ý niệm của Đỗ Anh Tuấn càng đáng ghi nhận. Triển lãm Hơi thở bày 27 ảnh phóng cỡ lớn và một số ảnh cỡ nhỏ, xoay quanh hai chủ đề chính là cuộc sống/đường phố và khỏa thân.

Nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn.

Nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn.

Đối với những ý niệm phức tạp, ông thường chọn kiểu chụp chồng nhiều hình (multi exposure), hoặc “bộ ảnh ghép” (portfolio) để tạo nên một thông điệp đa diện, tinh tế như mong muốn.

Lý do chọn ảnh thiên về sắp đặt ý niệm

Hỏi ông vì sao thích chọn ảnh thiên về sắp đặt ý niệm? Đỗ Anh Tuấn cho biết: “Vì đó là thói quen từ khi còn trẻ, tôi đã quan niệm nếu bức ảnh chỉ quan tâm đến hình thức hoặc nói cách khác là tính mỹ học, thì chưa đủ, chưa phải là một tác phẩm hoàn hảo. Bức ảnh chỉ nắm bắt một phần hiện thực, còn lại là sự sáng tạo hiện thực, không thể cứ bê nguyên khoảnh khắc từ đời sống”.

Ông khẳng định: “Hơn nữa, trong vai trò của một người nhiếp ảnh chuyên nghiệp, đa phần các bức ảnh của tôi đều chứa đựng những thông điệp tích cực gửi đến cộng đồng. Nó rất khác với việc những người chơi ảnh nghiệp dư, thích gì thì chụp nấy”.

Tác phẩm “Chồng hình 3”.

Tác phẩm “Chồng hình 3”.

Ông giải thích thêm: “Tiêu chí trong các bức ảnh của tôi là phải có điểm nhấn. Điểm nhấn ở đây có thể là những nhân vật, hình thể hoặc tương tác đẹp về thị giác, cũng có thể là những sự gửi gắm tình cảm, ý niệm, ý tưởng... thông qua sự thể hiện của hình ảnh”.

Như bức Người cầm cờ, đó là khoảnh khắc tuyệt vời của đời thường, khi mà ông nhìn thấy người buôn bán vỉa hè đang cầm chổi quét đường. Cuộc sống có tiếp diễn thì những đại tự sự trước đó mới có ý nghĩa thực thụ, mới xứng đáng được ngợi ca.

Với bức Những hòn đá, đó là một sắp đặt ngẫu hứng, nhưng sâu sắc, hòa trộn được sự sinh động của con người vào sức sống vừa tĩnh tại vừa tuôn chảy của thiên nhiên.

Các bức Chồng hình, đó là gương mặt của chính ông trong các gương mặt, trong các thân thể, trong các đôi tay của người khác. Con người trong con người, tình yêu trong tình yêu, thực trong ảo. Chính ở nơi đây, ta có còn là ta nữa không?

Chính vì vậy, triển lãm Hơi thở không chỉ là chuyện hít thở, sống chết dạng sinh học, mà còn là sự giao cảm giữa người chụp với đối tượng được chụp và người xem. Nói cách khác, các sắp đặt ý niệm trong ảnh của Đỗ Anh Tuấn là nhằm chạm đến hơi thở của sự sống theo nghĩa bao quát nhất, tích cực nhất.

Tác phẩm “Người cầm cờ”.

Tác phẩm “Người cầm cờ”.

Từ trong màu đen vô tận

Trong ảnh nghệ thuật, cả đời Đỗ Anh Tuấn chọn thể loại chủ đạo là đen trắng. Hai năm gần đây, đôi mắt của ông chỉ còn một màu đen vô tận, màu trắng cần thiết để màu đen “bừng hơi thở” đã biến mất. Ông rất buồn, vì không muốn là một người mù ngồi chờ chết.

Ngay lúc này, cái sở trường sắp đặt ý niệm càng được ông chú tâm hơn, để các bức ảnh được hình thành trước ở trong đầu, việc bấm máy và các công đoạn còn lại thì nhờ bạn bè hoặc học trò hỗ trợ.

Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi về chuyện bị mất thị lực, ông trả lời: “Mắt tôi không phải tự dưng mù ngay, mà tôi bị bệnh tăng nhãn áp trên nền cận thị nặng, khiến thị lực giảm dần. Trong thời gian suy giảm thị lực, tôi cũng đã biết trước kết cục nên không quá chìm sâu vào hụt hẫng. Thay vào đó, tôi thử nghĩ cách chấp nhận và chung sống với tình trạng này”.

Tác phẩm “Những hồn đá”.

Tác phẩm “Những hồn đá”.

“Tôi công nhận khi đã mất thị lực thì không thể cầm máy chụp ảnh như những người khác. Nhưng đối với người nhiếp ảnh, không phải chỉ cầm máy ảnh chụp mới gọi là làm việc. Tôi có thể tự tưởng tượng trong đầu thế giới của riêng mình.

Tôi đã từng buồn và hối tiếc vì không còn cơ hội hành nghề như ý muốn của bản thân. Tuy nhiên, tôi có thể tự đạo diễn một khung hình, ý tưởng, ý niệm, nội dung thế nào ở trong đầu, như thế là tôi có bức ảnh của mình rồi”.

Đỗ Anh Tuấn, thường được gọi là Tuấn “cận”, sinh năm 1952 tại Hà Nội. Từ nhỏ ông đã được theo học hội họa và âm nhạc. Khoảng năm 12 tuổi thì được chạm tay vào chiếc máy ảnh Liên Xô của một nhiếp ảnh gia hàng xóm, được người này chỉ bảo cho những bước cơ bản về chụp ảnh.

Sau 1975, ông mới có điều kiện mua một máy ảnh cũ để tự học và mày mò thực hiện các công đoạn của nhiếp ảnh. Đến năm 1989, ông mới thấy mình thực sự bước được vào con đường chuyên nghiệp. Các bức ảnh của ông, bên cạnh chất ý niệm, thì luôn dạt dào chất nhạc và chất họa.

Tác phẩm “Sau hè”.

Tác phẩm “Sau hè”.

Trong một bài viết, nhiếp ảnh gia Lưu Quang Phổ nhận định: “Nói đến Đỗ Anh Tuấn, người ta biết đến một nhà nhiếp ảnh toàn diện, với sự hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật cơ bản, kiểm soát tốt thiết bị đến tay nghề tráng phim, làm ảnh đen trắng trong buồng tối.

Dưới góc độ lý luận, phê bình, Đỗ Anh Tuấn tinh thông các trường phái nhiếp ảnh nghệ thuật Đông - Tây, cũng như hiểu biết đầy đủ về ảnh báo chí, có khả năng phân tích, bình luận và viết lách hay như, hoặc hơn cả những nhà báo chuyên nghiệp”.

Tác phẩm “Thời trang và hơn thế nữa”.

Tác phẩm “Thời trang và hơn thế nữa”.

Đỗ Anh Tuấn từng là nhiếp ảnh chính cho tạp chí Heritage Việt Nam; chụp ảnh chính cho các chiến dịch quảng cáo của Vietnam Airlines. Ông từng là cộng tác viên cho tạp chí Marie-Claire. Triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1996.

Ông đoạt Huy chương Vàng lần thứ nhất ở Triển lãm ảnh quốc tế tại Việt Nam (1996); đoạt 2 giải thưởng của Milk Photos tại New Zealand (2000). Đồng triển lãm hai ảnh của Milk Photos tại New York, Mỹ (9/2001). Là khách mời của kênh truyền hình Discovery (2010).

“Tôi không chụp, không suy nghĩ về sự thích thú cá nhân. Trong ý thức của tôi, người chuyên nghiệp không hành nghiệp một cách bản năng, nên cái hiện hữu trong tác phẩm của họ phải truyền tải được thông điệp tích cực để tác động tới cộng đồng. Ngay từ khi bắt đầu đã xác định rõ như vậy, nên điều này đã trở thành quan điểm xuyên suốt con đường nhiếp ảnh của tôi” - Đỗ Anh Tuấn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ