Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trịnh Hải học Bác từ những điều giản dị

GD&TĐ - Có lẽ, trong số những nghệ sĩ nhiếp ảnh được tháp tùng Bác Hồ, chỉ duy nhất Trịnh Hải (phóng viên ảnh Báo Nhân Dân) là còn sống.

Bức ảnh “Bác Hồ tặng hoa nữ nhà báo Madeleine Riffaud, phóng viên Báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp” của NSNA Trịnh Hải.
Bức ảnh “Bác Hồ tặng hoa nữ nhà báo Madeleine Riffaud, phóng viên Báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp” của NSNA Trịnh Hải.

Năm nay đã 91 tuổi nhưng người nghệ sĩ này vẫn sử dụng điện thoại, mạng xã hội để kết nối với bạn bè.

Nhọc nhằn đến với nhiếp ảnh

Sinh năm 1932, thời điểm nghệ sĩ Trịnh Hải trưởng thành, đất nước đang chiến tranh loạn lạc, đời sống người dân còn hết sức khó khăn, bởi thế việc đến với nhiếp ảnh - bộ môn cần có kỹ thuật, máy móc hiện đại - gặp nhiều hạn chế. Thế nhưng, như Trịnh Hải khẳng định, bản thân ông không chỉ chụp ảnh bằng mắt mà chụp bằng cái đầu, cái tâm và khi ấy thiết bị máy móc chỉ là… ngoài lề.

“Khi đang là học sinh lớp đệ tam Trường Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong tiết học Vật lý được thầy giáo giảng về ứng dụng quang học vào thấu kính máy ảnh, tôi đã rất tò mò về cách tạo ra ảnh. Tuy nhiên, hồi đó chỉ học lý thuyết chứ không có cơ hội thực hành, vì thế sau những buổi học, tôi thường lân la ở hiệu ảnh gần trường và xin làm thợ phụ. Mãi sau này, cơ duyên đến khi cha tôi mua lại được một hiệu ảnh với cái máy ảnh cũ kỹ để làm nghề”, nghệ sĩ Trịnh Hải nhớ lại.

Biết chụp ảnh là một chuyện nhưng để có thể vào làm việc tại Báo Nhân Dân thì vô cùng nhọc nhằn. Rồi cơ duyên đã đến khi bác vợ ruột của ông là nhà báo Phạm Văn Hảo - khi ấy là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam - giới thiệu Trịnh Hải về Báo Nhân Dân.

Người thay mặt cơ quan báo đến tìm hiểu thái độ chính trị và trình độ nghề nghiệp của ông là nhà báo Hoàng Linh, phóng viên ảnh duy nhất của Báo Nhân Dân lúc bấy giờ. Hí hửng vì tưởng sẽ được làm đúng nghề mình thích, nhưng ai dè, nhà báo nổi tiếng Quang Đạm tiếp Trịnh Hải và căn dặn: “Cậu là thanh niên đi kháng chiến về làm báo Đảng là tốt, nhưng có hai điều bắt buộc. Một là làm bất cứ việc gì cơ quan giao, hai là phải yên tâm công tác, không được đứng núi này trông núi nọ”.

Bác Hồ chủ động ngồi xuống sân để chụp hình kỷ niệm cùng các đại biểu dự Hội nghị Phụ nữ toàn miền Bắc tham gia công tác chính quyền (1960). Ảnh: Trịnh Hải

Bác Hồ chủ động ngồi xuống sân để chụp hình kỷ niệm cùng các đại biểu dự Hội nghị Phụ nữ toàn miền Bắc tham gia công tác chính quyền (1960). Ảnh: Trịnh Hải

Lời nói của nhà báo Quang Đạm như một “nghị quyết” với Trịnh Hải, bởi sau đó ông được phân công vẽ ma két và luân phiên đến nhà in để sửa mo rát. Công việc này mặc dù Trịnh Hải không có chuyên môn và cũng không phải sở thích nhưng ông vẫn làm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để “nuôi” hy vọng được làm nghề nhiếp ảnh tại cơ quan báo chí lớn.

“Công việc này rất vất vả, cần sự tỉ mỉ, kỳ công. Tôi làm việc trong gần 5 năm và thường về nhà khi đồng hồ đã điểm sang 2 - 3 giờ sáng. Khi cơ quan ngày càng được kiện toàn về nhân sự, các họa sĩ chính thức về làm việc thì tôi mới được “trả về” với niềm đam mê của mình là nhiếp ảnh. Nhưng không phủ nhận quá trình làm việc tại đây đã rèn giũa cho tôi phong cách làm việc chỉn chu, nghiêm túc, tận tụy đúng như tinh thần của người làm báo Đảng”, nghệ sĩ Trịnh Hải bộc bạch.

Bác Hồ phát kẹo cho con em những người làm Báo Nhân Dân tại trụ sở 71 Hàng Trống (nghệ sĩ Trịnh Hải đeo cà-vạt đứng cạnh Bác). Ảnh: Nguyễn Kim Côn

Bác Hồ phát kẹo cho con em những người làm Báo Nhân Dân tại trụ sở 71 Hàng Trống (nghệ sĩ Trịnh Hải đeo cà-vạt đứng cạnh Bác). Ảnh: Nguyễn Kim Côn

Những kỷ niệm với Bác

Đối với mỗi người Việt Nam, được gặp Bác Hồ là một may mắn lớn trong cuộc đời. Vậy nhưng, NSNA Trịnh Hải không những được tiếp cận mà còn được đi theo chụp ảnh và có không ít những kỷ niệm với Người thì quả là một vinh dự không hề nhỏ. Tuy nhiên, đây là công việc không hề đơn giản, đòi hỏi mỗi tấm ảnh chụp phải toát lên được phong thái, tầm vóc nhưng lại rất đỗi gần gũi, bình dị của vị lãnh tụ dân tộc.

“Bài toán khó” này đã được NSNA Trịnh Hải “hóa giải” rất thành công, bởi ông quan niệm: “Để chụp được bức ảnh đẹp, người chụp phải thực sự thân thiết với nhân vật, coi họ như những người thân quen trong gia đình của mình. Ngồi nói chuyện với nhân vật thì người chụp phải nhanh tay, nhanh mắt phát hiện ra góc chụp đẹp nhất. Có người chụp ảnh cười mới đẹp nhưng cũng có người không cười mới đẹp, đôi khi không cười mới lột tả được tinh thần của nhân vật”.

Khi tôi hỏi: “Câu chuyện nào về Bác Hồ khiến ông cảm động và nhớ nhất?” thì NSNA Trịnh Hải cười, rồi bảo: “Câu chuyện nào về Bác, tôi cũng vẫn còn nhớ mồn một đấy! Bây giờ biết bắt đầu từ câu chuyện nào đây (cười lớn)”. “Ngày 1/5/1968, khi Bác Hồ dự lễ mít tinh ở Quảng trường Ba Đình, do sức khỏe của Bác đã có phần giảm sút nên cảnh vệ không cho các nhà báo (cả trong nước và quốc tế) tiếp cận Đoàn Chủ tịch.

Thấy cánh nhà báo nhốn nháo không ai làm việc được, Bác đứng lên gọi bằng tiếng Pháp: “Photographes” (các nhà nhiếp ảnh). Thế là, mọi người ùa lên không bị cản trở nữa. Bác Hồ rút hoa bày trên mặt bàn tặng mỗi người một bông. Lúc ấy, tôi vì mải miết chụp ảnh Bác Hồ nên đến lượt mình thì không còn bông hoa nào.

Nhưng điều đó không làm tôi buồn bởi tôi đã may mắn hơn các đồng nghiệp khác khi chụp được bức ảnh Bác tặng hoa nữ nhà báo Madeleine Riffaud, phóng viên báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp (người đã xin được nhận làm con nuôi Bác Hồ và viết nhiều bài báo về Bác cũng như về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta).

Đây là bức ảnh lịch sử mà theo đề nghị của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tôi đã hiến tặng để những người quan tâm đến nền báo chí cách mạng nước nhà thấy được tình cảm của Bác với các nhà báo”, ông kể lại.

Bức ảnh “Bác Hồ về thăm quê” nổi tiếng của NSNA Trịnh Hải.

Bức ảnh “Bác Hồ về thăm quê” nổi tiếng của NSNA Trịnh Hải.

NSNA Trịnh Hải cũng kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện khác, như một lần ông tháp tùng Bác về thăm quê nhà Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) và đã chụp được bức ảnh nổi tiếng “Bác Hồ về thăm quê”.

Đây là thời điểm cuối năm 1961, là lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng trong đời Người được về nơi “chôn nhau cắt rốn”. Chuyến đi này ngoài việc có được bức ảnh nổi tiếng, ông còn được biết câu chuyện hết sức thú vị, đó là cuộc trò chuyện giữa Bác Hồ với bà con xóm làng: “Tôi đi công tác, nhân dịp ghé về thăm quê hương nên không kịp mang theo quà. Bây giờ ai nhiều tuổi ở đây thì giơ tay lên tôi mời thuốc lá”.

Trong hộp thuốc lá còn chừng 6, 7 điếu, Bác chia hết cho các cụ cao tuổi. Trịnh Hải sau đó hỏi nhỏ bác sĩ đi theo Bác: “Một ngày Bác hút mấy bao thuốc lá?”. Vị bác sĩ nói: “Trước đây hạn chế một bao, giờ thì 10 điếu một ngày. Bác chia hết thuốc cho mọi người, thế là từ giờ đến mai sẽ nhịn”. Lúc ấy, ông cũng đang nghiện thuốc lá thơm nên rất hiểu sự “thèm thuốc”, thế mà Bác nhịn được trong gần một ngày chỉ vì giữ nguyên tắc “một ngày 10 điếu”. Qua lần ấy, ông rất thấm thía tính kỷ luật tự giác ngay cả trong sinh hoạt của Bác.

Cũng trong dịp đó, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức cuộc họp mặt để các vị lão thành cách mạng được gặp Bác. Trịnh Hải cầm máy ảnh đứng trên bục sau lưng Bác nên quan sát hết toàn bộ hội trường lúc đó đã chật kín. Bỗng Bác hướng về phía một cán bộ trẻ ngồi hàng ghế đầu nói: “Chú có thấy cụ già đứng thập thò mãi ở cửa không? Chú còn trẻ phải ra xin lỗi rồi mời cụ ấy vào”.

Thế là, những cán bộ còn trẻ có lẽ là cán bộ cấp tỉnh ngồi hai hàng ghế đầu lặng lẽ đi ra ngoài để các cụ được mời lên ghế trên ngồi. “Bác giáo dục giới trẻ thật đơn giản và sâu sắc về đạo lý tôn trọng người cao tuổi. Bác nói chuyện và làm thỏa mãn một số ý kiến thắc mắc của các cụ đến cả tiếng đồng hồ mới kết thúc”, nghệ sĩ Trịnh Hải kể lại.

NSNA Trịnh Hải trao đổi với tác giả. Ảnh: Đỗ Anh

NSNA Trịnh Hải trao đổi với tác giả. Ảnh: Đỗ Anh

Ba điều học từ Bác

Tôi cũng được NSNA Trịnh Hải tặng cuốn sách “Trịnh Hải - những góc nhìn” (Nhà xuất bản Thế giới, năm 2016). Trong đó, tôi nhận ra các nhân vật đều là những chính khách lỗi lạc; những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa; những nhà báo nổi tiếng, được nhiều người biết đến và nể trọng. Đặc biệt, cuốn sách có những lời nhận xét của nhà văn hóa Hữu Ngọc, Giáo sư Vũ Khiêu và nhà báo Hữu Thọ. Họ là những nhân vật tầm cỡ trong giới học thuật và cũng thường rất kiệm lời khi khen một ai đó. Nhưng trong cuốn sách của Trịnh Hải, họ đã không tiếc lời hoa mỹ, cảm phục trước tài năng, tấm lòng của người nghệ sĩ.

Những lúc trò chuyện tâm tình, tôi thường hỏi NSNA Trịnh Hải: “Có quá nhiều câu chuyện, kỷ niệm với Bác, vậy ông đã học được từ Bác những điều gì?”. Không một chút đắn đo, suy nghĩ, người nghệ sĩ ấy khẳng định: “Thứ nhất là đức tính giản dị, có ý thức quần chúng. Thứ hai là kỷ luật tự giác. Thứ ba là làm việc siêng năng, chăm chỉ”.

Và rồi ông nhấn mạnh: “Điều này luôn cần thiết với một nhà báo, một nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhất là công tác tại Báo Nhân Dân”. Có thể nói, những lần được tháp tùng Bác, được lĩnh hội những kiến thức, bài học mà Bác giảng dạy đã làm “hành trang” cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải trong suốt hơn 90 năm tuổi đời, hơn 70 năm tuổi nghề. Ông sẽ và mãi “truyền lửa” cho thế hệ nhà báo trẻ chúng tôi về tinh thần vươn lên học hỏi không ngừng, về sự say nghề, kiên trì theo đuổi nghề như lý tưởng sống của cuộc đời.

Nhà báo, NSNA Trịnh Hải là người con làng Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ông là hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, là Ủy viên Ban Chấp hành của Hội trong 2 khóa (từ 1983 đến 1993) và có 15 năm là Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh báo chí Trung ương và Hà Nội. Ông đã giành được nhiều giải thưởng uy tín ở trong nước và quốc tế với các tác phẩm, như: “Lửa truyền thống”, “Bà mẹ Việt Nam”, “Chào đời”, “Lòng tin trong hoạn nạn”, “Cùng xem”...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.