Triển lãm “MAY” sẽ chính thức mở cửa từ ngày 6 đến 21/5 tại Hanoi Studio Gallery (23 Mạc Đĩnh Chi, Ba Đình - Hà Nội), giới thiệu 3 bộ tác phẩm đa dạng về kỹ thuật và chất liệu của 5 nhiếp ảnh gia nổi tiếng: Tom Hricko, Phạm Tuấn Ngọc, Couderc Jean-françois, Trương Cao Hoàng và Nguyễn Thành Dũng.
Mở ra thị trường nghệ thuật mới
Với triển lãm 'MAY', nhiếp ảnh gia tiếp nối mạch nguồn của tuyên ngôn nhiếp ảnh nghệ thuật của huyền thoại Alfred Stieglitz 100 năm về trước. |
Với một bộ sưu tập các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật đa dạng về chủ đề, độc đáo trong kỹ thuật, với nhiều câu chuyện và cảm xúc phong phú từ nhiều tác giả, “MAY” hướng tới tôn vinh nhiếp ảnh như một ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc, giàu tiềm năng khám phá và sáng tạo.
Song song với tuần lễ sách và văn hóa đọc diễn ra khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, thì Photo Hanoi’23 cũng được xem là “tuần lễ nhiếp ảnh” do Viện Pháp tại Việt Nam khởi xướng dưới sự bảo trợ của UBND TP Hà Nội.
Dự án là kết quả hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Pháp nhằm tạo ra nơi để cộng đồng yêu nhiếp ảnh cùng giao lưu, trao đổi và đến gần hơn với các khía cạnh đa dạng của nghệ thuật nhiếp ảnh đương đại Việt Nam và thế giới.
Cùng với loạt sự kiện diễn ra, như: Hà Nội - Một thành phố trong nhiếp ảnh, Hà Nội 1985 - 2015 những năm tháng bị lãng quên, Xưa và Nay - đổi thay đường phố Hà Nội… thì “MAY” do Noirfoto tổ chức với những tác phẩm vô cùng độc đáo, mới lạ.
Theo Ban tổ chức triển lãm “MAY”, khi đời sống vật chất được nâng cao, con người sẽ dần chú ý và chăm sóc đời sống tinh thần và cảm xúc nhiều hơn. Chúng ta luôn tìm kiếm những hình thái nghệ thuật khác nhau để khám phá các lăng kính và cung bậc cảm xúc, của trí tưởng tượng, sự tò mò và của những dòng cảm nghĩ không ngờ.
Nhiếp ảnh nghệ thuật và thủ công vẫn luôn gần gũi với công chúng yêu nghệ thuật mặc dù các giá trị cổ điển và thương mại của bộ môn này vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức.
Bởi vậy, việc đẩy mạnh nhận biết, trân trọng của công chúng với nhiếp ảnh nghệ thuật và thủ công thông qua các hoạt động triển lãm tương tác sẽ mở ra một thị trường đầu tư nghệ thuật mới nhiều tiềm năng.
Đây là dịp để trao cơ hội cho các nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia phát triển sáng tác một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp.
MAY - tháng Năm của mùa Hè rực rỡ với những bông phượng đỏ và tiếng ve rộn ràng. Với 3 bộ sưu tập Silver Lining, Eternal Flow và Light of Illusion, công chúng sẽ đi qua những khoảnh khắc giữa con người, thiên nhiên, vừa có sự đối lập, vừa có sự hài hòa.
Nhiếp ảnh thời kỹ thuật số
Tác phẩm của Phạm Tuấn Ngọc. |
100 năm trước, nhiếp ảnh gia huyền thoại Alfred Stieglitz hướng ống kính lên bầu trời để chụp lại loạt hình ảnh về các trạng thái và chuyển động của mây - một thứ tưởng như bình thường mà ai cũng có thể nhìn thấy mỗi ngày. Tuy nhiên, đó lại là bộ ảnh đầu tiên khám phá và khẳng định tính trừu tượng của nhiếp ảnh.
Bộ ảnh đó trở thành một thách thức với nghệ thuật truyền thống, bởi một chất liệu tạo hình vốn chỉ được sử dụng với khả năng tái hiện thực tế chính xác.
Stieglitz tuyên bố: “Tôi biết chính xác mình đã chụp cái gì. Tôi biết mình đã làm một thứ chưa ai từng làm… Tôi cũng biết rằng trong một vài “tái hiện” còn có nhiều tính trừu tượng thực thụ hơn là những đại diện đã chết của cái gọi là trừu tượng quá phổ biến bây giờ”.
Với tuyên bố đó, với tính trừu tượng từ bộ ảnh chụp mây đã được khẳng định là nghệ thuật - với mọi nghĩa của từ này.
Nhiếp ảnh như là một nghệ thuật, vì thế không phụ thuộc một chủ đề cụ thể mà hướng tới truyền tải cảm xúc hay ý niệm. Những bóng hoa dưới nắng Hè, cổng đền xưa cũ, bờ biển hay rặng núi xa xăm, thoáng uyển chuyển dịu dàng của sắc xanh trên nền lụa hay ánh sáng lấp lánh trên mặt nước, tất cả đều kể những câu chuyện của riêng mình.
Trong triển lãm “MAY” - “Silver Lining” là một bộ tác phẩm đặc biệt, quy tụ nhiều tác phẩm từ các tác giả cùng theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh thủ công. Silver là chất liệu giấy bạc gelatine, được sử dụng trong quá trình tráng rọi ảnh thủ công trong buồng tối.
Hơn 20 tác phẩm từ 5 tác giả đều được chụp bằng phim đen trắng, rọi thủ công và cùng kể những câu chuyện với góc nhìn khác nhau về tự nhiên. Đồng nhất về chất liệu, các tác phẩm với nhiều cung bậc cảm xúc được trình bày như một bản giao hưởng, đem lại một trải nghiệm xuyên suốt với vẻ đẹp thị giác độc đáo.
Trong khi đó, “Light of Illusion” lại gồm các tác phẩm được sáng tác trong nhiều năm, trải dài từ Việt Nam tới Hoa Kỳ của nhà giáo dục người Mỹ - Tom Hricko. Sau 40 năm thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật, Tom Hricko chia sẻ rằng: “Nhiếp ảnh là một quá trình giúp tôi có thể trích xuất một hình ảnh từ thực tại được chấp nhận hoặc đồng thuận, và biến đổi hình ảnh đó thành một hiện thể của một thực tại khác, có lẽ là song song”.
Còn bộ tác phẩm “Eternal Flow” được in thủ công với
cyanotype trên lụa đã qua xử lý đặc biệt, thể hiện các hình thái khác nhau của nước để kể câu chuyện về nguyên tố cơ bản, cổ xưa và quan trọng nhất của Trái đất, đồng thời cũng là câu chuyện của tình yêu.
Công chúng yêu mến nhiếp ảnh từng biết đến Phạm Tuấn Ngọc - một người theo đuổi các kỹ thuật nhiếp ảnh thủ công, Tuấn Ngọc luôn thử nghiệm những kỹ thuật phức tạp và có ít người thực hiện trên thế giới.
Vào tháng 3/2019, Tuấn Ngọc đã có triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “9 - Paris in Black and White” với những bức ảnh rọi từ thước phim đen trắng chụp tại Paris.
Trong triển lãm cá nhân thứ hai sau 3 năm, anh tiếp tục mang lại bất ngờ lớn thể hiện bước tiến sâu sắc với thực hành nghệ thuật đương đại Việt Nam. Tháng 9/2022, triển lãm “Chloris” - lần đầu tại Việt Nam, những bông hoa trên ảnh không phải do máy ảnh chụp lại.
Tuấn Ngọc dùng những bông hoa hấp thụ ánh nắng để in trên giấy bạc khiến tác phẩm độc bản không những độc đáo, mà còn vô cùng kỳ diệu.