Thiết chế cho nhiếp ảnh nghệ thuật

GD&TĐ - Biennale Photo Hà Nội 23 đi vào chặng cuối với hàng loạt triển lãm, tọa đàm cùng các sự kiện bên lề khác thu hút sự chú ý của công chúng Thủ đô.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Biennale Photo Hà Nội 23 đang đi vào chặng cuối với hàng loạt triển lãm, tọa đàm cùng các sự kiện bên lề khác thu hút sự chú ý của công chúng Thủ đô, đặc biệt các bạn trẻ. Đây cũng là dịp để nghệ sĩ trong nước tiếp xúc, trao đổi với các nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới về quá trình thực hành nhiếp ảnh.

Điều đáng chú ý tại Photo Hà Nội 23 - sự kiện lớn về nhiếp ảnh nghệ thuật lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô với quy mô quốc tế nhưng lại thiếu vắng nhiều gương mặt nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng trong nước, từng gặt hái không ít giải thưởng qua các cuộc thi về ảnh trên thế giới. Thay vào đó là các gương mặt trẻ thế hệ 8X, 9X.

Tiêu chí lựa chọn tác giả, tác phẩm tham gia Photo Hà Nội 23 đi theo tiêu chí chung của thế giới: Sự sáng tạo cá nhân; những thông điệp nghệ thuật; quá trình thực hành của tác giả; tác phẩm phải được giới thiệu một cách chuyên nghiệp tại các triển lãm, gallery, art fair; được sưu tập trong các bảo tàng, quan trọng hơn nữa là phải được công bố và trưng bày ở trong các Biennale nghệ thuật quốc tế; đặc biệt phải có giám tuyển, tác phẩm in tráng tuân theo quy chuẩn thế giới về mực, giấy, các kỹ thuật tiêu chuẩn và phải có tính độc bản.

Nếu nhìn vào các tiêu chí mà nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới đang vận hành, thì có thể thấy ở nước ta chưa có các thiết chế cho nhiếp ảnh nghệ thuật, chưa có thị trường nhiếp ảnh, quan niệm về ảnh nghệ thuật cũng như đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật ở giáo dục bậc cao còn hạn chế rất nhiều.

Nhiếp ảnh là một phần của mỹ thuật (Art), tồn tại bình đẳng bên cạnh hội họa, đồ họa, điêu khắc và các loại hình nghệ thuật đương đại khác. Việc tách rời nhiếp ảnh khỏi mỹ thuật đã dẫn đến những quan niệm không đúng về nhiếp ảnh, ảnh hưởng tới quá trình đào tạo, thực hành, phát triển lĩnh vực nghệ thuật này trong mối tương quan với các lĩnh vực nghệ thuật thị giác khác.

Thực tế, khi có thiết chế nghệ thuật cho nhiếp ảnh, chúng ta sẽ có thị trường với những nhà sưu tầm nghệ thuật. Khi thị trường phát triển qua hệ thống các gallery, triển lãm, chợ nghệ thuật được vận hành bài bản, giá trị tác phẩm sẽ được nâng lên nhiều lần qua các giám định chuyên nghiệp. Thị trường ảnh cũng đi kèm với hệ sinh thái của nó: Máy móc, thiết bị, mực in, giấy in, thời trang, nhãn hàng và tất cả các lĩnh vực liên quan đến hình ảnh.

Nhiếp ảnh nói chung, nhiếp ảnh nghệ thuật nói riêng là một phần của sáng tạo hình ảnh - ngành công nghiệp văn hóa mà Hà Nội và cả nước đang vô cùng quan tâm cũng như đang loay hoay thực hiện. Mở rộng góc nhìn về nhiếp ảnh, định vị lại tính chất của nhiếp ảnh Việt chính là trao cho nghệ thuật một cơ hội sắp đặt lại để phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...