Nhiếp ảnh 'chụp' lại sự đổi thay của Hà Nội

GD&TĐ - Biennale Nhiếp ảnh Quốc tế Photo Hanoi’23 do Viện Pháp tại Việt Nam khởi xướng dưới sự bảo trợ của UBND TP Hà Nội.

Loạt triển lãm nhiếp ảnh đã - đang và sắp diễn ra trong khuôn khổ Biennale Nhiếp ảnh Quốc tế Photo Hanoi’23. Ảnh: BTC cung cấp.
Loạt triển lãm nhiếp ảnh đã - đang và sắp diễn ra trong khuôn khổ Biennale Nhiếp ảnh Quốc tế Photo Hanoi’23. Ảnh: BTC cung cấp.

Loạt triển lãm trong khuôn khổ Biennale Nhiếp ảnh Quốc tế Photo Hanoi’23 đã, đang và sắp diễn ra đem đến cho công chúng những góc nhìn đầy bất ngờ về một Hà Nội trong quá khứ.

Biennale Nhiếp ảnh Quốc tế Photo Hanoi’23 do Viện Pháp tại Việt Nam khởi xướng dưới sự bảo trợ của UBND TP Hà Nội. Dự án là kết quả hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Pháp nhằm tạo ra nơi để cộng đồng yêu nhiếp ảnh cùng giao lưu, trao đổi và đến gần hơn với các khía cạnh đa dạng của nghệ thuật nhiếp ảnh đương đại Việt Nam và thế giới.

Mở đầu cho loạt sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Photo Hanoi’23 là triển lãm “Hà Nội - Một thành phố trong nhiếp ảnh” với các tác phẩm của 16 tác giả, kéo dài đến ngày 3/6 tại Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật 22 Hàng Buồm.

Ngày 26/4, tại Manzi Art Space (14 Phan Huy Ích, Ba Đình), triển lãm “Hà Nội 1985 - 2015, những năm tháng bị lãng quên” chính thức mở cửa với các tác phẩm của William Crawford - một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên đến Việt Nam thời hậu chiến vào năm 1985, và quay trở lại rất nhiều lần trong 30 năm sau đó.

Là một người Mỹ từng chứng kiến sự tàn phá và mất mát của chiến tranh, ông bị thôi thúc khắc hoạ lại sự nhân văn luôn tồn tại song song với những nỗi đau sâu thẳm. Nhạy cảm với những sắc thái tinh tế của đời sống hàng ngày và những tập quán của người dân ở vùng đất xinh đẹp này, ông đã ghi chép lại hình ảnh cuộc sống đời thường của người Việt Nam và những thay đổi trong ba thập kỷ qua.

Triển lãm bao gồm 18 bức ảnh đường phố được William Crawford chụp trong khoảng năm 1985 đến 2015. 18 bức ảnh đường phố này sẽ được trưng bày tựa như một cuốn nhật ký của dòng chảy thời gian.

Người xem sẽ được thấy quá trình đất nước thay đổi từ một nền kinh tế bao cấp với hàng hóa và dịch vụ hạn chế, vươn lên thành một trong những nền kinh tế thành công nhất ở Đông Nam Á.

Cũng trong ngày 26/4, tại Manzi Exhibition Space (Số 2 Ngõ Hàng Bún, Ba Đình) diễn ra triển lãm “Xưa và Nay, đổi thay đường phố Hà Nội” với sự tham gia của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn.

Anh được biết đến là một nghệ sĩ thị giác, một nhiếp ảnh gia được quốc tế công nhận với những sáng tạo về nhiếp ảnh phù điêu, loại hình nghệ thuật đã mang lại cho nghệ sĩ giải thưởng tài năng khi tốt nghiệp thạc sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật ở Học viện Nghệ thuật Trung ương Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2012.

Với con mắt quan sát sắc sảo với những biến đổi của cuộc sống, Thế Sơn có những tác phẩm đào sâu nghiên cứu sự chuyển dịch của đất nước trên con đường hiện đại hóa.

Triển lãm với 8 tác phẩm nhiếp ảnh phù điêu từ những bức ảnh mới chụp, như một lời hồi đáp của Nguyễn Thế Sơn với 8 bức ảnh mặt tiền các ngôi nhà mà William Crawford đã chụp cách đây 20 - 30 năm.

Cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa hai nghệ sĩ nhiếp ảnh sinh cách nhau 3 thập kỷ là một chiêm nghiệm sâu sắc sự tương phản quá khứ - hiện tại và những thay đổi kỳ diệu của thành phố cổ kính này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ