Nghệ sĩ thị giác - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn:

'Chưa có thị trường cho nhiếp ảnh nghệ thuật'

GD&TĐ - Nghệ sĩ thị giác - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn sử dụng nhiếp ảnh như một trong những phương tiện thực hành nghệ thuật và được đánh giá cao.

Một tour nghệ thuật trong khuôn khổ Photo Hà Nội 23. Ảnh: NVCC.
Một tour nghệ thuật trong khuôn khổ Photo Hà Nội 23. Ảnh: NVCC.

Hiện là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nghệ sĩ thị giác - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn sử dụng nhiếp ảnh như một trong những phương tiện thực hành nghệ thuật và được giới chuyên môn đánh giá cao. Mới đây, ông làm cố vấn và giám tuyển của nhiều triển lãm tại Biennale Photo Hà Nội 23.

- Biennale nhiếp ảnh quốc tế lần này có hứa hẹn làm nên một thương hiệu, một điểm hẹn văn hóa nghệ thuật cho Hà Nội không, thưa ông?

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn: Biennale Photo Hà Nội 23 có ý nghĩa rất quan trọng, nó sẽ kết nối với hệ thống biennale về nhiếp ảnh nói riêng và các biennale về nghệ thuật nói chung trên thế giới. Nếu xây dựng được một thương hiệu biennale sẽ thu hút khách quốc tế đến Hà Nội, đến Việt Nam, và đó chính là kinh tế.

Triển lãm 'Nhiếp ảnh thời trang' tại bờ hồ Hoàn Kiếm trong khuôn khổ Photo Hà Nội 23. Ảnh: NVCC.

Triển lãm 'Nhiếp ảnh thời trang' tại bờ hồ Hoàn Kiếm trong khuôn khổ Photo Hà Nội 23. Ảnh: NVCC.

Photo Hà Nội 23 là sự kiện biennale nhiếp ảnh quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với quy mô lớn và cách thức tổ chức chuyên nghiệp, đem đến một bức tranh phong phú, đa chiều về thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật trên thế giới. Từ đây soi chiếu vào đời sống nhiếp ảnh trong nước cũng nhận ra những điều còn khuyết thiếu trong môi trường thực hành, thị trường nghệ thuật, các quan niệm về nhiếp ảnh và đào tạo nhiếp ảnh, gắn với câu chuyện của ngành công nghiệp hình ảnh mới bắt đầu manh nha.

Rất nhiều thành phố trên thế giới, điển hình như Venice, Paris là những địa điểm hấp dẫn du khách không phải chỉ bởi cảnh đẹp, mà bởi vì đời sống văn hóa nghệ thuật, những triển lãm, những biennale diễn ra liên tục.

Như vậy, du khách đặt chân đến nhiều lần mà vẫn thấy hấp dẫn, vẫn muốn khám phá trải nghiệm.

Còn nếu chỉ thu hút bởi ẩm thực hoặc những câu chuyện bản địa thì thường không được lâu. Đấy cũng là vấn đề nổi cộm của Hà Nội vốn rất yếu trong việc cạnh tranh, giữ chân du khách. Tôi nghĩ biennale này là một dịp rất tốt để quảng bá cho Hà Nội.

Nếu chúng ta nằm trong hệ thống Thành phố Sáng tạo và lại có một thương hiệu về biennale nhiếp ảnh quốc tế, để cho những du khách ở trong khu vực cũng như thế giới tìm đến và gặp gỡ nhau vào một thời điểm nhất định thì đó là điều rất đáng mơ ước.

- Ông thấy sao khi biennale lần này làm lộ ra nhiều điểm yếu của đời sống nghệ thuật trong nước, ví như chúng ta chưa có những thiết chế chuyên nghiệp cho nhiếp ảnh nghệ thuật?

Đúng là như vậy. Hiện chúng ta đã có những nghệ sĩ thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật nhưng chưa có một nền nhiếp ảnh nghệ thuật, chưa có các thiết chế chuyên nghiệp để sưu tầm, giới thiệu, trưng bày, mua bán tác phẩm ảnh nghệ thuật. Các thiết chế đó là gallery chuyên nghiệp, bảo tàng nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật từ quy mô nhỏ đến toàn quốc.

Thực tế ở nước ta, hầu như không có gallery nào trưng bày, giới thiệu tác giả, tác phẩm nhiếp ảnh, không có bảo tàng mỹ thuật nào sưu tầm tác phẩm nhiếp ảnh, cũng không có cuộc thi mỹ thuật nào có nhiếp ảnh tham gia. Nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng nguyên nhân chính là bởi nhiếp ảnh đã bị đặt ra ngoài mỹ thuật (art).

Trong khi ở các nước khác trên thế giới không có chuyện đó. Nhiếp ảnh chính là một phần của mỹ thuật, tồn tại và phát triển bình đẳng với hội họa, điêu khắc, video art.

Trong lịch sử phát triển của mỹ thuật có sự hiện diện của nhiếp ảnh. Xu hướng đa phương tiện, đa chất liệu rất phổ biến với các thực hành đương đại. Như vậy, không thể đặt nhiếp ảnh ra ngoài mỹ thuật được, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi các ngành nghệ thuật đều có sự tương tác, bổ trợ lẫn nhau.

- Và khi chưa có các thiết chế chuyên nghiệp, phải chăng chúng ta cũng chưa thể phát triển thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật?

Hiện nay thị trường nghệ thuật trong nước rất yếu. Chúng ta mới chỉ có những nhà sưu tập tranh chứ chưa có những nhà sưu tập ảnh chuyên nghiệp. Một số nghệ sĩ nhiếp ảnh bán tác phẩm nhờ thị trường nước ngoài.

Cá nhân tôi thì gần hai mươi năm nay, thu nhập chính của tôi từ tác phẩm, trong đó phần lớn là nhiếp ảnh. Có những nhà sưu tập quốc tế theo dõi sát các thực hành của tôi. Khi mình thực hành chuyên nghiệp thì không lo là không có thị trường.

Nhưng quả thật, chúng ta chưa có những nhà sưu tập nội địa. Nếu hình thành được thị trường nhiếp ảnh trong nước, sẽ kéo theo sự phát triển của một hệ sinh thái liên quan đến nhiếp ảnh nói riêng, ngành công nghiệp sáng tạo hình ảnh nói chung.

Nghệ sĩ thị giác, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ thị giác, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn. Ảnh: NVCC.

- Một bản in nhiếp ảnh nghệ thuật cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì, thưa ông?

Một bản in nhiếp ảnh phải được kiểm soát về màu sắc, chất lượng của giấy in, mực in. Hiện nay, để in một tác phẩm nhiếp ảnh theo đúng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế thì phải ra nước ngoài.

Cần phải in ở những phòng lab chuyên nghiệp có chứng nhận của các hãng chuyên sản xuất giấy in, mực in cho giới mỹ thuật.

Điều này nghe rất xa lạ nhưng vốn là điều rất phổ biến trên thế giới. Từ ảnh được rửa trong buồng tối trước đây cho đến bản in digital bây giờ, nghệ sĩ phải có trách nhiệm trong việc đánh số. Tức là về bản chất, bản in nhiếp ảnh cũng giống như các bản in đồ họa, in khắc gỗ khắc kẽm.

Phải có sự minh bạch về chất lượng, về số lượng. Vai trò của nghệ sĩ gắn liền với tác phẩm, thể hiện từ khoảnh khắc đầu tiên cho đến khâu cuối cùng. Không phải cứ chụp xong là xong. Cũng không phải muốn in bao nhiêu thì in. Muốn có thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật trước hết phải có sự minh bạch.

Tất cả, từ nguồn vào đến tác phẩm được trưng bày phải chứng minh được hết, và phải có một đơn vị trung gian. Đó chính là các gallery chuyên nghiệp và uy tín của chúng, của bảo tàng nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ xác định yếu tố độc bản của tác phẩm. Ở mình hoàn toàn chưa có nhé.

- Có phải vì thế nên ông và nhiều nghệ sĩ phải in tác phẩm ở nước ngoài?

Thời điểm tôi học ở Trung Quốc về, không biết in ảnh ở đâu, đành gửi ngược sang Bắc Kinh. Mãi gần đây, một số nhiếp ảnh gia ở miền Nam như nghệ sĩ Hoàng Thế Nhiệm cũng bức xúc về câu chuyện này nên tự nhập máy in, mực in theo đúng tiêu chuẩn thế giới, tự in và chia sẻ với nhau.

In theo tiêu chuẩn của thế giới rất đắt tiền, mấy trăm USD một mét vuông. Mà để in được như vậy rõ ràng phải cần có đầu ra, thị trường. Đầu ra thì bán cho ai? Khi không có đầu ra thì sẽ không thể nào quay trở lại tái đầu tư tác phẩm. Chính vì thế nên nó là một vòng luẩn quẩn.

- Chưa có môi trường thực hành chuyên nghiệp, chưa có thị trường cho nhiếp ảnh nghệ thuật - điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hướng đi của các tác giả trẻ, khi họ mới bước chân vào nghề?

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn (thứ sáu, hàng đầu, từ phải sang) tại buổi bế mạc Photo Hà Nội 23. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn (thứ sáu, hàng đầu, từ phải sang) tại buổi bế mạc Photo Hà Nội 23. Ảnh: NVCC.

Theo tôi quan sát thì hiện nay, những nghệ sĩ - tôi cứ tạm gọi là nghệ sĩ có sử dụng nhiếp ảnh như một phương tiện sáng tác - thì tôi thấy có rất nhiều triển vọng. Phần lớn đã được tiếp cận những tư duy mới.

Tôi nhận thấy rõ điều này khi tiếp xúc với các nhiếp ảnh gia được đào tạo ở nước ngoài như Phạm Tuấn Ngọc và nhiều nghệ sĩ ở miền Nam, hay các bạn đã tốt nghiệp RMIT. Các tác giả trẻ nếu theo học ở các cơ sở đào tạo trong nước thì xu hướng thực hành vẫn nghiêng về nhiếp ảnh tài liệu, song cũng đã tự tìm tòi, nâng cấp các thực hành của mình, có ý tưởng trong triển khai các dự án.

Nhiều bạn đã tham gia vào những không gian tư nhân về nhiếp ảnh nghệ thuật, bắt đầu quan tâm tới yếu tố mỹ thuật trong in ấn, trưng bày. Các bạn trẻ đều có tiếng Anh tốt, chủ động gia nhập vào môi trường quốc tế. Bây giờ những người thực sự yêu thích nhiếp ảnh có rất nhiều cơ hội để có thể tự học hoặc tham gia vào các workshop, các chương trình đào tạo của nước ngoài.

Với xu thế giao lưu hội nhập toàn cầu thì nhiếp ảnh chính là thế mạnh rất lớn. Khi các bạn có điều kiện cập nhật kiến thức thì không bao lâu sẽ bắt kịp được các xu hướng thực hành trong một thiết chế chuyên nghiệp.

Tôi muốn nhấn mạnh: Việt Nam đang thiếu một thiết chế chuyên nghiệp nên chưa có một hình dung cụ thể, không biết là chụp ảnh như thế hay thực hành như thế thì sẽ được giới thiệu như thế nào, con đường tiếp theo ra sao. Đó là cái thiếu nhất trong môi trường nhiếp ảnh Việt Nam.

- Phải chăng đào tạo về nhiếp ảnh nghệ thuật đang là một khoảng trống ở nước ta?

Một góc triển lãm 10 năm phơi sáng của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn trong khuôn khổ Photo Hà Nội 23. Ảnh: NVCC.

Một góc triển lãm 10 năm phơi sáng của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn trong khuôn khổ Photo Hà Nội 23. Ảnh: NVCC.

Trên thế giới, nhiếp ảnh được đào tạo trong các trường mỹ thuật. Tôi chưa nhìn thấy một mô hình nào khác mà đào tạo nhiếp ảnh chuyên nghiệp lại không nằm trong hệ thống nghệ thuật cả.

Bản thân tôi sau khi tốt nghiệp đại học mỹ thuật trong nước cũng theo học chuyên ngành nhiếp ảnh ở Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc.

Còn ở nước ta, nhiếp ảnh bị tách rời khỏi mỹ thuật. Do đó đào tạo nhiếp ảnh thường gắn liền với báo chí, rất thiếu vắng đào tạo bậc cao về nhiếp ảnh nghệ thuật. Có một khoảng cách khá lớn giữa việc đào tạo trong trường với thực tế hoạt động nghề nghiệp.

Vì thế, sinh viên ra trường thường phải mất một thời gian làm quen, tự đào tạo, hoặc tham gia những khóa học của nước ngoài. Câu chuyện của nhiếp ảnh nghệ thuật không phải chỉ là chụp và in những bức ảnh rồi giới thiệu chung chung, mà ở đây quan trọng nhất là cách thức, các phương án về lựa chọn in ấn, lựa chọn về trưng bày, và phải có một giám tuyển đi cùng.

Thực tế có những tác phẩm của các nghệ sĩ trong nước, dưới bàn tay của giám tuyển nước ngoài lại được nhìn nhận ở góc độ nghệ thuật, được giới thiệu dưới góc độ nghệ thuật. Không phải mình cứ nghĩ thế nào thì mình theo, coi như thế là đúng, là hợp lý. Phải có một hệ thống luôn luôn phản biện, đối thoại. Ở mình thì những người thực hành nghệ thuật cứ làm với nhau thôi.

- Suy cho cùng, nhiếp ảnh cũng là một phương tiện thực hành như các phương tiện khác, và cá tính, nội tâm bên trong của người nghệ sĩ mới là yếu tố quyết định tới tác phẩm nghệ thuật?

Bản chất tôi là một nghệ sĩ thị giác được đào tạo về nhiếp ảnh nghệ thuật, dùng nhiếp ảnh như một phương tiện nghệ thuật, như hội họa, điêu khắc để tạo ra tác phẩm nghệ thuật thể hiện những ý niệm riêng.

Đây là một xu hướng phổ biến trên thế giới. Ngay trong nhiếp ảnh cũng không phân biệt chụp phim hay chụp kỹ thuật số, ảnh đen trắng hay ảnh màu mới là nghệ thuật.

Trong một thực hành chuyên nghiệp thì tất cả những yếu tố đó chỉ được xếp là nguyên liệu đầu vào, còn có trở thành nghệ thuật hay không hoàn toàn do tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ. Chất liệu nghệ thuật càng ngày sẽ càng phong phú.

Bây giờ người ta còn dùng cả Internet, AI, nhưng nó chỉ làm phong phú hơn về phương tiện, về chất liệu biểu đạt nội tâm bên trong của con người. Mà nội tâm của mỗi người là một thế giới riêng biệt. Cái riêng của mỗi nghệ sĩ mới làm nên tác phẩm nghệ thuật, là điều cần phải khám phá của nghệ thuật.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ