Định vị được bản thân giúp sinh viên thành công

GD&TĐ - Lơ mơ về thế mạnh cũng như điểm yếu của bản thân nên khó lựa chọn được con đường phát triển phù hợp và lâu dài - đó là một trong những điểm yếu của không ít sinh viên hiện nay.

Định vị được bản thân giúp sinh viên thành công

Phải biết mình là ai

Trong trả lời kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII về lĩnh vực việc làm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi rõ:

Hiện nay, thực trạng khá phổ biến là nhiều sinh viên ra trường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, không ít người tìm được việc làm nhưng lại phải làm việc trái ngành nghề đào tạo, gây lãng phí về thời gian, tài chính của bản thân, gia đình và xã hội.

Nguyên nhân chủ quan của thực trạng trên được nhắc trong báo cáo này là học sinh, sinh viên: thiếu các kỹ năng “mềm”; một bộ phận còn trông chờ và ỷ lại vào gia đình trong việc tìm việc làm, tâm lý muốn làm cơ quan nhà nước cho ổn định, chưa chủ động, nỗ lực trong tìm kiếm việc làm...

Do không định vị được bản thân, thiếu sự chủ động nắm bắt về ngành nghề mình theo học, hoặc tâm lý chỉ cần vào đại học, một số sinh viên đã chọn ngành nghề không phù hợp, không đúng với năng lực, sở trường, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Trong chuỗi chương trình “Chào tân sinh viên 2016” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Huy Lộc - Tổng Biên tập báo Sinh viên Việt Nam - chia sẻ: Công tác định hướng cho sinh viên năm nhất đặc biệt quan trọng. Nếu sinh viên năm nhất được định hướng một cách chính xác và khoa học, được trang bị những kĩ năng cần thiết ngay từ khi mới nhập trường thì chắc chắn tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường phải làm trái nghề hoặc chưa tìm được việc làm sẽ giảm thiểu tối đa.

Cũng trong chương trình này, TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh - nhiều lần nhấn mạnh việc các sinh viên cần định vị được bản thân để biết mình là ai; phải đánh giá được kiến thức, kĩ năng thật sự của mình đến đâu; mình có tính cách, khí chất, sở trường như thế nào? Hãy dành nhiều thời gian cho học tập, làm việc bằng niềm đam mê và sở trường của bản thân, thì mới có thể gặt hái thành công.

Giúp sinh viên củng cố kỹ năng để thành công

Xuất phát từ thực trạng trên, mạng lưới cựu du học sinh Chevening Việt Nam đã khởi động chương trình tư vấn nghề nghiệp (mentorship) tại TP Hồ Chí Minh nhằm giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn để thành công trong tương lai và đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng. Chương trình được thực hiện với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam.

Trong khuôn khổ chương trình, các sinh viên xuất sắc năm thứ 3, thứ 4 hoặc sinh viên mới tốt nghiệp (trong vòng 6 tháng) từ các ngành Luật, Ngân hàng - Tài chính, Báo chí - Truyền thông, Nghiên cứu học thuật, giảng dạy tại các trường ĐH ở Việt Nam được học giả Chevening là những người thành đạt trong sự nghiệp trực tiếp hướng dẫn một kèm một trong vòng 10 tháng tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Sinh viên được lựa chọn được hỗ trợ tìm hiểu về lĩnh vực chuyên môn mình mong muốn theo đuổi, phân tích các lựa chọn nghề nghiệp, xác định thế mạnh, điểm yếu của bản thân để có thể lựa chọn con đường phát triển phù hợp lâu dài, củng cố kỹ năng để thành công trong công việc tương lai và được truyền cảm hứng để tham gia các hoạt động vì cộng đồng.

Ngoài ra, các sinh viên tham gia chương trình cũng được hỗ trợ cải thiện kỹ năng tìm kiếm các kênh tuyển dụng và cách chuẩn bị ứng tuyển như phát triển CV, viết luận và phỏng vấn.

Thay mặt Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential, bà Bùi Thị Thanh Thúy - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Nhân sự, Công ty Prudential Việt Nam, đồng thời là nhà tài trợ sáng lập của chương trình Chevening Mentorship lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam – thông tin: Prudential Việt Nam đã vinh dự được đồng hành cùng học bổng Chevening từ năm 1997. Tới nay, Prudential đã đồng tài trợ trên 30 học bổng Chevening dành cho công dân Việt Nam. Và năm nay đã có 2 bạn nhận học bổng Prudential Chevening và hiện đang học tập ở Anh. Tôi tin rằng khi tham gia chương trình này với những nhà cố vấn là cựu sinh viên học bổng Chevening, các bạn sẽ có những định hướng phát triển sự nghiệp rõ ràng sau khi tốt nghiệp.

Chị Nguyễn Thu Hà - cựu sinh viên Chevening 2005-2006, CEO của công ty thiết kế thời trang SLK, đồng thời là nhóm trưởng của dự án Chevening Việt Nam Mentorship - cho biết: Mục đích lớn nhất của chương trình là chuẩn bị, định hướng và giúp các sinh viên phát triển sự nghiệp dài hạn.

“Chúng tôi mong muốn sau tốt nghiệp ĐH, các bạn có thể tìm kiếm sự nghiệp thay vì tìm kiếm một công việc cụ thể. Việc các bạn cần làm là xây dựng sự nghiệp cho chính bản thân mình, khi ra trường biết ngay sẽ đi theo định hướng nào, làm thế nào để phát triển định hướng đó, đấy là mục tiêu cốt lõi của chương trình Mentorship” - chị Nguyễn Thu Hà chia sẻ.

Chương trình tư vấn nghề nghiệp Chevening Việt Nam hoàn toàn miễn phí đối với các bạn sinh viên và các học giả Chevening tham gia chương trình trên tinh thần tự nguyện. Các sinh viên quan tâm có thể tìm hiểu thêm về chương trình tại trang facebook.com/cheveningvietnammentorship và gửi hồ sơ đăng ký trước 12 giờ ngày 28/11/2016.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.