Định lượng nhiều nhất có thể với chuẩn cơ sở giáo dục Đại học

GD&TĐ - Dự thảo Thông tư ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học được ban soạn thảo chủ trương định lượng nhất có thể với các tiêu chuẩn, tiêu chí.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc tọa đàm góp ý về dự thảo Thông tư chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: Mạnh Tùng
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc tọa đàm góp ý về dự thảo Thông tư chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: Mạnh Tùng

Chiều ngày 31/7, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm góp ý kiến về dự thảo Thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Tọa đàm do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì, diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Định lượng nhiều nhất có thể

Khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, dự thảo Thông tư này được bắt đầu xây dựng từ năm 2021, sau đó xin ý kiến rộng rãi các cơ sở GDĐH và các bên liên quan.

Quá trình xây dựng chuẩn cơ sở GDĐH có nhiều khó khăn. "Đầu tiên, chưa thể hình dung được chuẩn cơ sở GDĐH là gì. Điều này khác với quy chế đào tạo, quy chế tuyển sinh đều đã có trước, nếu có sửa hay ban hành lại, chúng ta có thể dựa trên những nền tảng đã có và thực tiễn triển khai”, Thứ trưởng chia sẻ.

Theo Thứ trưởng, việc xây dựng chuẩn cơ sở GDĐH có nhiều mục đích, trong đó có việc thực hiện việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDĐH. "Chúng ta thực hiện sắp xếp, sáp nhập, giải thể trường đại học, học viện kém hiệu quả, nhưng thế nào là kém hiệu quả thì phải có chuẩn", Thứ trưởng nói.

Cùng với chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn cơ sở GDĐH được Bộ GD&ĐT coi là những văn bản nền tảng trong giáo dục đại học. Khi ban hành hai chuẩn này, những hệ thống văn bản liên quan sẽ được đơn giản hóa dần.

Gần 100 đại biểu đại diện các trường đại học tham gia tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

Gần 100 đại biểu đại diện các trường đại học tham gia tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, không tránh khỏi những tiêu chuẩn, chỉ số chuẩn cơ sở GDĐH mang tính định tính. Tuy nhiên, nếu quá nhiều chỉ số định tính sẽ gây khó cho các cơ sở GDĐH khi triển khai và cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, giám sát.

Do đó, khi trình bày thông tư, ban soạn thảo cố gắng định lượng nhất có thể; yêu cầu tối thiểu của việc định lượng là bao quát được các chỉ số, tiêu chuẩn chính.

Việc xây dựng bộ chuẩn cơ sở GDĐH theo tinh thần đơn giản, đảm bảo sự cân bằng với hệ thống giáo dục đại học hiện tại; đáp ứng được tính công khai, minh bạch, dễ kiểm tra, giám sát.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư, rất nhiều ý kiến đóng góp. Các ý kiến góp ý rất đa dạng, trách nhiệm và xác đáng.

Việc Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm nhằm giúp ban soạn thảo dự thảo Thông tư lắng nghe ý kiến đa chiều từ các thầy cô, các chuyên gia tại các trường về chuẩn cơ sở GDĐH. Ngoài ra, các thầy cô từ đây cũng có thêm góc nhìn, thông tin để có sự đồng thuận, đồng thời chỉ đạo thực hiện tại các cơ sở GDĐH.

Đặt người học làm trung tâm

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT trình bày những điểm chính về dự thảo Thông tư Chuẩn cơ sở GDĐH và các vấn đề có ý kiến cần trao đổi, thảo luận.

Theo bà Thủy, có 6 định hướng xây dựng chuẩn cơ sở GDĐH.

Chuẩn là những yêu cầu tối thiểu mà cơ sở GDĐH phải đáp ứng, đánh giá được những tiêu chí và được kiểm chứng qua những minh chứng, chỉ số tương ứng.

Chuẩn được xây dựng trên các chứng năng hoạt động cơ bản của mỗi cơ sở GDĐH, đảm bảo tính thực tiễn, thiết thực, khả thi, có thể định lượng được. Những nội dụng mang tính định tính phải đơn giản, ngắn gọn, dễ đánh giá.

Chuẩn được xây dựng đảm bảo tính thừa kế, không quy định lại những nội dung đã quy định tại những văn bản quy phạm pháp luật khác. Chuẩn được đối sánh, so sánh với những chuẩn GDĐH trên thế giới nhưng trên tinh thần phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Chuẩn được xây dựng đảm bảo tính thống nhất của hệ thống GDĐH, đảm bảo tính đa dạng của từng loại cơ sở GDĐH.

Các tiêu chuẩn, tiêu chí được xem xét áp dụng cho tất cả cơ sở GDĐH, hoặc chỉ áp dụng theo đặc thù của từng loại cơ sở GDĐH.

Xây dựng chuẩn cơ sở GDĐH đặt lợi ích người học là trọng tâm, toàn xã hội có thể giám sát, đánh giá. Các cơ sở GDĐH phải có trách nhiệm giải trình với các bên liên quan.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) trình bày những điểm chính của dự thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) trình bày những điểm chính của dự thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngoài ra, bà Thủy cho biết, có 7 nguyên tắc được đặt ra khi xây dựng chuẩn, gồm: Duy nhất, phù hợp với tất cả cơ sở GDĐH; Tập trung chính vào yếu tố đầu vào, trạng thái hoạt động của cơ sở GDĐH; Phù hợp với tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế để các cơ sở GDĐH hội nhập, cạnh tranh quốc tế; Định lượng nhất có thể; Khả thi, không quá phức tạp; Không mâu thuẫn với những quy định khác; Lấy lợi ích của người học làm trung tâm.

Dự thảo nhận được 116 ý kiến góp ý, trong đó tập trung vào 3 tiêu chí: Tổ chức, quản trị; Giảng viên; Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Bà Thủy cho biết, việc thực hiện chuẩn cơ sở GDĐH có nhiều lợi ích. Trong đó, bộ chuẩn sẽ giúp các cơ sở GDĐH xây dựng kế hoạch chiến lược, duy trì chỉ số hoạt động, cạnh tranh với khu vực, quốc tế.

"Đối với người học, đây là những thông tin để người học lựa chọn cơ sở theo học. Với nhà đầu tư, đây là những chỉ số giúp họ quyết định đầu tư. Cuối cùng, với người làm chính sách, chuẩn cơ sở GDĐH giúp các cơ quan quản lý hoạch định chính sách hiệu quả, hợp lý từ thông tin, dữ liệu từ các trường", bà Thủy cho biết.

Dự thảo Thông tư ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học ngày 28/7/2023 gồm 6 tiêu chuẩn, 24 tiêu chí. Các tiêu chuẩn gồm: Tổ chức và quản trị; Giảng viên; Điều kiện học tập; Tài chính; Tuyển sinh và đào tạo; Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ