Cần làm rõ tiêu chuẩn, tiêu chí chuẩn cơ sở giáo dục Đại học

GD&TĐ -  Cần xem xét sử dụng Bộ tiêu chuẩn để hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục đại học mạnh, chất lượng...

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng trong giờ thực hành. Ảnh: NVCC
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng trong giờ thực hành. Ảnh: NVCC

Trước khi bàn về tiêu chuẩn, tiêu chí, cần xác định sử dụng Bộ tiêu chuẩn để hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục đại học mạnh, chất lượng; hay những yêu cầu tối thiểu để một cơ sở giáo dục đại học được thành lập, tồn tại và triển khai hoạt động đào tạo.

2 phương án

Bộ GD&ĐT đã công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Trên thực tế, chuẩn cơ sở giáo dục đại học không phải là vấn đề mới mà đã ban hành theo Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Vì vậy, cần làm rõ, Bộ tiêu chuẩn mới khác gì so với Bộ tiêu chuẩn theo Thông tư 24. Cách sử dụng Bộ tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học có gì khác với Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT khi cả hai bộ tiêu chuẩn đều do Bộ GD&ĐT ban hành để đánh giá chất lượng một cơ sở giáo dục đại học.

Khi xem xét mục đích sử dụng Bộ tiêu chuẩn mới chúng ta có thể thấy mục đích chung là “Thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đầu tư phát triển hệ thống giáo dục đại học theo quy định của pháp luật”; mục đích cụ thể là “Xem xét, thẩm định và giám sát các điều kiện cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các cơ sở đào tạo và phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Chính phủ”. Ba mục đích còn là hệ quả của 2 mục đích trên.

Chúng ta cần xem xét sử dụng Bộ tiêu chuẩn để hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục đại học mạnh, chất lượng, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; hay sử dụng Bộ tiêu chuẩn với vai trò là những yêu cầu tối thiểu để một cơ sở giáo dục đại học được thành lập, tồn tại và triển khai hoạt động đào tạo.

Nếu lựa chọn cách sử dụng thứ nhất, chúng ta sẽ xây dựng một Bộ tiêu chuẩn toàn diện với các tiêu chuẩn, tiêu chí mang tính định lượng rõ ràng và các mốc chuẩn được đặt ở mức cao để các cơ sở giáo dục đại học phấn đấu đạt được trong tương lai.

Cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào Bộ tiêu chuẩn để xây dựng chiến lược phát triển nhằm đạt chuẩn và được công nhận đạt chuẩn. Từ kết quả đạt được khi triển khai Bộ tiêu chuẩn, Bộ GD&ĐT có thể tiếp tục triển khai phân tầng (nghiên cứu hoặc ứng dụng) theo Luật Giáo dục đại học dựa trên kết quả mà các cơ sở giáo dục đại học đã đạt được và tiến hành xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học (xếp hạng chung, xếp hạng theo định hướng, xếp hạng theo lĩnh vực…).

Từ đó làm căn cứ để quy hoạch, sắp xếp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đây là điểm mà chúng ta đã muốn làm khi ban hành Nghị định số 73/2015/NĐ-CP về phân tầng xếp hạng nhưng không thực hiện được, phải bỏ.

Thời điểm hiện tại, Việt Nam cần một hệ thống giáo dục đại học đủ mạnh để phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của đất nước và hội nhập quốc tế. Chúng ta đã qua giai đoạn phải phát triển theo số lượng cơ sở giáo dục đại học, vì vậy cần một Bộ tiêu chuẩn ở mức cao hơn nhằm đạt được mục tiêu phát triển.

Nếu lựa chọn cách sử dụng thứ hai, Bộ tiêu chuẩn sẽ được xây dựng theo hướng gồm các tiêu chuẩn, tiêu chí bắt buộc phải đạt và mang tính đảm bảo chất lượng. Các tiêu chuẩn, tiêu chí bắt buộc sẽ được phân loại phù hợp theo từng loại hình trường (nghiên cứu, ứng dụng; đào tạo trực tiếp, trực tuyến; trường kỹ thuật, tự nhiên, xã hội, sức khỏe, năng khiếu…) nhưng không phân biệt trường công lập và tư thục. Các cơ sở giáo dục đại học cùng lĩnh vực là bình đẳng.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Bộ tiêu chuẩn được sử dụng để xem xét cho phép mở, nâng cấp trường và dừng đào tạo (hoặc tối thiểu là dừng tuyển sinh) khi có một trong các tiêu chuẩn, tiêu chí bắt buộc không đạt chuẩn. Các trường chỉ được phép đào tạo trở lại khi chứng minh được đã khắc phục tồn tại ở tiêu chuẩn bắt buộc. Một bộ máy lỗi có nguy cơ cao tạo ra các sản phẩm lỗi.

Lúc này Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT đóng vai trò một bộ tiêu chuẩn kiểm định cao hơn mà các trường phấn đấu đạt được, cũng như có thể lựa chọn các bộ tiêu chuẩn kiểm định khác (trong nước và quốc tế) với yêu cầu cao hơn để khẳng định thương hiệu và chất lượng của đơn vị.

Bám mục đích sử dụng chuẩn

Dù chọn cách sử dụng theo phương án nào thì các tiêu chuẩn, tiêu chí cũng phải bám vào giải quyết mục đích sử dụng chuẩn. Chúng ta không nên xây dựng Bộ tiêu chuẩn vừa để quản lý trực tiếp, vừa giải quyết mục tiêu phấn đấu hay khắc phục tồn tại. Như đã phân tích ở trên, chỉ nên chọn một trong hai phương án và xây dựng Bộ tiêu chuẩn nhất quán theo phương án được lựa chọn.

Bộ tiêu chuẩn cần nhất quán từ mục tiêu hướng đến của giáo dục đại học Việt Nam, mục đích sử dụng hướng đến các tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp để đạt mục đích và mục tiêu đề ra. Các tiêu chuẩn, tiêu chí không thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học thì không nên sử dụng trong Bộ tiêu chuẩn này như phân tích của nhiều chuyên gia quản lý giáo dục thời gian qua.

Phân biệt rõ vai trò của Bộ tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học với Bộ tiêu chuẩn kiểm định để không chồng chéo trong triển khai kiểm định chất lượng và kiểm tra đạt chuẩn, gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học sau khi ban hành chuẩn.

Cùng đó, cần có một khoảng thời gian chuyển tiếp để các cơ sở giáo dục đại học có sự điều chỉnh, đầu tư và phát triển để đạt chuẩn. Sau khoảng thời gian trên cơ sở giáo dục đại học không đáp ứng chuẩn sẽ buộc phải dừng lại để lựa chọn tái cơ cấu, sáp nhập hoặc giải thể.

Các cơ sở giáo dục đại học còn tồn tại được sau khi áp dụng chuẩn sẽ là những trường đủ mạnh thực sự và hệ thống giáo dục đại học Việt Nam khi đó không còn trường đại học yếu, thiếu chuẩn. Nếu chọn phương án thứ nhất thì có thể chọn mốc thời gian 2030 để các cơ sở giáo dục phải đạt chuẩn, còn nếu chọn phương án thứ hai có thể chọn mốc thời gian năm 2025.

Rất mong các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục và lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học bàn thảo và lựa chọn phương án phù hợp cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện tại. Nếu chúng ta chỉ bàn về các tiêu chí cụ thể như số lượng máy tính, sách thư viện, tỉ lệ nhập học, thôi học… hay đem thực trạng của đơn vị mình để nắn chuẩn… thì sẽ khó đi tới đích cuối cùng mà Bộ tiêu chuẩn muốn hướng đến đó là Quy hoạch và phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ