Dinh dưỡng đúng giúp hệ tiêu hoá khoẻ mạnh

GD&TĐ - Ngày 5/5, chương trình hưởng ứng ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 2022 với chủ đề “KHỎE TIÊU HÓA – KHỎE HƠN MỖI NGÀY” đã chính thức được phát động bởi Báo Sức khỏe & Đời sống và Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

GS.TS Lê Danh Tuyên.
GS.TS Lê Danh Tuyên.

Từ năm 2004, Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO) phối hợp với Quỹ WGO (WGOF) đã chọn ngày 29/5 là Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe, cũng như cách phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý và điều trị các bệnh và/ hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Thống kê từ các nghiên cứu cho thấy, có 40% dân số thế giới gặp những vấn đề mãn tính về đường tiêu hóa. Có 62% dân số đang gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe tiêu hóa phổ biến như đau dạ dày, khó tiêu… Tại Việt Nam, các vấn đề về sức khỏe hệ tiêu hóa còn chưa được người dân chú trọng đúng mức trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài vai trò chính giúp tiêu hóa thức ăn tạo năng lượng cho cơ thể, hệ thống tiêu hóa còn đóng vai trò rất quan trọng hỗ trợ chức năng miễn dịch. Bởi, 70% hệ miễn dịch biểu mô của chúng ta nằm ở hệ tiêu hóa. Do đó, tiêu hóa khỏe đồng nghĩa với hệ miễn dịch khỏe mạnh, là chìa khóa phòng tránh bệnh tật.

Theo GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có rất nhiều yếu tố đóng góp vào sức khỏe của hệ miễn dịch. Bên cạnh những yếu tố khách quan khó có thể thay đổi như tuổi, giới, bộ gen, môi trường sống, thì cũng có những yếu tố chủ quan như dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt, mức độ vận động… Trong đó, vai trò của dinh dưỡng là đặc biệt nổi bật.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sức khoẻ tiêu hoá.
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sức khoẻ tiêu hoá. 

"Dù thường xuyên tiếp xúc với một lượng lớn vi sinh vật, hệ thống niêm mạc ruột chỉ gồm một lớp tế bào để đảm bảo việc hấp thu nhanh dưỡng chất, nước và các chất điện giải cũng cấp cho nhu cầu cơ thể. Để bảo vệ biên giới mỏng manh này, cơ thể thích nghi bằng cách tập trung các mô miễn dịch phía dưới niêm mạc ruột để kịp thời tối ưu hóa đáp ứng miễn dịch một cách liên tục", GS Tuyên cho biết.

Theo chuyên gia, các mô này cũng tiết kháng thể IgA để bảo vệ lớp màng nhầy thành ruột không bị tổn thương trong quá trình tiêu hóa. Không chỉ vậy, miễn dịch đường ruột cùng với sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột cũng đang ngày càng được khẳng định là có vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính như: hội chứng ruột co thắt, hội chứng chuyển hóa, béo phì, đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, ung thư, Parkinson.

Năm nay, chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa thế giới sẽ diễn ra trong tháng 5. Chương trình gồm một chuỗi hoạt động truyền thông hướng đến cộng đồng với thông điệp KHỎE TIÊU HÓA – KHỎE HƠN MỖI NGÀY. Các hoạt động nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe tiêu hóa của cộng đồng. Qua đó, giúp người dân có nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêu hoá đối với sức khoẻ, các giải pháp dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường đề kháng, xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hoá khoẻ mạnh tự nhiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.