Dinh dưỡng cho trẻ tệ hơn vì đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Theo báo cáo của UNICEF, chế độ dinh dưỡng của trẻ nhỏ không được cải thiện trong thập kỷ qua và có thể trở nên tệ hơn nhiều trước tác động của Covid-19.

Dinh dưỡng cho trẻ tệ hơn vì đại dịch Covid-19

Những tổn hại về não bộ

Chuyên gia khuyến cáo rằng, sự gia tăng các vấn đề như nghèo đói, bất bình đẳng, xung đột, thảm họa khí hậu và tình trạng khẩn cấp về y tế như đại dịch Covid-19 là những yếu tố dẫn tới cuộc khủng hoảng về dinh dưỡng đang diễn ra đối với trẻ nhỏ trên thế giới. Nội dung này gần như không đạt được sự cải thiện nào trong một thập kỷ qua.

Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết: “Việc hấp thụ không đủ chất dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời có thể gây ra những tổn hại không thể nào khắc phục được đối với cơ thể và não bộ đang phát triển rất nhanh của trẻ nhỏ. Nó ảnh hưởng tới việc học tập, triển vọng nghề nghiệp và tương lai của các em.

Dù chúng ta đã nhận thức được điều này từ lâu, song vẫn chỉ có rất ít tiến bộ đạt được trong việc mang tới cho trẻ nhỏ nguồn lương thực, thực phẩm an toàn và dinh dưỡng phù hợp. Trên thực tế, những gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra có thể khiến tình trạng này trầm trọng hơn”.

Một báo cáo phân tích trên phạm vi 91 quốc gia cho thấy, chỉ một nửa số trẻ em từ 6 - 23 tháng tuổi được ăn đủ số lần cho ăn tối thiểu được khuyến nghị trong ngày.

Trong khi đó, chỉ 1/3 trẻ nhỏ được cung cấp số nhóm lương thực, thực phẩm tối thiểu cần thiết cho sự phát triển của các em. Phân tích sâu hơn về 50 quốc gia với dữ liệu về xu hướng sẵn có cho thấy một thực tế rằng, tình trạng cho trẻ ăn uống kém dinh dưỡng như vậy đã tồn tại trong suốt thập kỷ qua.

Chuyên gia cũng chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 không chỉ tiếp tục làm gián đoạn những dịch vụ thiết yếu và đẩy nhiều hộ vào cảnh nghèo đói, mà còn ảnh hưởng tới cách nuôi con của các gia đình.

Trẻ em phải gánh chịu những hệ lụy từ chế độ ăn uống kém dinh dưỡng trong suốt cuộc đời. Việc hấp thụ không đầy đủ các chất dinh dưỡng có trong rau củ, trái cây, trứng, cá và thịt để hỗ trợ tăng trưởng khi còn nhỏ khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ trí não kém phát triển. Bên cạnh đó là khả năng học tập yếu kém, hệ miễn dịch kém, tăng tình trạng nhiễm trùng và nguy cơ tử vong.

Chế độ ăn uống kém dinh dưỡng ở thời điểm có nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng thiết yếu trên mỗi trọng lượng cơ thể cao hơn bất kỳ giai đoạn nào trong vòng đời. Điều này khiến trẻ nhỏ dưới 2 tuổi trở thành đối tượng dễ gặp phải tất cả các hình thức suy dinh dưỡng nhất. Bao gồm thấp còi, gầy còm, thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân, béo phì. 

Trẻ em cần có chế độ ăn uống đầy đủ. Ảnh minh họa.

Trẻ em cần có chế độ ăn uống đầy đủ. Ảnh minh họa.

Kinh tế gia đình ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng

Theo Tổng Điều tra Dinh dưỡng quốc gia năm 2019, khoảng 42% trẻ em từ 6 - 23 tháng tuổi ở Việt Nam có chế độ ăn đúng và đủ. Tuy nhiên, con số này ở các vùng nông thôn và miền núi chỉ đạt gần 30% và ở Tây Nguyên là 23%.

UNICEF ước tính rằng, hơn một nửa số trẻ em suy dinh dưỡng thể gầy còm dưới 5 tuổi trên thế giới - khoảng 23 triệu trẻ - là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Bên cạnh đó là tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi tăng nhanh đối với nhóm trẻ từ 6 tháng tới 2 tuổi do chế độ ăn của trẻ không theo kịp nhu cầu dinh dưỡng ngày càng lớn của các em.

Theo báo cáo, trẻ em từ 6 - 23 tháng tuổi sống ở khu vực nông thôn hoặc trong các hộ kinh tế kém hơn khả năng cao sẽ có chế độ ăn uống nghèo nàn hơn so với những trẻ em cùng độ tuổi tại khu vực thành thị hoặc sống trong những hộ khá giả hơn. Ví dụ, vào năm 2020, tỷ lệ trẻ em được cung cấp tối thiểu số nhóm thực phẩm được khuyến nghị ở khu vực thành thị (39%) cao gấp đôi so với ở khu vực nông thôn (23%).

Tại Việt Nam, Báo cáo Phân tích Toàn cảnh về ăn bổ sung cho thấy, hơn 50% trẻ sơ sinh được cho ăn bổ sung quá sớm (trước sáu tháng tuổi). Trong khi hơn 1/3 trẻ em từ 6 - 23 tháng tuổi không được ăn đủ số bữa ăn tối thiểu trong một ngày, thì 18% trong số này không được ăn các thức ăn đa dạng từ các nhóm thực phẩm cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Hơn 1/5 tổng số trẻ em không được ăn đủ lượng vitamin A cần thiết cho việc tăng trưởng và xây dựng hệ miễn dịch chống lại bệnh tật (trứng, rau cam, rau lá xanh) và 14% không được ăn các thực phẩm giàu sắt trong chế độ ăn hàng ngày. Những trẻ em nghèo và những trẻ em sống ở vùng sâu, vùng xa ít có khả năng được ăn bổ sung đầy đủ nhất.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều gia đình trên khắp Việt Nam, đẩy họ rơi vào cảnh nghèo đói, gây khó khăn trong việc đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cũng như chất lượng của thực phẩm trong việc cung cấp đủ dưỡng chất cho quá trình phát triển thể chất và nhận thức của trẻ.

Đáng buồn là, những nỗ lực hiện có nhằm giúp hàng triệu trẻ em khó khăn tiếp cận được các dịch vụ dinh dưỡng thiết yếu đã bị gián đoạn. Trong giai đoạn đầy thách thức này, điều quan trọng là Chính phủ cần hỗ trợ tiền mặt nhiều hơn cho các gia đình một cách rộng rãi và thủ tục giản tiện để các gia đình có thể đảm bảo ưu tiên các bữa ăn dinh dưỡng cho mọi trẻ em”.

Để mọi trẻ em có một chế độ ăn uống dinh dưỡng, an toàn với chi phí hợp lý, UNICEF kêu gọi các chính phủ, các nhà tài trợ, tổ chức xã hội cùng chung tay chuyển đổi hệ thống lương thực, y tế và bảo trợ xã hội.

Cần gia tăng tính sẵn có và khả năng chi trả đối với các loại thực phẩm dinh dưỡng bao gồm trái cây, rau củ, trứng, thịt cá và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Hoạt động này thông qua việc khuyến khích hoạt động sản xuất, phân phối và bán lẻ. Đồng thời, áp dụng những tiêu chuẩn cũng như quy định quốc gia để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi các loại đồ uống và thực phẩm chế biến không lành mạnh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ