Lan tỏa kiến thức về dinh dưỡng lành mạnh

GD&TĐ - Ra đời từ năm 2012 đến nay, Dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto Việt Nam khởi xướng được triển khai trên 62 tỉnh/thành với hơn 4.200 trường tiểu học trên toàn quốc.

Lễ khánh thành “Bếp ăn mẫu bán trú” thứ 3 tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, Quận 3, TPHCM, ngày 14/3/2022.
Lễ khánh thành “Bếp ăn mẫu bán trú” thứ 3 tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, Quận 3, TPHCM, ngày 14/3/2022.

Cùng với kinh nghiệm từ mô hình bữa ăn bán trú được áp dụng thành công tại Nhật Bản, dự án đã chia sẻ những khó khăn, thách thức mà các trường tiểu học đang gặp phải trong công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh.

Mang lại bữa ăn cân bằng dinh dưỡng

Dự án Bữa ăn học đường được phối hợp thực hiện bởi Công ty Ajinomoto Việt Nam, Viện Dinh dưỡng quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dự án ra đời với mục tiêu chuẩn hóa và cung cấp những thực đơn cân bằng về dinh dưỡng, đa dạng về thực phẩm dành cho học sinh của các trường tiểu học bán trú nhằm góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn, từ đó cải thiện tình trạng dinh dưỡng, thể chất và trí tuệ của trẻ em. Đồng thời, dự án cũng cung cấp cho nhà trường một phần mềm thân thiện, dễ sử dụng, hỗ trợ công tác lên thực đơn hằng ngày. Nhà trường có thể tự xây dựng những thực đơn mới cân bằng dinh dưỡng, phù hợp với văn hóa ẩm thực của vùng, miền, đồng thời tiết kiệm thời gian cho công tác quản lý bữa ăn bán trú của học sinh.

Nói về lý do lựa chọn Việt Nam để thực hiện dự án, đại diện Công ty Ajinomoto Việt Nam cho rằng: Thời điểm năm 2011 trở về trước, qua khảo sát hầu hết trường tiểu học ban đầu được xây dựng với mục đích phục vụ cho giáo dục học sinh. Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của phụ huynh, các trường phải đảm trách thêm công việc phục vụ bữa ăn bán trú cho các em nhưng còn gặp nhiều hạn chế. Cán bộ phụ trách bán trú và lên thực đơn phần lớn phải tự tìm hiểu để thực hiện, chưa được đào tạo chuyên sâu và còn thiếu kinh nghiệm. Do đó, các nhà trường còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thực đơn vừa đa dạng, phong phú, vừa phù hợp với lứa tuổi học sinh và chi phí thu hàng tháng.

“Nắm bắt được thực trạng và khó khăn của các trường, cùng với thế mạnh là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng và sức khỏe, Ajinomoto Việt Nam đã nghiên cứu và khởi xướng Dự án Bữa ăn học đường vào năm 2012. Mục tiêu của dự án là đóng góp cho giáo dục, nuôi dưỡng, đào tạo thế hệ tương lai của đất nước bằng các hoạt động cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe, góp phần nâng cao tầm vóc và trí tuệ cho học sinh tiểu học” - ông Keiji Kaneko - Tổng Giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam cho biết.

Mô hình “Bếp ăn mẫu bán trú” theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng.
Mô hình “Bếp ăn mẫu bán trú” theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng.

Hình thành thói quen ăn uống lành mạnh

Theo số liệu của Công ty Ajiomoto Việt Nam, tính đến tháng 3/2022 có 62 tỉnh/thành với hơn 4.200 trường tiểu học bán trú trên toàn quốc đã và đang áp dụng phần mềm để xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, đồng thời, giáo dục kiến thức về dinh dưỡng và thực phẩm thông qua áp phích và các đoạn phim ngắn thuộc Chương trình “3 phút thay đổi nhận thức” cho các em học sinh. Hơn 1,4 triệu học sinh tiểu học đã nhận được những giá trị thiết thực mà dự án mang lại. Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy 97% học sinh đã ăn đa dạng thực phẩm và 59% học sinh ăn nhiều rau xanh hơn.

Ngày 14/3, Dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto Việt Nam khởi xướng đã khánh thành “Bếp ăn mẫu bán trú” thứ 3 tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (Quận 3, TPHCM). Trước đó, công ty phối hợp cùng Sở GD&ĐT TPHCM xây dựng “Bếp ăn mẫu bán trú” đầu tiên tại Trường Tiểu học Trưng Trắc (Quận 11, TPHCM), bếp thứ hai tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Đến nay, hai mô hình bếp mẫu này đã đón tiếp 650 trường, cơ quan, tổ chức chính phủ với gần 1.900 khách đến tham quan và học tập.

Chia sẻ tại lễ khánh thành Bếp ăn mẫu bán trú thuộc Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (Quận 3, TPHCM), ông Nguyễn Nho Huy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT - đánh giá: “Trong hơn 10 năm qua, Dự án Bữa ăn học đường đã mang đến cho hàng triệu học sinh trên toàn quốc những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng và ngon miệng. Hơn thế nữa, học sinh được giáo dục về giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm thông qua Chương trình “3 phút thay đổi nhận thức”. Đây là những kiến thức thiết thực giúp các em nâng cao hiểu biết và thay đổi thói quen ăn uống…”.

Mô hình “Bếp ăn mẫu bán trú” tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng được kỳ vọng hỗ trợ nhà trường thực hiện tốt công tác bán trú, mang lại những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng và ngon miệng áp dụng theo phần mềm dự án. Hơn hết, bếp ăn mẫu sẽ tạo điều kiện để các trường tiểu học và các tổ chức giáo dục tại TPHCM cũng như khu vực miền Nam đến tham quan, học tập và áp dụng phù hợp với thực tế của từng nơi, góp phần chuẩn hóa các bếp ăn hiện tại, từ đó thúc đẩy Dự án Bữa ăn học đường trên cả nước.

Thầy Nguyễn Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (Quận 3, TPHCM) - chia sẻ: “Mô hình “Bếp ăn mẫu bán trú” được đưa vào sử dụng từ giữa tháng 2/2022 phục vụ cho hơn 1.600 suất ăn. Bếp ăn đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như hỗ trợ tốt, giảm bớt công việc nặng nhọc của các nhân viên cấp dưỡng. Với mong muốn giới thiệu mô hình bếp ăn mẫu này đến với nhiều trường hơn nữa, nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện cho các trường trong khu vực Quận 3, TPHCM nói riêng và các trường trên khắp cả nước nói chung đến để tham quan và học tập mô hình bếp ăn mẫu tại trường…”.

“Được sự hỗ trợ nhiệt tình của Công ty Ajinomoto Việt Nam, tính đến nay đã có hơn 400 trường tiểu học tại TPHCM triển khai dự án. Từ việc giáo dục kiến thức dinh dưỡng thực phẩm thuộc Chương trình “3 phút thay đổi nhận thức” cho học sinh, các trường dần dần áp dụng các thực đơn cân bằng dinh dưỡng có trong phần mềm vào bữa ăn bán trú của học sinh từ một vài đến tất cả các buổi trong tuần...” - ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng - Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ