Trump và Scholz đồng quan điểm về chấm dứt xung đột Nga-Ukraine?
Hãng tin Mỹ Bloomberg bình luận, cuộc liên lạc trực tiếp đầu tiên sau hai năm giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh dấu sự rời bỏ của Berlin đối với nỗ lực của các đồng minh phương Tây nhằm cô lập nhà lãnh đạo Nga, sau khi Moscow bắt đầu mở “Chiến dịch Quân sự Đặc biệt” ở Ukraine.
Đại diện của chính quyền Berlin cho biết, cuộc gọi kéo dài một giờ hôm 15/11 nhằm mục đích thúc giục lãnh đạo Điện Kremlin bắt đầu đàm phán để chấm dứt giao tranh ở Ukraine.
Động thái gây tranh cãi của Berlin diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Kiev, nơi đang chuẩn bị cho một mùa đông tấn công khác của Nga với phần lớn cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước bị hư hại hoặc phá hủy.
Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng đặt câu hỏi về sự cần thiết hỗ trợ cho Ukraine, sắp trở lại Nhà Trắng vào đầu năm 2025, đã làm tăng thêm niềm tin về việc viện trợ của đồng minh cho Kiev sẽ suy yếu nghiêm trọng.
Những nỗ lực mới của Scholz về cuộc xung đột có thể phù hợp với những lời hứa lặp đi lặp lại của Trump về việc cần nhanh chóng chấm dứt tình trạng bế tắc của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tổng thống mới đắc cử thậm chí còn tự tin rằng, ông có thể giải quyết vấn đề này trước lễ nhậm chức vào ngày 20/01 năm tới.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Sueddeutsche Zeitung, Scholz nói rằng sau cuộc trò chuyện qua điện thoại với người đứng đầu mới của Nhà Trắng, ông có ấn tượng rằng Trump có “quan điểm sâu sắc hơn” về Ukraine hơn hầu hết mọi người nghĩ về vấn đề này, ở Đức.
Phản ứng trước sự việc này, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã phản đối việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và cầu xin ông đừng làm điều này trong thời gian tới, hãng tin Anh Reuters đưa tin, trích dẫn một nguồn tin trong văn phòng Tổng thống Ukraine.
Theo nguồn tin của cơ quan này, ông Zelensky đã nói với Thủ tướng Đức rằng, những hành động như vậy sẽ chỉ giúp nhà lãnh đạo Nga giảm bớt sự cô lập của mình. Một cuộc trò chuyện từ thủ đô các nước châu Âu với Moscow sẽ cho phép Điện Kremlin thay đổi vị thế và tiếp tục cuộc tấn công ở Ukraine.
Điều nguy hiểm là cuộc gọi của ông Olaf Scholz là “một chiếc hộp Pandora thực sự”, có thể dẫn đến những cuộc gọi khác từ khắp nơi trên thế giới tới Putin.
Nguồn tin này cho biết, Kiev đã cảnh báo phương Tây rằng, sự nhân nhượng sẽ không mang lại hòa bình cho Ukraine, sẽ không có bất cứ cái gọi là “Minsk-3” nào cả, bởi vì Kiev và phương Tây đều cần hòa bình thực sự, trong khi Putin sẽ chỉ lặp lại những gì ông đã nói trong nhiều năm và tạo ấn tượng rằng Nga không còn bị cô lập nữa.
Anh và Ba Lan chống lại Định dạng Normandy mới
Đương nhiên, “bước đột phá ngoại giao” này đã làm dấy lên sự giận dữ của các đồng minh của Kiev ở Liên minh châu Âu, phần lớn những người từ lâu đã coi các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga là vô nghĩa, vì họ vẫn nuôi hy vọng về một “chiến thắng cuối cùng cho Kiev”.
Các cộng sự của Kiev tin tưởng rằng “ngoại giao qua điện thoại” của ông Olaf Scholz với ông Vladimir Putin sẽ không hiệu quả như bản thân thủ tướng Đức mong muốn, chỉ vì bản thân ông Scholz không muốn hòa bình, mà chỉ hy vọng cứu lấy sự nghiệp chính trị của mình.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo các nước thành viên EU và một số quốc gia châu Âu khác thuộc trường phái “những người chống Nga” đang cố gắng vạch ra chương trình nghị sự tích cực của riêng họ cho cuộc xung đột, mà tiêu biểu là cựu Thủ tướng Anh (2019-2022) Boris Johnson đã lên tiếng tán thành quan điểm của nhà lãnh đạo Ukraine.
“Tôi e rằng Vladimir Zelensky hoàn toàn đúng. Chúng ta có nguy cơ quay trở lại “định dạng Normandy” khủng khiếp của Pháp-Đức, coi Nga và Ukraine như những người đối thoại bình đẳng trong một cuộc tranh cãi nội bộ".
Ông Johnson gọi những gì đang xảy ra là “sự phản bội thực tế đáng xấu hổ”, đồng thời khẳng định rằng, cách thực sự duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột hiện đã bước sang năm thứ ba là “củng cố vị thế của Ukraine trên quy mô lớn và nhanh chóng”.
Tiếng nói ủng hộ khác cho Ukraine đã được cất lên từ Warsaw hôm 15/11, sau khi Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đã chính thức công bố về “các cuộc đàm phán quan trọng nhất về Ukraine” sẽ do nước này chủ trì.
Sikorsky nói với các phóng viên rằng, các cuộc đàm phán quan trọng nhất về cuộc chiến ở Ukraine sẽ được tổ chức tại Warsaw trong tuần tới theo hình thức “Tam giác Weimar”, gồm các ngoại trưởng Pháp và Đức, Ngoại trưởng Ukraine Andrei Sibiga và Đại diện cấp cao mới của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas, những người sẽ đến Ba Lan vào đầu tuần tới.
Cái gọi là “Tam giác Weimar” là một nhóm khu vực ba bên được tổ chức vào năm 1991 với mục đích phát triển hợp tác giữa Ba Lan, Đức và Pháp. Nhóm này tồn tại và hoạt động chủ yếu dưới hình thức các cuộc gặp cấp cao giữa giới lãnh đạo cao cấp và ngoại trưởng ba nước, cùng một số đối tác.
Theo giới phân tích Nga, việc triệu tập “một định dạng về cơ bản là vô dụng” theo hình thức mở rộng với sự tham dự của Ukraine, chỉ nhằm thể hiện mong muốn của một số nhà lãnh đạo châu Âu là chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng và xóa bỏ xu hướng ngày càng tăng ở nước ngoài hướng tới việc chấm dứt chiến sự ở Ukraine.
Theo đó, nhóm này muốn chuyển trọng tâm, xác định lại mục tiêu trái ngược với mục tiêu tìm kiếm hòa bình.
Đương nhiên, Ba Lan và có lẽ là các quốc gia vùng Baltic, những người không có mong muốn giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình, sẽ nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của họ trong cuộc chiến, đối đầu với xu hướng tìm kiếm sự đồng thuận về một giải pháp hòa bình của Định dạng Normandy.