Điều quyết định là chất lượng đội ngũ và điều kiện thực hành

Điều quyết định là chất lượng đội ngũ và điều kiện thực hành

(GD&TĐ)-Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, theo tôi, điều cốt tử là chất lượng của thầy cô giáo và điều kiện thực hành trong thời gian học Đại học, Cao đẳng.

Điều kiện thực hành vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với sinh viên ngành Y dược
   Điều kiện thực hành vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với sinh viên ngành Y dược (ảnh chụp lớp học sinh viên Trường CĐ dược Phú Thọ)

Ai không có giáo trình hay không sử dụng được các giáo trình đạt chuẩn của người khác thì không được phép lên lớp. Trường nào đủ điều kiện thực hành ngành nào thì hãy chỉ tuyển sinh ngành ấy. Trường nào thực sự không đủ số giảng viên cơ hữu (phải kiểm tra thực sự chứ không thể chỉ căn cứ vào giấy tờ xin mở trường) thì không được tiếp tục tuyển sinh. Ngành nghề đào tạo phải phù hợp với nhu cầu xã hội. Nếu quá đông người có nguyện vọng học đại học mà không biết rõ nhu cầu đào tạo thì tốt nhất chỉ nên dạy ngoại ngữ, vì nếu đã nắm vững ngoại ngữ thì mọi sinh viên đều có thể tự học thêm lấy một chuyên môn khác sau khi ra trường. Đó cũng là một đặc trưng của thời đại phổ cập Internet.

GS.TS.Nguyễn Lân Dũng cho biết như vậy khi trả lời câu hỏi: đâu là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng giáo dục đại học hiện nay?

GS.TS.Nguyễn Lân Dũng cũng nhấn mạnh, đổi mới quản lý giáo dục phải đi sâu vào thực chất chứ không nên làm hời hợt bằng các biện pháp hành chính. Muốn thoát khỏi tình trạng "cơm chấm cơm", tình trạng học "chay", cần học các nước khác về việc đưa các Viện nghiên cứu, các Trung tâm về hẳn hoặc gắn bó chặt chẽ với các trường Đại học, Cao đẳng.

Chúng ta nên biết hiện nay Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có tới 25 Viện nghiên cứu quốc gia với 2.464 cán bộ khoa học, trong đó có tới 207 giáo sư, phó giáo sư, 673 tiến sĩ và 538 thạc sĩ . Viện Khoa học Xã hội Việt Nam hiện có tới 31 Viện nghiên cứu quốc gia với 1.500 cán bộ khoa học, trong đó có tới 600 cán bộ có trình độ trên Đại học.

Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam hiện có trên 10 Viện nghiên cứu quốc gia với 1.770 cán bộ khoa học, trong đó có 25 GS,PGS. 144 TS và 277 ThS. Ngoài ra trực thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam cũng còn có tới 500 đơn vị nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với số lượng rất đông các nhà nghiên cứu có trình độ Đai học và Sau đại học.

Tại sao các nước giàu có người ta còn kết hợp các cơ quan nghiên cứu với các trường Đại học, Cao đẳng; còn một nước nghèo như nước ta lại tách rời ra. Việc ba Viện nghiên cứu lớn tự lấy tên giao dịch quốc tế là Viện Hàn lâm (Academy) liệu có phải là chuyện hợp pháp hay không?

Đội ngũ giảng viên là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định chất lượng đào tạo. Nhưng GS.TS Nguyễn Lân Dũng, hiện nay không chỉ giảng viên Đại học, Cao đẳng mà tất cả giáo viên phổ thông nói riêng và toàn bộ cán bộ trong bộ máy Nhà nước nói chung đều có số lương mà mọi người bảo chỉ đủ sống 10-15 ngày. Vậy mà không thấy có ai đói, bởi vì họ đều đã phải cố gắng tìm thêm thu nhập bằng các con đường khác. Tất nhiên làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến thời gian và tâm trí lo cho nhiệm vụ chính của mình.

Cho nên việc dạy thêm, học thêm nếu đúng đối tượng (với sinh viên quá kém hoặc sinh viên quá giỏi) và được thực hiện một cách nghiêm chỉnh thì là đúng với Luật lao động mà không nên cấm đoán. Như vậy là cả thầy lẫn trò sẽ giỏi thêm mà không cần lao tâm, khổ tứ để lao vào các công việc xa lạ với chuyên môn của mình. Các doanh nghiệp cần tự bồi dưỡng cán bộ của mình chứ không nên dùng những mức lương quá cao để rút ruột những cán bộ giỏi của các trường Đại học như việc làm thường xuyên hiện nay của họ. Cần có một cơ chế pháp lý để ngăn chặn tình trạng nguy hại ngày càng phổ biến này.

GS.TS. Nguyễn Lân Dũng
GS.TS. Nguyễn Lân Dũng

“Giảng dạy ở Đại học mà không tinh thông một vài ngoại ngữ và không trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học thì không thể dạy tốt được”
 
GS.TS Nguyễn Lân Dũng tâm sự: Lớp chúng tôi, những sinh viên tốt nghiệp năm 1956 mà ngày nay ai cũng biết đến với những tên tuổi như Lâm- Lê-Tấn-Vượng, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Phan Đình Diệu, Cao Xuân Hạo, Cao Huy Đỉnh, Cao Liêm, Phan Nguyên Hồng, Trần Kiên, Tống Duy Thanh... đều là những người đã phải học tập trong các điều kiện vật chất cực kỳ khó khăn.

Sống ở Đông Dương Học xá -Khu Bách khoa bây giờ. Sáng chia nhau củ khoai, mẩu sắn rồi đi bộ lên 19 Lê Thánh Tông để học. Mỗi ngày đi bộ 4 lần như vậy vì trưa không về thì không có gì để ăn mà tất cả chả ai có nổi chiếc xe đạp (giờ nghĩ lại có lẽ đi bộ 1 lần cũng không nổi!). Sách vở không có,...Thế mà chúng tôi học rất tốt và trở thành những cán bộ chủ chốt cho các trường Đại học mở ra sau năm 1956 cùng các Viện nghiên cứu khác.

Vì sao như vậy? Một là chúng tôi được học những thầy vừa giỏi giang, vừa là những tấm gương sáng về đạo đức làm thầy (tiếc thay hầu hết các thầy hồi ấy nay đều đã đi xa). Các thầy đã tự học tiếng Nga qua cuốn Le Russe bằng tiếng Pháp để có thể dùng sách giáo khoa của Liên Xô để dạy chúng tôi. Các thầy đã thổi vào trong mỗi chúng tôi lòng yêu khoa học, tự giác và say mê học tập, ý thức phấn đấu để có tư cách tốt và lo lắng cho nhiệm vụ sau khi ra trường.

Thật khó tưởng tượng  là chúng tôi đã có thể tìm ra từng nguyên tố trong một dung dịch tại giờ thực hành của thầy Cát, tự xác định tên La Tinh và vị trí phân loại của từng mẫu cây mà thầy Kế, thầy Thời, thầy Ngỗi trao cho, tự mổ các loài động vật từ thấp đến cao và tìm ra mọi cơ quan của chúng dưới sự hướng dẫn của thầy Tiến, thầy Long, tự tìm tên các mẫu đá dưới sự hướng dẫn của thầy Chiển, thầy Bảo... Tối nào chúng tôi cũng tự học rất khuya và thi nhau học bằng được tiếng Nga qua các sách giáo khoa đầu tiên của thầy Thống, thầy Lăng...Tất nhiên khi đó số sinh viên còn rất ít mà cũng chả phải thi cử gì để được vào học Đại học.

Bây giờ chúng ta đang có 146 trường Đại học với trên 1,24 triệu sinh viên, 223 trường Cao đẳng với  gần 477 nghìn sinh viên (niên khóa 2008-2009) và thi vào Đại học cũng khá khó. Thời gian học Đại học kéo dài từ 4 đến 6 năm, số lượng thầy cô giáo Đại học , Cao đẳng đông tới 476.721 người. Tiếc rằng trong số này chỉ mới có 338 tiến sĩ và 5787 thạc sĩ.

Như vậy là còn tới 14. 060 giảng viên dạy Đại học, Cao đẳng chỉ có bằng Đại học mà thôi. Nhiều giảng viên chưa thực sự yêu nghề, thiếu ý thức phấn đấu, dậy quá nhiều giờ, nhiều trường mà trong tay không có giáo trình nào nghiêm chỉnh, thậm chí còn dùng những cuốn sách tiếng Nga đã in cách đây vài thập kỷ (!). Vẫn còn nhiều sinh viên chưa tự giác và say mê học tập.

Thi vào Đại học rất khó vậy mà thi ra lại rất dễ. Nhiều luận văn tốt nghiệp mà thầy phải mất quá nhiều thời gian để giúp đỡ để hoàn thành, các bản giáp thường mực đỏ nhiều hơn mực xanh, có khi thầy phải viết hộ từng đoạn dài. Vậy mà luận văn toàn điểm từ khá trở lên (?!). Kết quả là thừa thầy, thiếu thợ, mà thầy thì không làm được thợ nhưng cũng không làm được thầy.

Mặc dù vậy, không phải không có những sinh viên rất xuất sắc và được học tiếp sau Đại học trong và ngoài nước. Tôi rất hài lòng về những sinh viên giỏi tôi đã cố gắng bồi dưỡng và đang trở thành những cán bộ giỏi trong Viện nghiên cứu mà tôi đang hoạt động với tư cách chuyên gia. Họ thực sự giỏi hơn thế hệ chúng tôi vì đã tiếp cận nhanh hơn với các kiến thức và phương pháp nghiên cứu hiện đại, ngoại ngữ sử dụng tốt hơn vì có điều kiện tu nghiệp thêm ở nước ngoài.

Tôi đang tham gia chấm gần 1000 bài thi về Ý tưởng xanh năm 2009 do Toyota tài trợ và tôi rất vui mừng khi gặp những bài dự thi rất xuất sắc, rất khoa học và có ý nghĩa thiết thực của nhiều sinh viên ở khắp mọi miền đất nước. Đó là những mỏ vàng mà chúng ta chưa biết cách khai thác.

Muốn sinh viên ham mê khoa học thì thầy cô phải ham mê nghiên cứu và có đủ những phương tiện tối thiểu để tiến hành nghiên cứu khoa học. Các giải pháp tôi nêu ở phần trên sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả của phong trào tham gia nghiên cứu của sinh viên. Tôi ghi nhớ lời căn dặn của GS Đặng Văn Ngữ đối với tôi: "Giảng dạy ở Đại học mà không tinh thông một vài ngoại ngữ và không trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học thì không thể dạy tốt được".

Hiếu Nguyễn (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...