Điều gì đã xảy ra với quân đội Mỹ?

GD&TĐ - Ngày thứ bảy lần ba của tháng 5 được Mỹ vinh danh là Ngày Lực lượng Vũ trang, một ngày lễ tôn vinh tất cả các thành viên của quân đội nước này.

Binh sĩ thuộc Đội chiến đấu Lữ đoàn 1, Sư đoàn Dù 82 của quân đội Mỹ.
Binh sĩ thuộc Đội chiến đấu Lữ đoàn 1, Sư đoàn Dù 82 của quân đội Mỹ.

Theo tờ Popular Mechanics, ngày Lực lượng Vũ trang năm nay ở Mỹ diễn ra khi cỗ máy chiến tranh của Washington dường như chỉ còn là cái bóng của chính nó trước đây.

Danh tiếng của quân đội Mỹ đã bị ảnh hưởng lớn bởi thất bại trên thực tế ở Afghanistan vào năm 2021 và việc không có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi vào hoạt động vận tải Biển Đỏ.

Cựu nhà phân tích chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ Scott Bennett lập luận rằng sự suy yếu của Lực lượng Vũ trang Mỹ hùng mạnh một thời có thể bắt nguồn từ những năm 1990, thời điểm ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

"Đột nhiên bạn thấy quân đội suy yếu và đó là khởi đầu cho sự kết thúc của quân đội Mỹ", ông Bennett nói.

Sau đó, vụ tấn công khủng bố 11/9 đã gây ra một làn sóng chủ nghĩa can thiệp quân sự của Mỹ trên toàn thế giới, bề ngoài là nhằm chống khủng bố nhưng thực tế lại là một "cuộc tập trận làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự".

"Vì vậy, bạn đã thấy quân đội chuyển đổi từ một tổ chức thuộc sở hữu quốc gia thành một tổ chức thực sự được sử dụng để nuôi sống các tập đoàn như Raytheon, McDonnell Douglas, Booz Allen Hamilton, SAIC.

Quân đội Mỹ còn nuôi sống vô số nhà thầu quốc phòng, nhà sản xuất tên lửa, nhà buôn vũ khí, và đó là một đòn chí mạng nữa đối với quân đội vì đột nhiên nó trở thành một tổ chức tạo ra lợi nhuận", Bennett nhận xét.

Cũng theo ông, quân đội Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Obama đột nhiên mất hứng thú với việc giành chiến thắng trong các cuộc chiến và giải quyết xung đột - thay vào đó, quân đội trở nên quan tâm đến việc kéo dài xung đột và sử dụng quân đội như một tổ chức tái cơ cấu xã hội.

Ông nói tiếp: "Họ (chính quyền Mỹ) đã ăn mòn hoàn toàn quân đội từ bên trong, khiến rất nhiều quân nhân, phi công, thủy quân lục chiến và thủy thủ giỏi nhất phải ra đi, không tái nhập ngũ.

Và do kết quả của tất cả những bệnh lý xã hội và tình trạng lạm dụng tình dục trong quân đội (…), bạn đang chứng kiến ​​​​quân đội Mỹ hoàn toàn tan rã từ quan điểm đạo đức, từ quan điểm của tinh thần đoàn thể".

Ông cũng lưu ý rằng hầu hết người Mỹ không muốn nhập ngũ vì họ không muốn tham gia một quân đội trái ngược với các giá trị tôn giáo, đạo đức truyền thống của họ.

"Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, tôi tin rằng người dân Mỹ đang nhìn quân đội với cảm giác không thiện cảm, sợ hãi vì nó đã được sử dụng để châm ngòi cho các cuộc chiến tranh trên khắp thế giới như ở Syria và Afghanistan, ở Iraq, Libya và Ukraine.

Và giờ đây người châu Âu cũng đang thức tỉnh và thấy quân đội Mỹ là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình thế giới", Bennett nói thêm.

So sánh quân đội Mỹ với quân đội Nga ngày nay, ông Bennett cho rằng quân đội Nga rõ ràng vượt trội hơn.

"Quân đội Nga vượt trội về công nghệ và nhân lực. Công nghệ của nó vượt trội vì người dân Nga và chính phủ Nga sử dụng việc phát triển vũ khí quân sự của họ chỉ nhằm mục đích bảo vệ đất nước và người dân chứ không phải để làm giàu cho các công ty sản xuất những loại vũ khí này.

Việc sản xuất vũ khí quân sự của Nga hoàn toàn dành riêng cho việc bảo vệ đất nước và thực hiện việc đó với mức chi phí hiệu quả", ông giải thích thêm.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng quân đội Nga không cho phép "đồng tính luyến ái và chuyển giới cũng như tất cả những hành vi đồi bại mà phương Tây cho phép tồn tại trong quân ngũ".

Trong khi đó, cựu binh Hải quân Mỹ Mike James, người từng phục vụ tại Iraq năm 2008 - nhận xét rằng quân đội Mỹ nghiệp dư một cách đáng ngạc nhiên.

"Thật ngạc nhiên là chúng ta bị cuốn vào cảm giác về sự vượt trội và an toàn to lớn đến mức có những quyết định thực sự tồi tệ được đưa ra trong chuỗi chỉ huy, ngay cả ở cấp cao nhất.

Vâng, nói chung là khá thiếu chuyên nghiệp, non nớt và ngốc nghếch. Chỉ là một điều ngớ ngẩn xuyên suốt chuỗi mệnh lệnh", cựu binh Mike James nói.

Ông James lưu ý rằng phần lớn tân binh Mỹ nhập ngũ không phải vì cảm giác yêu nước sâu sắc. Đặc biệt, quân đội Mỹ đã trở nên phụ thuộc nhiều vào người nhập cư và người nước ngoài hoạt động như lính đánh thuê.

Ông cũng có vẻ không đặc biệt ấn tượng với trình độ công nghệ quân sự hiện tại của Mỹ, cho thấy rằng cả phần cứng quân sự và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Mỹ đã trở nên lạc hậu so với các đối thủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ