Điều chỉnh giờ học, giữ ấm cho trò ngày rét buốt

GD&TĐ - Các tỉnh phía Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ bước vào đợt rét đậm nhất kể từ đầu mùa Đông đến nay.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học Nậm Cắn 1 (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học Nậm Cắn 1 (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Sở GD&ĐT từng địa phương đã yêu cầu nhà trường chủ động triển khai các giải pháp tránh rét đảm bảo sức khỏe học sinh, ổn định sĩ số lớp học.

Che chắn gió, giữ ấm lớp học

Đầu buổi học sáng 23/1, nhiệt độ ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) khoảng 7 độ C. Dù nền nhiệt xuống thấp nhưng tỷ lệ chuyên cần của trẻ Trường Mầm non Hoa Lan, xã Hát Lừu vẫn đạt trên 97%.

Đón trẻ từ tay phụ huynh, các cô giáo nhanh chóng đưa vào lớp, cho trẻ uống nước ấm. Trời rét đậm nên các cô cho trẻ tập thể dục, vận động ngay trong lớp mà không ra sân trường như mọi khi.

Cô Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Liên cho biết: “Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 246 trẻ, trong đó, 99% là người dân tộc Thái. Ngay từ đầu mùa Đông, trường đã vận động phụ huynh, xin một số nhà tài trợ trang bị thêm chăn ấm, thảm xốp lót nền lớp học; kiểm tra tất cả hệ thống cửa lớp để đảm bảo kín gió”.

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Chế Cu Nha đóng chân trên địa bàn huyện huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 670 học sinh bán trú. Nhà trường đã chuẩn bị nước ấm, bổ sung thêm các thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao trong các bữa ăn hằng ngày trong những ngày rét đậm, rét hại.

Cô Phạm Thị Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Chế Cu Nha chia sẻ: “Một số chăn cho học sinh cũng đã cũ nên nhà trường mong các tổ chức, nhà hảo tâm tài trợ thêm cho khoảng 300 chiếc để các em được giữ ấm trong mùa Đông này”.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học Nậm Cắn 1 (xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đốt lửa sưởi ấm.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học Nậm Cắn 1 (xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đốt lửa sưởi ấm.

Cũng trong sáng 23/1, thời tiết xuống thấp đột ngột khiến sân Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Cắn 1 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) chìm trong sương mù, mưa rét đến tận trưa. Cô Nguyễn Thị Phương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sáng sớm, nhiệt độ ở Nậm Cắn khoảng 9 độ sau đó tăng lên 12, 13 độ. Tuy nhiên, do có mưa phùn nhẹ nên cảm giác trời rét đậm. Hai ngày nay, số học sinh nghỉ học với lý do ốm và cảm lạnh cũng gia tăng, mỗi ngày có hơn 20 em.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Cắn 1 có 488 học sinh và còn 3 điểm lẻ ở các bản Tiền Tiêu, Khánh Thành, Noọng Dẻ. Học sinh bán trú đều đến từ các bản xa, nên dù thời tiết có giá rét, các em đã ăn ở, sinh hoạt trong trường, thuận tiện cho việc lên lớp. Khu nhà bán trú được đầu tư khang trang, có cửa kính nên hạn chế được gió, rét lùa vào. Học sinh được cung cấp đủ nệm, chăn bông ấm.

Trời rét, thực đơn cho học sinh bán trú của Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Cắn 1 cũng được điều chỉnh. Thực đơn buổi sáng trước đây thường có bánh mì, bánh chưng, nhưng hiện được thay bằng cơm nóng hoặc cháo, mì. Buổi trưa, tối, tất cả thức ăn gần sát giờ nhà bếp mới nấu và được bỏ vào khay, đóng kín để đảm bảo nóng ấm. Trưa, tối, nhà bếp cũng nấu thêm nước ấm để học sinh tắm rửa.

Đợt rét này ở Hà Tĩnh khả năng kéo dài nhiều ngày tới, trong đó ngày 23 - 25/1 dự báo xảy ra rét đậm, rét hại diện rộng. Từ ngày 23 - 24/1, toàn tỉnh có mưa, ven biển có nơi mưa vừa, mưa to và dông.

Huyện miền núi Hương Sơn - nơi nhiệt độ thường thấp hơn các vùng miền, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, đặc biệt là những đợt rét kéo dài, phòng GD&ĐT huyện đã khuyến khích tất cả trường mầm non huy động nguồn lực xã hội hóa mua bình nóng lạnh đặt tại lớp để cung cấp nguồn nước nóng phục vụ cho trẻ.

Tại Trường Mầm non Sơn Kim 1 (Hương Sơn), các lớp đều được trang bị bình nước ấm, chăn ấm, tổ chức tất cả hoạt động trải nghiệm trong phòng. Hiệu trưởng nhà trường - cô Phan Thị Hồng Lan - cho hay, Ban giám hiệu Trường Mầm non Sơn Kim 1 đã chủ động kiểm tra, sửa chữa kịp thời cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học đảm đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. “Các lớp đều có bình nước nóng để trẻ được uống và rửa tay, vệ sinh bằng nước ấm. Ngoài ra, từ nhiều tháng qua, lớp học được trang bị thảm xốp trong phòng học”, cô Hồng Lan cho hay.

Trường Mầm non xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai bật đèn sưởi cho trẻ.

Trường Mầm non xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai bật đèn sưởi cho trẻ.

Linh hoạt thời gian học tập

Thực hiện văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh về phòng chống rét cho học sinh, các trường trên địa bàn đã tuyên truyền, phối hợp phụ huynh nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm khi đến trường. Trong những ngày rét đậm, rét hại, các cơ sở giáo dục có thể điều chỉnh lịch và thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm trong giá rét.

“Dựa trên quy định chung, các trường có thể linh hoạt sao cho phù hợp, trên cơ sở tốt nhất với sức khỏe học sinh, được cha mẹ học sinh đồng thuận”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết.

Trong sáng 23/1, giáo viên Trường Mầm non Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) đón trẻ muộn hơn những ngày thường. Cô Lê Thị Vân Anh - Hiệu trưởng trao đổi: “Nhà trường tuyên truyền với phụ huynh cách chống rét cho trẻ khi ra đường và giữ ấm cho trẻ khi ở nhà. Ban giám hiệu cũng linh hoạt thời gian mở cổng tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đưa đón trẻ. Thậm chí vì trời rét, có một số cháu có thể đến rất muộn, nhà trường vẫn đón trẻ”.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn sức khỏe trong điều kiện giá rét, Trường Mầm non Bắc Hà cũng điều chỉnh lịch học để phù hợp. Theo đó, buổi sáng lùi thời gian vào học bắt đầu từ 8 giờ - 8 giờ 30 phút. Buổi chiều vào học sớm hơn và nghỉ sớm để tránh rét.

Ngay khi nắm bắt diễn biến bất thường của thời tiết, Phòng Giáo dục thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã chủ động thông tin qua Zalo, tin nhắn đến các trường học triển khai các biện pháp phòng chống rét.

“Phòng Giáo dục yêu cầu các trường học không tổ chức hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại và không bắt buộc học sinh mặc đồng phục trong những ngày giá rét”, ông Nguyễn Trí Anh - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh chia sẻ đồng thời cho hay: Trong ngày 23/1, dù nhiệt độ xuống thấp kèm mưa rét nhưng 17 trường học từ mầm non đến THCS vẫn tổ chức dạy và học bình thường.

Giáo viên Trường Mầm non Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) giữ ấm cho trẻ trong giờ ngủ trưa.

Giáo viên Trường Mầm non Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) giữ ấm cho trẻ trong giờ ngủ trưa.

Chủ động cho học sinh nghỉ học

Những ngày qua nhiệt độ ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) xuống thấp, chỉ khoảng từ 2 - 5 độ C. Trong ngày 23/1, 17/59 trường học trên địa bàn thị xã Sa Pa cho học sinh nghỉ học. Trong đó, có 9 trường mầm non, 8 trường liên cấp Tiểu học và THCS với 7.402 học sinh.

Còn tại huyện Bắc Hà (Lào Cai), có 12 trường với 3.624 học sinh được nghỉ học để tránh rét. Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai có văn bản chỉ đạo các phòng GD&ĐT, trường học thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết xây dựng phương án phòng chống rét cho học sinh. Đặc biệt, không tổ chức các hoạt động tập trung trẻ em, học sinh, học viên ngoài trời; Thường xuyên nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm; không bắt buộc học sinh, học viên phải mặc đồng phục của nhà trường.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Lai Châu, ngày 23/1, toàn tỉnh có 2 đơn vị cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn về sức khỏe trước rét đậm, rét hại là Trường Tiểu học Hồng Thu, huyện Sìn Hồ (562 học sinh) và Trường Mầm non Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (444 học sinh).

Để chủ động ứng phó với đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa Đông năm nay, Sở GD&ĐT Lai Châu cũng có công văn chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị trực thuộc chủ động phương án ứng phó với thời tiết, nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm, hạn chế cho học sinh ra ngoài trời lạnh. Đồng thời, hướng dẫn phụ huynh mặc ấm cho con để bảo đảm sức khỏe khi đến trường, không yêu cầu học sinh mặc đồng phục trong những ngày giá rét.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Chúng tôi cho phép các nhà trường linh hoạt trong dạy học. Thời gian học sinh nghỉ học do rét đậm, rét hại kéo dài, đối với các trường có đủ điều kiện, có thể chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến; trường không tổ chức dạy học trực tuyến tiếp tục thực hiện các hoạt động chuyên môn khác theo quy định”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ