Tuyết rơi, học sinh nghỉ, giáo viên vẫn lên lớp!
Cô Đàm Thị Thu Thủy - Giáo viên Trường Mẫu giáo Thải Giàng Phố (Bắc Hà, Lào Cai) - cho biết: Học sinh của trường đã được thông báo nghỉ từ thứ 2 (25/1) vì nhiệt độ giảm mạnh. Nhiệt độ tại Lào Cai đang là -2 độ C, trời mưa gió rất lạnh. Tuy nhiên, giáo viên vẫn thay nhau đến trường để trực.
Hiện các cô lên lớp tự tay làm đồ dùng học tập cho các cháu. Đồng thời, dọn dẹp phòng học, may vá thêm quần áo ấm để dành cho những học sinh nghèo chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.
Tại Sơn La, thầy Lò Văn Xuân – Giáo viên trường Tiểu học Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La) - chia sẻ: Những ngày này, thời tiết tại đây rất lạnh, dù đã có nhiều áo ấm được quyên góp cho các cháu nhưng không “ăn thua” với nhiệt độ - 4 độ C, tuyết rơi dày đặc và kèm theo mưa to.
Học sinh dù có đến trường cũng không thể học được vì cơ sở vật chất, trường học không đảm bảo đủ ấm cho các cháu. Nhiều điểm trường lẻ, đường đi trơn trượt, gió thổi xuyên các lớp học tạm. Giáo viên đã khắc phục bằng cách làm các bạt che quây quanh phòng nhưng vì gió to, nhiệt độ quá thấp nên ở trong lớp “cũng như không”.
Theo đó, mọi hoạt động của người dân cũng không đều đặn như những ngày thường. Tuyết phủ dày và những vật dụng như ủng, áo mưa, áo phao ấm…không có nhiều nên dường như mọi người đều dừng làm nương rẫy và các hoạt động buôn bán khác. Tuy vậy, giáo viên vẫn đến trường thay nhau trực để theo dõi tình hình, làm nốt những công việc còn dang dở để chuẩn bị cho những ngày học tiếp theo.
Đi bộ đến từng nhà thông báo cho phụ huynh!
Nhiệt độ tại Cao Bằng có phần ấm áp hơn khi ở ngưỡng 6 độ C, tuy nhiên, thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Cao Bằng đã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để cho học sinh nghỉ học.
Thầy Hoàng Ngọc Hưng – Giáo viên Trường Tiểu học Quý Quân (Hà Quảng, Cao Bằng) - cho biết: Tuy nhiệt độ không quá lạnh, nhưng trời mưa, sương phủ kín che tầm mắt khiến việc đi lại khó khăn. Hơn nữa, học sinh phần nhiều cách trường học khá xa nên việc đến trường sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe các cháu, nhất là những bệnh thường gặp trong mùa đông như bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh,…
Tuy nhiên, thầy Hưng vẫn đến trường dù quãng đường cách nhà 60km. Thầy Hưng cho rằng nếu giáo viên vẫn túc trực ở trường, phụ huynh sẽ yên tâm hơn khi có thắc mắc mà không biết hỏi ai. Đồng thời, việc bám trường, bám lớp của giáo viên sẽ là động lực, tấm gương để học sinh tiếp tục đến trường vào các ngày tiếp theo.
Phụ huynh ở trường rất muốn cho con đến trường vì sợ các cháu nghỉ học sẽ bị hổng kiến thức. Về điều này, thầy Hưng cho biết, giáo viên đã nhận được chỉ đạo của Phòng, Sở GD&ĐT về việc dạy bù cho học sinh vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật nên các gia đình đã yên tâm cho con ở nhà tránh rét.
Cũng theo thầy Hưng, Ban giám hiệu và các giáo viên của trường sẽ tiếp tục theo dõi nhiệt độ, khi nhiệt độ tăng lên 10 độ C thì học sinh sẽ đi học đầy đủ. Việc thông báo cho phụ huynh, học sinh về ngày đi học, thầy Hưng và các đồng nghiệp phải đến từng nhà để trao đổi. Có những nhà xa nhất cách trường hàng giờ đi bộ, đường núi đi lại rất khó khăn nhưng giáo viên vẫn cố gắng khắc phục.
Hướng dẫn học sinh cách chống rét tại nhà
Trường vẫn cho học sinh nghỉ học nhưng giáo viên đã kịp thời hướng dẫn các cháu những cách phòng chống rét cơ bản. Cô Nguyễn Thị Hạ - Giáo viên trường Tiểu học Xuân Đài (Tân Sơn, Phú Thọ) - chia sẻ: Thời tiết tại Phú Thọ trong những ngày gần đây dao động từ 4 -6 độ C. Trước tình hình đó, giáo viên đã thông báo đến phụ huynh và học sinh về việc nghỉ học, kế hoạch dạy bù trong các ngày tiếp theo khi thời tiết ấm lên.
Đồng thời, do học sinh miền núi còn thiếu thốn, điều kiện vật chất không đảm bảo nên các cô giáo đã hướng dẫn các cháu những biện pháp cơ bản giữa ấm trong mùa lạnh như: Đốt củi sưởi ấm nhưng cần an toàn, mặc thêm áo mưa nếu phải ra đường, xoa dầu vào lòng bàn tay, bàn chân, vận động cơ thể chống rét,…