Chủ động phòng tránh rét cho học sinh vùng cao

GD&TĐ - Tuỳ vào điều kiện và tình hình thực tế thời tiết, các cơ sở giáo dục sẽ có các giải pháp chủ động, linh hoạt trong chăm lo sức khỏe cho học sinh.

Chủ động phòng tránh rét cho học sinh vùng cao.
Chủ động phòng tránh rét cho học sinh vùng cao.

Chủ động triển khai mọi biện pháp giữ ấm cho trẻ

Do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường, những ngày này nhiệt độ tại các một số xã vùng cao xuống thấp duy trì 10 - 12 độ C. Trước tình hình đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã chủ động phương án chống rét cho học sinh, đặc biệt là các trường vùng cao.

Có mặt tại trường Mầm non Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, khi học sinh vừa bắt đầu giờ học buổi sáng mới cảm nhận được cái giá rét, lạnh buốt của mùa đông ở vùng cao.

Cô Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 1 điểm chính và 6 điểm lẻ, với tổng số 400 học sinh, tỷ lệ học sinh người DTTS cao. Do đặc thù địa bàn trường nằm ở các thôn bản vùng cao nên rét đậm, rét hại đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống sinh hoạt của nhân dân địa phương nói chung, hoạt động của các trường học nói riêng.

Vì vậy, nhà trường rất quan tâm bảo đảm sức khỏe cho các em vào mùa lạnh. Do nhiệt độ xuống thấp nên nhà trường đã nhà trường đã triển khai một số biện pháp phòng tránh rét như: Trải xốp, đệm, đắp chăn bông trong các lớp học, chuẩn bị bình nước nóng để các em học sinh sử dụng. Bên cạnh đó, trường cũng tăng cường trao đổi, phối hợp và tuyên truyền tới phụ huynh để chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt nhất trong thời tiết giá lạnh.

Cô Đỗ Thị Tình, giáo viên tại điểm Bản Tèn, trường Mầm non Văn Lăng chia sẻ: "Tôi được phân công dạy học tại điểm trường bản Tèn đã 10 năm nay, đây là điểm trường nằm ở độ cao 1.200m so với mặt nước biển, cách trung tâm huyện Đồng Hỷ hơn 30km về phía Bắc, điểm trường vùng cao xa nhất của huyện Đồng Hỷ với tỷ lệ 100% bà con là đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động triển khai mọi biện pháp giữ ấm cho trẻ. Trong giờ học, các lớp học được đóng kín cửa, mọi hoạt động của trẻ đều diễn ra trong lớp. Bên cạnh đó, để giữ ấm và bảo đảm sức khỏe cho học sinh, tại mỗi lớp đều trang bị chăn ấm, đệm êm, xốp trải nền để đảm bảo nhiệt độ đủ ấm".

Cũng theo cô Tình, đối với các cháu lứa tuổi mầm non, công tác chăm sóc sức khỏe, nhất là bảo đảm đủ chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn luôn được quan tâm. Cô Tình cho biết: Khẩu phần ăn của các con được chuẩn bị bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm rau xanh và đạm. Thức ăn, nước uống được giữ ấm, cơm chia sát giờ ăn để không bị nguội. Cô giáo cũng quan tâm nhắc các con ăn hết suất.

Việc tổ chức hoạt động dạy học trong nhà hay ngoài trời căn cứ vào tình hình thời tiết… Với nhiều việc làm cụ thể, ngay trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, các điểm trường vẫn duy trì tỷ lệ chuyên cần đạt 99%, mọi sinh hoạt đời sống, vui chơi, học tập đều được triển khai đầy đủ.

Những suất cơm ấm nóng được chuẩn bị cho học sinh trường Tiểu học Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Những suất cơm ấm nóng được chuẩn bị cho học sinh trường Tiểu học Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Linh hoạt thời gian biểu

Còn tại trường Tiểu học Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, trường có 1 điểm chính và 2 điểm lẻ, năm học này nhà trường có tổng số 284 học sinh, với tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm gần 80%. Bên cạnh các biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền đến phụ huynh, chuẩn bị đầy đủ trang phục, chăn ấm cho học sinh, nhà trường cũng đã lùi thời gian vào lớp từ 15 – 30 phút, giờ học buổi chiều đẩy lên sớm hơn, tan học sớm để các em học sinh về nhà không bị tối, lạnh.

Cô Trịnh Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Sơn cho biết: Để chủ động phòng, tránh rét cho học sinh, nhà trường đã chỉ đạo tất cả cán bộ, giáo viên trong trường hướng dẫn học sinh phòng, chống rét. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp cùng với phụ huynh trang bị thêm chăn ấm cũng như vật dụng hỗ trợ vào mùa đông để đảm bảo đầy đủ điều kiện cho các em.

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Để chủ động phòng, tránh rét cho học sinh, Phòng đã có văn bản chỉ đạo các trường theo dõi bản tin dự báo thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng, căn cứ tình hình thời tiết thực tế trên địa bàn để điều chỉnh thời gian bắt đầu và kết thúc buổi học trong những ngày quá rét.

Các trường hạn chế hoạt động ngoài trời, giờ học thể dục cần bố trí hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Các điểm trường chủ động đảm bảo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để giữ ấm cho học sinh. Cán bộ y tế các nhà trường chuẩn bị thuốc phục vụ công tác điều trị bệnh thường mắc vào mùa đông.

Bên cạnh đó, các trường cũng lưu ý đến chế độ dinh dưỡng cho học sinh, phòng đã đề nghị các nhà trường luôn quan tâm, tư vấn, làm tốt công tác tuyên truyền tới phụ huynh về chế độ ăn uống cho học sinh để các em có sức đề kháng tốt và tăng cường sức khoẻ.

Như vậy, với việc chủ động đề ra các giải pháp cụ thể của ngành giáo dục và sự chủ động của các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh khi thời tiết giá lạnh là những việc làm tích cực giúp đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh qua đó góp phần duy trì tốt các hoạt động chuyên môn khác của các nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.

Cách nào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp?

GD&TĐ - Ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...với lực lượng lao động