Hạn chế thường gặp khi dùng bài giảng điện tử
Là giáo viên giảng dạy môn Công nghệ nên thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) thường xuyên sử dụng bài giảng điện tử.
“Việc sử dụng bài giảng điện tử sẽ giúp sự tương tác giữa thầy và trò thêm sinh động động, trực quan hơn; tăng sự hứng thú học tập của học sinh nhiều hơn”.
Đưa nhận định này, thầy Trang Minh thiên đồng thời cho rằng, để sử dụng bài giảng điện tử hiệu quả đòi hỏi giáo viên phải có sự đầu tư chuyên môn lẫn kỹ thuật soạn bài giảng, cũng như phương pháp giảng dạy.
Tránh trường hợp giáo viên chỉ đưa nội dung vào slide bài giảng rồi chiếu cho học sinh chép, hay đưa toàn bộ nội dung từ sách giáo khoa vào để trình chiếu. Làm như vậy sẽ phản tác dụng. Đây cũng là một trong những hạn chế của việc lạm dụng bài giảng điện tử.
“Hiện nay, vẫn còn khá nhiều hạn chế của việc sử dụng bài giảng điện tử. Thứ nhất là giáo viên ít đầu tư cho bài giảng, chỉ đơn thuần đưa nội dung từ sách giáo khoa vào slide trình chiếu; giữa kế hoạch bài dạy và slide trình chiếu không khớp với nhau.
Thứ 2, giáo viên chưa nắm được kỹ thuật biên soạn bài giảng điện tử. Trên slide có quá nhiều chữ, nhiều font, màu sắc sặc sỡ,… gây rối mắt cho người đọc, người học. Thứ 3, chưa tạo được các hoạt động học cho học sinh khi sử dụng bài giảng điện tử”, thầy Trang Minh Thiên chia sẻ.
Hình ảnh bài giảng điện tử môn Công nghệ của thầy Trang Minh Thiên. |
Để sử dụng hiệu quả bài giảng điện tử
Để sử dụng hiệu quả bài giảng điện tử, theo thầy Trang Minh Thiên, điều đầu tiên là giáo viên cần nắm được kỹ thuật biên soạn bài giảng. Ví dụ như quy tắc 1-6-6: 1 slide không quá 6 dòng, 1 dòng không quá 6 chữ; quy tắc phối màu trên slide 7-2-1: giữa màu tương đồng và tương phản, 70% là màu chủ đạo, 20% màu tương đồng và 10% là tương phản…
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động trên slide để thầy và trò có thể tương tác. Tránh việc cứng nhắc trong soạn bài giảng điện tử theo bố cục, mà giáo viên cần linh hoạt các tổ chức, cách diễn đạt trên slide. Làm sao thầy cô phải trở thành người kể chuyện và học sinh sẽ là người đúc rút lại nội dung câu chuyện của bài học.
Với cô Đỗ Thị Nhạn, giáo viên Trường THCS thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy, Thái Bình), sử dụng bài giảng điện tử hiệu quả cần các yếu tố: Công nghệ thông tin, phương pháp giảng dạy của giáo viên, sự hợp tác của học sinh và phụ huynh.
Theo đó, cần lựa chọn được phần mềm và công cụ giảng dạy/học tập phù hợp; người dùng cần có khả năng sử dụng thành thạo máy tính.
Giáo viên soạn giáo án phù hợp với đặc điểm của học sinh từng cấp học, từng lớp.
Lồng ghép hình ảnh, video sinh động để minh họa cho bài học. Thầy cô đồng thời phải quan tâm đến cách tương tác với học sinh; tận dụng tối ưu sức mạnh của công nghệ vào giảng dạy, như sử dụng máy quay, hệ thống âm thanh, các công cụ trong phần mềm để tăng chất lượng bài học và tăng sự tương tác, tạo hứng thú cho học sinh.