Giáo viên mầm non chia sẻ kinh nghiệm thiết kế bài giảng điện tử

GD&TĐ - Bài giảng điện tử là yếu tố giúp trẻ mầm non tập trung và duy trì hứng thú trong suốt thời gian học tập.

Cô Đỗ Thị Thảo chia sẻ kinh nghiệm thiết kế bài giảng điện tử tại Hội thảo về chuyển đổi số và giáo dục STEM.
Cô Đỗ Thị Thảo chia sẻ kinh nghiệm thiết kế bài giảng điện tử tại Hội thảo về chuyển đổi số và giáo dục STEM.

Có bài giảng E-learning đoạt giải xuất sắc cấp huyện, cô Đỗ Thị Thảo, giáo viên Trường mầm non xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm thiết kế bài giảng điện tử, thu hút trẻ mầm non vào bài học.

Hiệu quả đặc biệt của bài giảng điện tử với trẻ mầm non

Theo cô Đỗ Thị Thảo, với trẻ mầm non, não bộ của trẻ thường có xu hướng lưu giữ lại kiến thức thông qua hình ảnh, video, âm thanh, đồ họa… hơn so với cách dạy học tương tác một chiều bằng văn bản hay truyền thống.

Bởi vậy, thiết kế bài giảng điện tử chất lượng sẽ giúp các con ghi nhớ, khắc sâu những kiến thức, kỹ năng, trở thành những trẻ em thông minh trong thời đại công nghệ số.

Bài giảng điện tử với nội dung hấp dẫn giúp trẻ lĩnh hội kiến thức tối đa, dễ dàng và nhớ lâu hơn. Đồng thời, sự kết hợp của âm thanh, hình ảnh, video trong bài giảng… giúp các con tập trung và duy trì hứng thú trong suốt thời gian học tập.

Mặt khác, bài giảng chất lượng cũng sẽ giúp các con dễ dàng nắm bắt, đạt được mục tiêu bài học và bước đầu được tiếp cận công nghệ số theo kịp thời đại hiện nay ngay từ khi còn nhỏ.

Tuy nhiên, cô Đỗ Thị Thảo cho biết, thực tế, nhiều bài giảng điện tử chất lượng chưa cao, hình ảnh chưa sắc nét, âm thanh chưa đồng bộ, giáo viên chưa đầu tư, chưa có kỹ năng xử lý tốt, chưa khai thác được các phần mềm trong quá trình thiết kế, trò chơi chưa đa dạng.

Bài giảng chưa có ý tưởng mới và đặc biệt là vẫn theo phương pháp cũ, chưa đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức, chưa ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến.

Hội thảo về chuyển đổi số và giáo dục STEM do Phòng GD&ĐT Thanh Trì (Hà Nội) tổ chức chiều 1/3.

Hội thảo về chuyển đổi số và giáo dục STEM do Phòng GD&ĐT Thanh Trì (Hà Nội) tổ chức chiều 1/3.

5 bước thiết kế bài giảng điện tử

Để thiết kế bài giảng điện tử, cô Đỗ Thị Thảo chia sẻ luôn định hướng thiết kế theo chủ đề năm học, sử dụng các phần mềm công nghệ số, ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến; đồng thời tích hợp hoạt động khám phá với các hoạt động khác: Làm quen văn học, toán, làm quen chữ viết, tiếng Anh…

Cụ thể, có thể thực hiện theo 5 bước như sau:

Thứ nhất: Xác định các tiêu chí khi thiết kế bài giảng điện tử. Cụ thể, các tiêu chí gồm: Đề tài gần gũi với trẻ hoặc những vấn đề cần tuyên truyền, giáo dục đáng chú ý tại thời điểm hiện tại; nội dung ngắn gọn, phù hợp với độ tuổi, khả năng của mẫu trẻ mẫu giáo và có tác dụng giáo dục; hình thức, phương pháp đổi mới, xuyên suốt từ đầu đến cuối bài giảng.

Thứ hai: Lựa chọn hình ảnh, âm thanh phù hợp. Về hình ảnh, cần phù hợp với trẻ mầm non, phù hợp với nội dung và yêu cầu của trẻ, rõ nét và có tính giáo dục. Về âm thanh, cần rõ ràng, phù hợp với nội dung của hình ảnh.

Thứ ba: Xây dựng nội dung đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức. Thay vì việc lựa chọn những video hay hình ảnh thông qua Google hay YouTube, giáo viên nên tìm cách đổi mới hình thức với những ý tưởng độc đáo riêng của mình.

Để có được bài giảng tốt, giáo viên không chỉ chú trọng đến phần dẫn dắt mà cần phải đổi mới phương pháp, hình thức cũng như lựa chọn nội dung hấp dẫn trong suốt quá trình thực hiện bài giảng.

Thứ tư: Lựa chọn phong phú các dạng câu hỏi trò chơi tương tác. Để giúp trẻ không bị nhàm chán, cô Đỗ Thị Thảo đã sử dụng triệt để tối đa tất cả các chức năng của ispring suite như đa dạng các câu hỏi quiz, tạo thư viện điện tử, cắt ghép chèn video, ghi âm đồng bộ, hiệu ứng các slide, xử lý hình ảnh, âm thanh…

Việc sử dụng đa dạng câu hỏi tương tác không những gây được hứng thú cho trẻ mà còn giúp các con lĩnh hội kiến thức một cách hiệu quả. Các câu hỏi tương tác thiết kế theo mức độ từ dễ đến khó, có nội dung xuyên suốt bài học, cung cấp, củng cố khắc sâu kiến thức. “Tôi đã sử dụng đầy đủ các dạng câu hỏi Quiz, phân chia theo các dạng chơi khác nhau”, cô Đỗ Thị Thảo cho hay.

Thứ năm: Lựa chọn các phần mềm xây dựng thiết kế các trò chơi. Tiêu chí lựa chọn là phần mềm sử dụng miễn phí trên mạng, các thao tác sử dụng phần mềm đơn giản, dễ học, dễ nhớ. Thiết kế có thể chèn được âm thanh, hình ảnh, video, thiết kế được dưới dạng nhiều trò chơi trực tuyến, tương tác đa dạng và phong phú. Việc kết hợp linh hoạt giữa các phần mềm hỗ trợ bên ngoài đã tạo ra hiệu quả đáng kể khi thiết kế bài giảng điện tử cho trẻ.

Cô Đỗ Thị Thảo đã sử dụng các phần mềm sau để thiết kế các trò chơi học tập: Phần mềm word, PowerPoint, quizzi, Canva, Capcut, phần mềm liveworksheet thiết kế các bài tập tương tác; phần mềm tạo mã QR, tạo sách điện tử heyline.com; sử dụng phần mềm padlet là nơi trẻ chia sẻ những cảm xúc cũng như hiểu biết của mình sau khi học xong bài học.

“Để bài giảng điện tử đạt hiệu quả cao, giáo viên cần đầu tư thời gian, cập nhật kịp thời xu thế thời đại, thay đổi tư duy, tìm hiểu những điều mới mẻ; đặc biệt là phải tạo sự độc đáo khác biệt riêng, tiên phong đổi mới tư duy trên nền kiến thức chuẩn.

Cùng với đó, kết hợp linh hoạt các phần mềm công nghệ biến nó thành công cụ hỗ trợ thực hiện ý tưởng riêng của mình. Tích hợp các bộ môn cũng như ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, hiện đại cũng là cách cải thiện chất lượng bài giảng điện tử”, cô Đỗ Thị Thảo lưu ý thêm.

Kinh nghiệm trên được cô Đỗ Thị Thảo chia sẻ tại Hội thảo về chuyển đổi số và giáo dục STEM do Phòng GD&ĐT Thanh Trì (Hà Nội) tổ chức chiều 1/3. Ngoài cô Đỗ Thị Thảo, nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Thanh Trì đã được chia sẻ.

Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội CNTT và STEM 2024, chủ đề “Chuyển đổi số và giáo dục Stem: nền tảng của giáo dục thông minh” do Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.