Hình thành kho tài liệu quý để học sinh tự học
Chiều 28/2, cô Lê Thu Hương, giáo viên tiếng Anh (Trường THPT Lê Quý Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, bản thân đã được Nhà trường thông tin về “Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh”.
Học sinh Đắk Lắk với giờ học tiếng Anh ở lớp. (Ảnh: Thành Tâm) |
Theo cô Hương, ngày nay việc học của học sinh có nhiều thay đổi, nhất là khi thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình mới), trong đó, dựa trên nền tảng internet, các em có thể tiếp cận nhiều tài liệu để tự học.
“Công nghệ thông tin đã giúp giáo viên, học sinh tiếp cận nhiều bài giảng là nguồn tài liệu, học liệu quý để bổ sung kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên, các bài giảng trôi nổi trên không gian mạng, nhất là các bài giảng tiếng Anh nếu không được kiểm chứng cũng đặt ra những khó khăn cho cả người dạy và người học. Việc tổ chức thiết kế bài giảng điện tử không chỉ phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo của giáo viên mà còn giúp học sinh có cơ hội tiếp cận nguồn học liệu chất lượng và đã được kiểm chứng”, cô Hương nói.
Cô Hương hướng dẫn học sinh ôn lại những kỹ năng cơ bản ở môn tiếng Anh. (Ảnh: Thành Tâm) |
Theo lí giải của cô Hương, khi thiết kế bài giảng để dự thi, chắc chắn giáo viên sẽ tập trung hết trí tuệ vào sản phẩm của mình. Vì thế, mỗi bài giảng điện tử trên nền tảng số hóa của Cuộc thi là sự chắt lọc những tinh túy của giáo viên.
“Không chỉ trí tuệ của cá nhân, thậm chí là trí tuệ của cả một nhóm giáo viên sẽ được đưa vào bài giảng để dự thi. Ở đó, giáo viên, thông qua kinh nghiệm thực tiễn, đưa ra những phương pháp dạy học sát với từng đối tượng người học. Là giáo viên miền núi, chúng tôi đưa thêm những phương pháp mang tính đặc thù, giúp học sinh có thể tự rèn luyện thêm các kỹ năng nghe, nói, viết và đọc”, cô Hương chia sẻ.
Học sinh Trường THPT Lê Duẩn trong một giờ học tiếng Anh. (Ảnh: NTCC) |
Chung quan điểm, cô Phùng Thị Thúy Như, giáo viên tiếng Anh (Trường THPT Lê Duẩn, tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, Cuộc thi là cơ hội cho tất cả giáo viên tiếng Anh thể hiện tâm huyết đối với nghề nghiệp.
“Thông qua việc soạn giáo án nhằm giúp học sinh lĩnh hội kiến thức tốt nhất, sinh động nhất, đồng thời, có cơ hội trao đổi với nhiều nhóm giáo viên để tìm ra phương pháp dạy học hiệu quả và linh hoạt. Đặc biệt, việc soạn giáo án này giúp nguồn học liệu sẽ phong phú hơn, quý thầy cô có cơ hội chia sẻ và lan tỏa nguồn tài nguyên trên nền tảng số”, cô Như nhấn mạnh.
Triển khai đồng bộ
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo 3 Sở GD&ĐT: Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng khẳng định, ngay sau khi nhận được văn bản từ Báo Giáo dục và Thời đại, Sở đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, đồng thời gửi đến các đơn vị, trường học.
Bên cạnh đăng tải để tuyên truyền, các Sở này đã phát động đến các đơn vị trực thuộc và xem đây là hoạt động chuyên môn quan trọng trong quá trình triển khai đổi mới GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29.
Học sinh Tây Nguyên với bộ môn tiếng Anh (Ảnh: NGT) |
Theo thầy Phạm Quốc Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), việc triển khai hưởng ứng Cuộc thi tạo động lực cho giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học đối với bộ môn tiếng Anh.
Chung quan điểm, thầy Phan Minh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) cho rằng, việc hưởng ứng Cuộc thi giúp giáo viên phát huy năng lực chuyên môn, năng lực sáng tạo để hình thành những sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ tốt nhất. Qua đó, học sinh có thêm nguồn học liệu quý, các em có thể tự học và phát triển năng lực ở bộ môn tiếng Anh.
“Mỗi bài giảng dự thi sẽ góp phần tích cực vào việc triển khai dạy học Chương trình mới hiệu quả hơn. Mỗi giáo viên sẽ có cách tiếp cận đối tượng học sinh khác nhau, nhưng khi dự thi, thầy cô sẽ có dự kiến các phương pháp tối ưu để mọi học sinh có thể tiếp cận bài giảng tốt nhất”, thầy Đức đánh giá.
Học sinh tại Tây Nguyên tra cứu kho học liệu môn tiếng Anh trên internet. (Ảnh: TN) |
Theo đó, Cuộc thi do Báo Giáo dục và Thời đại, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức, nhằm tìm kiếm và tôn vinh giáo viên, sinh viên có bài giảng điện tử môn Tiếng Anh sáng tạo, chất lượng và ứng dụng kĩ năng số, công nghệ tiên tiến theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.