Sáng 30/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về Dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kể hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Thảo luận từ điểm cầu đoàn Tây Ninh, đại biểu Trần Hữu Hậu nêu ý kiến: Ngành điện là máu của nền kinh tế, của sinh hoạt, đời sống người dân nhưng chúng ta đang chứng kiến mâu thuẫn lớn của ngành này. Cái thì đáng xót xa, cái thì gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp; đáng lo nhất là đang góp phần kìm hãm của chính ngành điện và đất nước.
Theo đại biểu, chỉ có thay đổi về chính sách từ chỗ luôn lo lắng về thiếu điện, bỗng dư điện, mà đây là điện sạch, từ gió, mặt trời, đúng với xu thế phát triển năng lượng tái tạo của thế giới, lại phần lớn đầu tư từ nguồn lực ngoài nhà nước; thế nhưng lại phải tạm ngưng phát điện, những nơi đã phát điện phải cắt giảm công suất, lãng phí biết bao nhiêu nguồn lực của xã hội.
Đại biểu đoàn Tây Ninh đặt vấn đề, điện thì dư nhưng việc giảm giá thì hết sức khó khăn. Chỉ khi thực sự khó khăn thì mới được giảm giá. Điện thì dư nhưng càng dùng nhiều thì giá càng tăng, rất phi thị trường.
Khung giờ 9h đến 11h sáng là khung giờ vàng cho sản xuất, cũng là khung giờ vàng cho phát điện mặt trời, nhưng cũng là khung giờ cao điểm doanh nghiệp phải trả mức giá cao nhất. “Nút thắt là do đâu mà bao nhiêu năm rồi nói mãi không sửa được” – đại biểu đoàn Trần Hữu Hậu nói.
Nhấn mạnh, kết quả cơ cấu lại của các ngành, các địa phương dưới vai trò “nhạc trưởng” của Chính phủ sẽ là một trong những yếu tố quyết định thành công kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội; đại biểu Trần Hữu Hậu mong rằng, các địa phương sẽ không sao chép các chỉ thị, nghị quyết một cách rập khuôn, máy móc như trước đây, không đưa vào kế hoạch, chương trình hành động những việc mà chính mình chưa biết phải làm như thế nào.
Đại biểu đề nghị cách tiếp cận là tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, của ngành mình, địa phương mình. Từ đó đưa ra những biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo nguồn lực cho các ngành, địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững.
“Tôi đề nghị như trên, bởi nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những nút thắt thì như xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được những điểm nghẽn” – đại biểu Trần Hữu Hậu nói.