Điển cố trong thơ Nguyễn Du: Khuynh hướng dân tộc và cảm hứng lan tỏa

GD&TĐ - Tài năng dùng điển của Đại thi hào Nguyễn Du là điều không bàn cãi. Ông được đánh giá là một trong những nhà văn dùng điển điêu luyện, tài hoa bậc nhất của nền văn học trung đại Việt Nam.

Một cảnh minh họa trong “Truyện Kiều”. Ảnh: Nguồn IT
Một cảnh minh họa trong “Truyện Kiều”. Ảnh: Nguồn IT

Tuy nhiên, lâu nay khi nói về điển trong văn chương Nguyễn Du, ta thường nghĩ ngay đến những điển cố ngoại lai có nguồn gốc Hán học mà không biết rằng, còn có một bộ phận điển cố nội sinh đặc sắc, giá trị trong sáng tác của ông. 

Hơn thế nữa, điển được dẫn dụng trong các tác phẩm của Nguyễn Du mang khuynh hướng dân tộc rõ nét. Đây là nguyên nhân quan trọng làm nên sức lan tỏa của phong cách dùng điển của Nguyễn Du đối với hậu thế.

Khuynh hướng dân tộc trong dụng điển

Tính dân tộc là một trong những phẩm tính quan trọng làm nên sức sống lâu bền, sức lan tỏa sâu rộng của văn chương Nguyễn Du. Trong phong cách dùng điển của nhà thơ, tính dân tộc được thể hiện rõ nét trên nhiều phương diện.

Biểu hiện nổi bật cho ý thức dân tộc hóa trong việc dùng điển của Nguyễn Du là khuynh hướng tăng cường sử dụng điển cố nội sinh trong các sáng tác. Là người sành điển, nhà thơ ý thức được những hạn chế cố hữu của điển Hán học vốn là những điển xa lạ với văn hóa, ngôn ngữ, tâm hồn dân tộc.

Không phụ thuộc vào điển ngoại lai, Nguyễn Du tích cực tìm về với các điển bắt nguồn từ lịch sử, văn hóa, văn học dân tộc và sử dụng lớp điển cố này một cách linh hoạt, hiệu quả. Ông là một trong những tác giả tiên phong trong việc đưa điển nội sinh vào tác phẩm để tạo thành thế đối trọng với điển ngoại lai trong văn học trung đại nước ta. Trong các sáng tác bằng chữ Nôm, Nguyễn Du vận dụng nhiều điển cố có nguồn gốc từ văn học dân gian. Đặc biệt, trong thơ chữ Hán, nhiều điển có nguồn gốc từ lịch sử, văn chương dân tộc cũng được nhà thơ dẫn dụng. Chẳng hạn, ở bài Độ Phú Nông giang cảm tác, Nguyễn Du dùng điển địa danh Nông thủy để nói về một “chuyện cũ đau lòng” của lịch sử dân tộc: Nông thủy đông lưu khứ/ Thao thao cánh bất hồi/ Thanh sơn thương vãn sự/ Bạch phát phục trùng lai (Sông Phú Nông chảy về đông/ Cuồn cuộn không trở lại/ Núi xanh chuyện cũ đau lòng/ Tóc bạc [ta] lại về đây). Phú Nông giang (tên tục sông Luộc) chảy qua Quỳnh Côi là quê của bà Nguyễn Thị Lộ, một tiểu thiếp của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, là mấu chốt của vụ thảm án Lệ Chi viên. “Thương vãn sự” mà Nguyễn Du muốn nói đến ở đây chính là họa tru di tam tộc thảm khốc mà triều Lê đã gây ra đối với gia tộc Nguyễn Trãi, một vết nhơ không bao giờ xóa được của nhà Lê đối với lịch sử dân tộc. Hoặc như ở bài Tái du Tam Điệp Sơn, trong câu Chướng tĩnh phong loan sấu (Khói núi lặng, dáng núi hao gầy), Nguyễn Du dùng một điển thơ ca, bắt nguồn từ câu Vũ quá sơn dung sấu (mưa qua, dáng núi gầy) trong bài Giang hành của Đại thi hào Nguyễn Trãi. Có thể nói, đưa điển nội sinh vào thơ chữ Hán, Nguyễn Du không chỉ phá vỡ tính quy phạm ở tính chất coi trọng dùng điển Hán học của thơ chữ Hán mà còn thể hiện một ý thức dân tộc cao độ trong việc lựa chọn, sử dụng thi liệu.

Một biểu hiện quan trọng khác cho xu hướng dân tộc hóa điển cố của Nguyễn Du là ý thức tích cực chuyển dịch điển cố ngoại lai có nguồn gốc Hán. Bên cạnh điển cố nguyên dạng được sử dụng một cách hợp lí (chủ yếu là các điển nhân danh, địa danh khó thể thay đổi như Chung Kỳ, Thôi, Trương, Thiên Thai, Lam Kiều, Hợp Phố…), ông đã chuyển dịch nhiều điển để chúng mang hình thức mới, gần gũi với tiếng Việt và tâm thức người Việt. Trong Truyện Kiều, điển chuyển dịch không chỉ chiếm số lượng lớn nhất mà còn là lớp điển tiêu biểu nhất. Nhà thơ sử dụng linh hoạt nhiều phương thức khác nhau để chuyển dịch điển cố như thay đổi hình thức ngữ âm (như hồng diệp -> lá thắm; nguyệt lão -> ông tơ, trăng già), thay đổi cấu trúc (hòe mộng ->giấc hòe, Lam kiều ->cầu Lam), thay đổi ngữ nghĩa (bán nang phong nguyệt [nửa túi gió trăng] ->lưng túi gió trăng; nhất tiếu thiên kim [một nụ cười đáng nghìn vàng]->trăm nghìn đổ một trận cười [như không]; Xuân tàm đáo tử ti phương tận [tằm xuân đến chết tơ mới hết, thơ Lý Thương Ẩn]-> Con tằm đến thác hãy còn vương tơ), thay đổi sắc thái biểu cảm (Đồng Tước thâm xuân tỏa nhị Kiều [thơ Đỗ Mục]-> [Vẫn nghe thơm nức hương lân]/ Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều [sắc thái bông đùa trong lời giới thiệu về Chàng Kim lúc biết tiếng hai nàng Thúy])…

Dưới đây là hai câu thơ tiêu biểu cho ý thức dân tộc hóa điển cố của Nguyễn Du: Hạt mưa sá nghĩ thân hèn/ Liều đem tấc cỏ quyết đền ba sinh. Ở câu lục, hạt mưa là một điển nội sinh, bắt nguồn từ ca dao (Thân em như hạt mưa sa; Thân em như hạt mưa rào). Câu bát là một điển chuyển dịch, bắt nguồn từ hai câu cuối trong bài Du tử ngâm (Mạnh Giao): Thùy ngôn thảo thốn tâm/ Báo đắc tam xuân huy (Ai nói tấc lòng của cỏ/ Báo đáp được [công ơn] của ánh nắng ba tháng xuân). Lưu ý, trong thơ Mạnh Giao, ở hai cụm thảo thốn tâm và tam xuân huy, thốn tâm (tấc lòng) và huy (ánh sáng) là hai yếu tố chính, thảo (cỏ) và tam xuân (ba tháng xuân) là yếu tố phụ giữ vai trò định ngữ. Tuy nhiên, khi vận dụng lại, cụ Nguyễn đã thay đổi hoàn toàn cấu trúc của điển khi loại bỏ yếu tố chính, chỉ chuyển dịch yếu tố định ngữ để trở thành tấc cỏ và ba xuân. Đặc biệt, tấc cỏ là một cấu trúc bất thường (lẽ ra phải là lòng cỏ). Nhờ đó, các điển này vừa không còn hình thức ngữ pháp tiếng Hán vừa trở nên gần gũi với ngôn ngữ đời sống của người Việt. Có thể thấy, chỉ trong dung lượng 2 câu 14 tiếng, Nguyễn Du đã vận dụng liên tiếp hai điển mang tính dân tộc đậm nét một cách hết sức tài tình. Thế mới thấy được sức sáng tạo tuyệt vời cũng như tinh thần dân tộc mãnh liệt nơi đại thi hào, dù trên một phương diện rất nhỏ trong thế giới nghệ thuật rộng lớn của Truyện Kiều là dụng điển.

“Truyện Kiều”. Ảnh: Nguồn IT
“Truyện Kiều”. Ảnh: Nguồn IT

Cảm hứng lan tỏa từ điển cố Truyện Kiều

Sức ảnh hưởng, lan tỏa sâu rộng của Truyện Kiều đối với văn chương, văn hóa đời sau là điều đã được thừa nhận từ rất sớm. Riêng ở một phương diện nghệ thuật dụng điển, Nguyễn Du cũng cho thấy ông là một nguồn cảm hứng bất tận đối với hậu nhân.

Nhiều điển cố vốn có nguồn gốc ngoại lai, qua sự nhào nặn tài tình của Nguyễn Du trở thành những điển chuyển dịch mang nhiều sắc thái thẩm mĩ mới, gần hơn với lời ăn tiếng nói và tâm hồn người Việt, góp phần mang đến nhiều giá trị mới mẻ cho tác phẩm. Nhiều điển cố là sản phẩm chuyển dịch, sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du được các nhà thơ đời sau thích thú, dẫn dụng lại trong các sáng tác của mình. Chẳng hạn, điển ba xuân, tấc cỏ chỉ lòng hiếu thảo là một sự chuyển dịch thú vị của Nguyễn Du như trên đã nói được nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải dẫn lại trong thơ của mình: Ba xuân nương náu thân bồ liễu/ Tấc cỏ dâng ơn biết kiếp nào? (Xuân nữ thán).

Đặc biệt, từ chỗ là tác phẩm viện dẫn nhiều điển cố, Truyện Kiều lại trở thành nguồn gốc của nhiều điển cố trong văn học Việt Nam. Đó là những điển cố nội sinh có nguồn gốc Truyện Kiều. Với những giá trị lớn lao, kiệt tác Truyện Kiều từ rất sớm đã bước ra khỏi văn học để hòa mình vào đời sống văn hóa dân tộc, trở thành tài sản chung, nguồn cảm hứng bất tận cho hậu thế. Trong lịch sử văn học thế giới, nhiều tác phẩm kinh điển đã trở thành nguồn gốc của các điển cố. Truyện Kiều là một tác phẩm tiêu biểu cho hiện tượng này. Nhiều tên gọi nhân vật, tứ thơ, lời thơ Truyện Kiều đã bước ra khỏi tác phẩm, trở thành những điển cố được yêu thích và sử dụng thường xuyên. Trong văn học dân gian, các điển nhân danh có nguồn gốc Truyện Kiều như Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Hoạn Thư… thường xuyên được dẫn lại: Lòng dặn lòng ai dỗ đừng xiêu/ Ví như Kim Trọng, Thúy Kiều thuở xưa; Anh mà bắt chước Thúc Sinh/ Thì anh đừng trách vợ mình Hoạn Thư. Các điển này cũng được nhiều tác giả văn học viết sử dụng một cách linh hoạt, tài tình: Nghĩ mình chưa phải tình Kim Trọng/ Mà đó đà mang nợ Thúy Kiều (bài Trách nhân tình, Nguyễn Công Trứ); Bá Nha thuở trước còn Chung Tử/ Kim Trọng đời nay hết Thúy Kiều (Cảm tác, Nguyễn Bính); Song còn bao nỗi chua cay/ Gớm quân Ưng Khuyển, ghê bầy Sở Khanh (Kính gửi cụ Nguyễn Du, Tố Hữu)…

Bên cạnh đó, Truyện Kiều còn là nguồn gốc của hàng trăm điển thơ ca trong văn học Việt Nam. Đó là những điển bắt nguồn từ nhiều lời thơ, tứ thơ độc đáo của Truyện Kiều, được các sử dụng lại với hình thức nguyên dạng hoặc diễn dịch, làm mới. Chẳng hạn, Nguyễn Công Trứ có các câu: Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên (thêm một chữ “gặp” vào câu thơ Truyện Kiều), Dập dìu những văn nhân tài tử (thêm chữ và đảo vị trí chữ); Tản Đà có câu: Muốn sao cho được như thầy/ Đường xa nghĩ nỗi sau này mới ngoan/ Chút thân lẽo đẽo theo đàn/ Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân (thay một số chữ); Nguyễn Bính có câu: Thương vui bởi tại lòng này/ Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời (thay đổi một vài chữ); Đoàn Phú Tứ có câu: Tóc mây một món chiếc dao vàng (thêm và bớt chữ)… Có thể nói, Truyện Kiều là một trong những kho tàng điển cố nội sinh lớn và độc đáo của văn học Việt Nam, điều mà hiếm có tác phẩm văn học trung đại nào làm được. Điều này góp phần khẳng định sức sống bền bỉ, sức lan tỏa sâu rộng của kiệt tác được xưng tụng là “Nam âm chi tuyệt xướng”, “Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ”.

Tóm lại, sáng tác của Nguyễn Du đạt được nhiều thành tựu lớn, trong đó có nghệ thuật sử dụng điển cố. Điển trong thơ ông không những có số lượng lớn, đa dạng về nguồn gốc, cấu tạo mà còn được dẫn dụng một cách tài tình, linh hoạt, hiệu quả, mang nhiều giá trị thẩm mĩ độc đáo, phục vụ đắc lực cho ý đồ nghệ thuật của nhà thơ. Nhiều điển qua ngòi bút tài hoa của ông trở nên nhuần nhuyễn, gần gũi, mang đậm tính dân tộc, trở thành nguồn cảm hứng cho các tác giả đời sau. Ông xứng đáng là bậc thầy dùng điển của nền văn học trung đại nước ta.

Biểu hiện nổi bật cho ý thức dân tộc hóa trong việc dùng điển của Nguyễn Du là khuynh hướng tăng cường sử dụng điển cố nội sinh trong các sáng tác. Là người sành điển, nhà thơ ý thức được những hạn chế cố hữu của điển Hán học vốn là những điển xa lạ với văn hóa, ngôn ngữ, tâm hồn dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.