Diễn biến mới quan hệ Mỹ Trung khi ông Vương Nghị sang Washington

GD&TĐ - Reuters ngày 28/10 đưa tin, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung dự kiến gặp nhau vào tháng sau sau đàm phán cấp cao giữa hai nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, ngày 27/10/2023
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, ngày 27/10/2023

Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, cuộc gặp hôm 27/10 giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan kéo dài hơn hai ngày và tổng cộng chín giờ đồng hồ.

Các quan chức Mỹ mô tả những tương tác giữa hai bên là "thẳng thắn và sâu sắc".

“Washington và Bắc Kinh đã đồng ý hợp tác hướng tới hội nghị thượng đỉnh dự kiến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng tới, sau nhiều giờ gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ tại Washington”, một quan chức Mỹ cho biết hôm 27/10.

Trong chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc tới Washington kể từ năm 2018, nhà ngoại giao kỳ cựu Vương Nghị cũng đã gặp Tổng thống Joe Biden trong một giờ.

Nhà Trắng mô tả cuộc nói chuyện là một “cơ hội tốt” để giữ cho các đường dây liên lạc cởi mở giữa hai đối thủ địa chính trị vốn có sự khác biệt sâu sắc về chính sách.

Cũng trong buổi họp, các trợ lý hàng đầu của Tổng thống Biden nêu lên những mối quan ngại chính của Washington: Sự cần thiết phải khôi phục các kênh quân sự giữa hai nước, các hành động của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông, Đài Loan (Trung Quốc), nhân quyền, và các trường hợp người Mỹ bị giam giữ ở Trung Quốc.

Vấn đề quan trọng dường như cho thấy một số hoạt động tích cực là cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng tới tại San Francisco.

“Chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc họp như vậy. Rõ ràng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường xác nhận công khai rất gần với chuyến đi, vì vậy tôi sẽ để phía Trung Quốc tìm hiểu xem liệu họ có đưa ra thông báo đó hay không và khi nào”, một quan chức chính quyền cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden nhận thấy sự tham gia trực tiếp ở cấp lãnh đạo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết căng thẳng, họ đang tìm cách ngăn chặn các mối quan hệ vốn đang căng thẳng nghiêm trọng do cạnh tranh kinh tế khốc liệt và những bất đồng về một loạt vấn đề, chuyển sang xung đột.

“Phần quan trọng của một cuộc gặp tiềm năng sẽ là việc hai nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau và có những cuộc trò chuyện về mục đích chiến lược”, quan chức này cho biết.

Hôm 26/10, ông Vương nói với ông Blinken: “Hai nước có những bất đồng và chúng ta không chỉ nên nối lại đối thoại mà cuộc đối thoại cần phải ‘sâu sắc’ và ‘toàn diện’ để giảm bớt hiểu lầm và ổn định quan hệ”.

Chuyến thăm tới Mỹ ba ngày của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị diễn ra sau một loạt các cam kết ngoại giao song phương trong những tháng gần đây, phần lớn là theo yêu cầu của Mỹ, nhằm cứu vãn mối quan hệ đang xấu đi nhanh chóng vào đầu năm sau khi Mỹ bắn rơi một khinh khí cầu được cho là do thám của Trung Quốc.

Nhưng một số người ở Washington đã đặt câu hỏi liệu các chuyến thăm chính thức cấp Nội các Mỹ tới Bắc Kinh trong sáu tháng qua, bao gồm cả chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, có lợi cho Bắc Kinh hay không.

Các chuyến đi của ông Yellen và ông Raimondo đã dẫn đến việc thành lập các nhóm công tác kinh tế và thương mại song phương mới, mà các nhà phê bình lo ngại sẽ chỉ khiến Mỹ rời xa - và có thể trì hoãn - các biện pháp trừng phạt, kiểm soát xuất khẩu và các biện pháp rộng hơn nhằm tăng cường cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ