Căn cứ Mỹ bị tấn công khắp Trung Đông, ông Biden tuyên bố rắn

GD&TĐ - Tổng thống Mỹ mới đây tuyên bố sẽ đáp trả quân sự nếu lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn tiếp tục tấn công vào các căn cứ ở Trung Đông.

Các binh sĩ mỹ tại một căn cứ quân sự ở Iraq
Các binh sĩ mỹ tại một căn cứ quân sự ở Iraq

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn đã thực hiện ít nhất 16 cuộc tấn công nhằm vào quân nhân Mỹ ở Iraq và Syria trong 10 ngày qua.

12 cuộc tấn công trong số đó đã xảy ra ở Iraq trong khi 4 vụ xảy ra ở Syria.

Và các cuộc tấn công mà các quan chức Mỹ cho rằng được Iran khuyến khích, không có dấu hiệu kết thúc, khiến Nhà Trắng cảnh báo Mỹ có thể đáp trả bằng quân sự.

"Cảnh báo của tôi với nhà lãnh đạo Iran là nếu họ tiếp tục tấn công các binh sĩ Mỹ, chúng tôi sẽ đáp trả, và ông ta nên chuẩn bị sẵn sàng. Việc này không liên quan gì đến Israel", Tổng thống Biden cảnh báo hôm 25-10.

Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ vẫn lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông sau cuộc tấn công ngày 7/10 của lực lượng Hamas nhằm vào Israel, và phản ứng trên không và trên bộ của Israel ở Gaza.

Lầu Năm Góc đang tăng cường giám sát và triển khai thêm binh sĩ cùng khí tài tại khu vực.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng, để bảo vệ lực lượng Mỹ tốt hơn, Lầu Năm Góc đang gửi hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Saudi Arabia và các hệ thống tên lửa đất đối không Patriot tới một số quốc gia vùng Vịnh và Jordan, cùng khoảng 900 quân. Các hệ thống Avenger tầm ngắn cũng đang được triển khai.

Cho đến nay, 21 lính Mỹ ở Iraq và Syria bị thương nhẹ trong các vụ tấn công gần đây, nhưng đã trở lại làm nhiệm vụ. Một nhà thầu người Mỹ đã thiệt mạng vào tuần trước.

Được biết, lần sử dụng vũ lực đầu tiên của Tổng thống Biden là vào tháng 2/2021 khi ông ra lệnh không kích nhằm vào lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở Syria.

Hành động đó được đưa ra nhằm đáp trả vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào lực lượng Mỹ ở Erbil, Iraq, vào đầu tháng 2/2021.

Trong lần phản ứng quân sự đó và sau đó vào tháng 3/ 2023, Nhà Trắng đã tránh tấn công các mục tiêu ở Iraq vì sợ làm bùng phát tình hình chính trị ở quốc gia nơi Mỹ vẫn còn 2.500 quân.

Một số cựu chỉ huy quân sự cho rằng, phản ứng mạnh mẽ của Mỹ là cần thiết, và lực lượng dân quân ở Iraq không nên bị hạn chế nếu họ thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa chống lại lực lượng Mỹ.

Tướng quân đội đã nghỉ hưu Joseph L. Votel, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) từ năm 2016-2019, nói với Tạp chí Lực lượng Không quân và Vũ trụ:

“Iraq là một địa điểm độc đáo. Chúng ta có mặt ở đó theo lời mời của chính phủ Iraq, và hành động của chúng ta ở đó có thể có tác động đến chính trị nội bộ cũng như sự ổn định của đất nước.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quân đội của chúng ta phải chấp nhận nguy cơ bị các nhóm dân quân liên kết với Iran ở Iraq tấn công”.

Trong cuộc gọi ngày 23/10/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin đã kêu gọi Thủ tướng Iraq đảm bảo rằng, quân đội, đoàn xe và cơ sở ngoại giao của liên minh không bị tấn công.

Nhưng lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn là một lực lượng hùng mạnh ở Iraq và chính phủ Iraq đã gặp khó khăn trong việc kiềm chế họ.

Trả lời một câu hỏi rộng hơn là liệu Mỹ có nên duy trì sự hiện diện quân sự lớn hơn trong khu vực để ngăn chặn Iran và mạng lưới ủy nhiệm của nước này tốt hơn hay không, tướng Votel nói:

“Có tiếng còi báo động đến từ Trung Đông và luôn thu hút chúng ta quay trở lại đó mặc dù thực tế là chúng ta mệt mỏi và chúng ta đã kết thúc các cuộc chiến ở Trung Đông.

Thực tế của vấn đề là chúng ta có những lợi ích lâu dài trong khu vực và để bảo vệ những lợi ích đó, chúng ta phải dành nguồn lực cho chúng”.

Theo Air and Space Forces

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.