Trong buổi nói chuyện mới đây với hãng thông tấn Anadolu Agency, bà Merissa Khurma - Giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington và ông Murat Aslan - chuyên gia quốc phòng tại Quỹ Nghiên cứu Chính trị, Kinh tế và Xã hội (SETA) của Thổ Nhĩ Kỳ đã có những phân tích cũng như nhận xét liên quan đến lực lượng Mỹ với cuộc xung đột Israel-Hamas.
Hỗ trợ quân sự
Theo bà Khurma, Mỹ đã có cùng giọng với Israel khi nói đến lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, nơi đã bị Tel Aviv ném bom khiến hơn 7.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó có hơn 2.900 trẻ em và hơn 1.700 phụ nữ.
Ở cấp độ ngoại giao, Mỹ phản đối các nghị quyết kêu gọi ngừng bắn, thay vào đó thúc đẩy các đề xuất của chính họ về “sự tạm dừng nhân đạo”.
Về mặt quân sự, sự hỗ trợ bao gồm từ vũ khí, đạn dược cho đến tư vấn từ các chỉ huy cấp cao nhất.
“Israel chắc chắn đang nhận được sự hỗ trợ rất mạnh mẽ từ Mỹ nhằm giúp Tel Aviv tập trung vào mục tiêu loại bỏ Hamas.
Israel hiện là nước nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, với trọng tâm chính là hỗ trợ quốc phòng và quân sự.
Hàng năm, Tel Aviv nhận được gần 4 tỷ USD viện trợ quốc phòng từ Washington”, bà Merissa Khurma nói với Anadolu.
Theo Giám đốc Chương trình Trung Đông, kể từ khi Hamas phát động cuộc tấn công đẫm máu nhất lịch sử Israel hôm 7/10/2023, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cử nhóm tàu sân bay tấn công hiện đại “USS Gerald R. Ford” tới Đông Địa Trung Hải và một nhóm khác đang trên đường tới.
“Mỗi tàu sân bay này có hơn 70 máy bay với hỏa lực đáng kể. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã bố trí hàng nghìn binh sĩ vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu,… sẵn sàng di chuyển trong khu vực nếu tình hình leo thang”, bà Merissa Khurma cho biết thêm.
Theo Murat Aslan, chuyên gia quốc phòng tại SETA, viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel là “hỗ trợ an ninh” và là “cam kết một chiều”.
“Cùng với vũ khí, Mỹ cũng đang cung cấp các tài sản tình báo và tư vấn từ các chỉ huy giàu kinh nghiệm của quân đội Mỹ”, ông Aslan nói.
Theo tài khoản X (trước đây là Twitter) chính thức của Bộ Quốc phòng Israel, nước này tuần trước đã nhận chiếc máy bay chở hàng thứ 45 từ Mỹ, chở 1.000 tấn vũ khí.
Ngoài ra, Mỹ còn gửi một chuyến hàng gồm xe bọc thép để thay thế những chiếc bị hư hỏng trong cuộc xung đột.
Theo ông Aslan, loại vũ khí đến từ Mỹ sẽ phụ thuộc vào loại hoạt động mà Israel có thể lên kế hoạch, đặc biệt là cuộc tấn công trên bộ dự kiến vào Dải Gaza.
“Israel phải giải quyết những trở ngại, phải di chuyển nhanh và phải chuẩn bị cho bẫy mìn, thiết bị nổ tự tạo (IED) và cả tay súng bắn tỉa.
Theo nghĩa này, Mỹ dự kiến sẽ cung cấp đạn dược và thiết bị có thể giúp phá hủy các chướng ngại vật và vô hiệu hóa các tay súng bắn tỉa.
Và để xâm nhập vào các đường hầm của Hamas, quân đội Israel có thể sẽ sử dụng bom có thể được thả từ trên không và có thể khoan vào lòng đất trước khi phát nổ”, chuyên gia quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nhận định.
Theo các báo cáo gần đây, chính phủ Israel đang dự tính sử dụng khí độc thần kinh và vũ khí hóa học, với sự hỗ trợ của lực lượng Mỹ, trong các đường hầm.
Tờ Times of Israel cho biết, các công ty quốc phòng của Mỹ cũng đang đẩy nhanh các đơn đặt hàng vũ khí cho Israel, hầu hết là đạn dược cho hệ thống phòng không Iron Dome.
Mỹ cũng đang triển khai máy bay tại các căn cứ quân sự của mình ở Trung Đông, đặt mua thêm máy bay chiến đấu để hỗ trợ các phi đội A-10, F-15 và F-16 hiện có của nước này tại các căn cứ này.
Theo các phương tiện truyền thông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thông báo rằng, Mỹ đang hỗ trợ Israel về thông tin tình báo và lập kế hoạch, đồng thời cung cấp lời khuyên và tư vấn cho quân đội nước này.
Bà Khurma cho biết thêm, nhiều quan chức quốc phòng Mỹ đã có mặt ở Israel, và có sự phối hợp cũng như các kênh liên lạc rất chặt chẽ hàng ngày.
Tổng thống Biden, người đã đến thăm Israel vào tuần trước, cũng đã được thông báo về các kế hoạch quân sự của Israel.
Liệu Mỹ có tham gia trực tiếp vào cuộc tấn công trên bộ ở Dải Gaza?
Tuy nhiên, cả bà Khurma và ông Aslan đều loại trừ sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào hoạt động trên bộ sắp diễn ra ở Gaza.
“Đó vẫn là một kế hoạch của IDF. Nhưng nếu các mục tiêu của Mỹ cũng bị tấn công, thì bạn có thể thấy Mỹ có liên quan, đặc biệt là ở Lebanon, nhưng tôi không thấy Mỹ có liên quan đến lực lượng mặt đất ở Gaza”, bà Khurma nói.
Theo ông Aslan, Mỹ đang và sẽ theo dõi chặt chẽ những gì diễn ra trên thực địa ở Gaza.
“Tôi không nghĩ Mỹ muốn tham gia vào việc đó. Iraq và Afghanistan đã mang lại những bài học cho quân đội Mỹ, và một khi họ tham chiến ở Trung Đông, họ không thể lùi bước. Đây là sự thật”, ông Aslan nói.
Vấn đề con tin
Về các con tin Israel bị Hamas bắt giữ, bà Khurma cho biết, Mỹ đang hợp tác với các đồng minh trong khu vực, chủ yếu là Qatar và Ai Cập, những nước có kênh liên lạc với nhóm Palestine.
Bà cho biết sẽ không có lời kêu gọi ngừng bắn nào từ Mỹ cho đến khi Hamas thả con tin.
Còn chuyên gia Aslan nói: “Vấn đề đầu tiên là ngoại giao, trong đó Qatar đóng vai trò nổi bật trong vấn đề này, đó là lý do tại sao Hamas sẽ thả một số để có một số viện trợ cho dân thường.
Lựa chọn thứ hai là lựa chọn quân sự, nhưng chúng luôn tiềm ẩn rủi ro và có thể gây thương vong cho dân thường.
Mục đích của Hamas vào sáng ngày 7/10 thực ra là thế này: Bắt con tin chỉ để bắt đầu quá trình đàm phán khi xung đột leo thang.
Nếu có một sự leo thang quân sự khác, thông qua các hoạt động trên bộ hoặc sự xâm nhập của các đơn vị hoạt động đặc biệt, tôi nghĩ chúng ta sẽ rơi vào một tình thế bế tắc khác”, ông Aslan kết luận.