Điện Biên: Khai thác tài nguyên “chóng mặt”, sinh kế của đồng bào Mông bị đe dọa

GD&TĐ - Con người đang sử dụng nguồn lực tài nguyên thiên nhiên với tốc độ nhanh hơn tốc độ tái tạo. Hệ lụy của khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của cộng đồng, trong đó có sinh kế của đồng bào dân tộc Mông. 

Đồng bào dân tộc thiểu số canh tác trên những triền đất dốc thường xuyên bị rửa trôi do biến đổi khí hậu.
Đồng bào dân tộc thiểu số canh tác trên những triền đất dốc thường xuyên bị rửa trôi do biến đổi khí hậu.

Ở Điện Biên, bài toán đang được đặt ra cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, đó là: Làm sao thúc đẩy được phát triển kinh tế - xã hội nhưng hài hòa với phát triển bền vững của cộng đồng người dân tộc Mông?

“Ồ ạt”...

Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Mông được coi là một thành viên quan trọng. Điện Biên có khoảng hơn 170 nghìn người Mông đang sinh sống ở huyện: Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé và Nậm Pồ, chiếm 34,8% dân số toàn tỉnh và 16,0% tổng số người Mông tại Việt Nam. Theo tập quán sinh hoạt, đồng bào Mông thường ở độ cao từ 800 – 1.500 m so với mực nước biển.

Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam, có tổng diện tích tự nhiên hơn 954 nghìn ha, trong đó tiềm năng rừng và đất rừng rất lớn với hơn 776 nghìn ha, chiếm 81,4% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Các tài liệu điều tra hiện có về đa dạng sinh trên địa bàn tỉnh cho thấy Điện Biên là tỉnh có tính đa dạng sinh học cao.

Những năm gần đây, các chương trình, dự án đầu tư vào địa bàn tăng cao khiến cho môi trường sinh thái ở Điện Biên bị tác động tương đối mạnh. Thông tin từ Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Điện Biên cho biết, tỉnh Điện Biên có khoảng 800 công trình thủy lợi lớn nhỏ cấp tưới nước. Trong hệ đại thủy nông Nậm Rốm có 11 hồ chứa nước, 293 đập dâng, 1 trạm bơm điện, 495 công trình phai tạm và tiểu thủy nông phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp.

Ngoài ra, trên lưu vực sông Đà có 341 công trình thủy lợi; Trên lưu vực sông Mê Kông có tiểu vùng sông Nậm Rốm với 166 công trình thủy lợi; tiểu vùng sông Nậm Núa có 30 công trình; Trên lưu vực sông Mã có 263 công trình. Riêng lòng hồ thủy điện Sơn La sau khi tích nước đã khiến cho 47 bản của 6 xã, phường thuộc các huyện: Mường Chà, Tủa Chùa và thị xã Mường Lay bị ngập.

Thống kê cho thấy, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có khoảng 70 dự án thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất nông nghiệp, tổng diện tích đất chuyển đổi là 636,8ha.

Đồng bào Mông bị “đe dọa”

Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên có sử dụng đến khối lượng lớn các máy móc, thiết bị và con người đã làm phá vỡ tính cân bằng tự nhiên của địa hình khu vực triển khai dự án, dẫn đến biến đổi địa hình và gia tăng các quá trình địa mạo. Từ việc phá vỡ sự cân bằng hình thái sẽ dẫn đến mất cân bằng năng lượng. Đây là nguy cơ tiềm ẩn gây ra các hiểm hoạ tai biến trượt lở đất, đá; Đặc biệt trong mùa mưa khi đó sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng đến môi trường và thiệt hại đáng kể về kinh tế cho cộng đồng dân cư sống trong khu vực.

Với đặc điểm địa hình núi cao chiếm phần lớn diện tích toàn tỉnh, nơi có hoạt động địa chất phức tạp, địa hình phân cách mạnh, mưa nhiều... là những nhân tố dẫn đến các hiện tượng thiên tai xảy ra như động đất, trượt lở đất, lũ quét, lũ bùn, xói mòn bề mặt bồi lắng dòng chảy, lòng hồ, sông, suối... quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên sẽ làm tăng nguy cơ tai biến địa chất, thảm họa thiên nhiên từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cộng đồng dân tộc trong đó có dân tộc Mông.

Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Điện Biên cho biết, những các động của biến đổi khí hậu tới sinh kế của đồng bào dân tộc Mông trong thời gian qua thể hiện ở sự thay đổi bất thường về nhiệt độ. Cụ thể, nhiệt độ mùa hè tăng cao, có lúc lên tới 38 độ C, gây nắng nóng kéo dài; Nhiệt độ mùa đông trên các vùng núi cao, nơi sinh sống của các đồng bào dân tộc Mông có khi xuống tới -2 độ C; sự thay đổi theo mùa: Mùa mưa đến trễ hơn, lượng mưa thất thường, mưa cục bộ gây lũ lụt…

Song song với đó sinh kế của đồng bào Mông lại chủ yếu là tự cung tự cấp, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Tình trạng ngày càng trở lên nghiêm trọng hơn khi các hiện tượng khí hậu cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều đã, đang và sẽ còn xảy ra gây tác động nghiêm trọng đến sinh kế của người dân. Từ việc khí hậu bị biến đổi nhanh chóng đã khiến cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của đồng bào Mông gặp khó khăn.

Cùng với sự tăng cao của nhiệt độ trong các tháng mùa khô, dẫn tới sự suy giảm lượng mưa đã có tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng. Lượng mưa giảm, dẫn tới lưu lượng dòng chảy xuống thấp gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước gây mất mùa, giảm năng suất cây trồng đặc biệt là cây lúa và cây ngô, hai cây trồng chủ đạo.

Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cao bất thường, gây nắng nóng cục bộ trong mùa hè, làm suy giảm nguồn nước cho sản suất và sinh hoạt của người dân. Trái lại, nhiệt độ giảm sâu trong mùa đông làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng: Làm cây trồng bị cháy lá, hạt không nảy mầm. Còn nhớ vào các năm 2008 và 2015, rét đậm, rét hại đã xảy ra, kéo dài gần 1 tháng đã làm thiệt hại lớn đến ngành chăn nuôi. Hàng nghìn con trâu, bò, dê, gà, lợn... bị chết rét, nhiều con ngã khuỵu, dịch bệnh gia tăng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ