Điện Biên: Cộng đồng trách nhiệm để lấp "chỗ trống" dạy học thích ứng

GD&TĐ - Từ ngày 8/11, tỉnh Điện Biên quyết định cho toàn bộ học sinh trên địa bàn huyện Điện Biên (gần 25.000 em) dừng đến trường cho đến khi có thông báo mới. Nhiều phương án dạy học thích ứng đang được triển khai.

Cần sự cộng đồng trách nhiệm để lấp "chỗ trống" dạy học thích ứng.
Cần sự cộng đồng trách nhiệm để lấp "chỗ trống" dạy học thích ứng.

Trường Phổ thông bán trú THCS xã Núa Ngam là nơi theo học của hơn 400 con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 2 xã: Núa Ngam, Hẹ Muông (huyện Điện Biên). Là địa bàn khó khăn, nhiều bản xa, cách trở về giao thông nên việc đảm bảo dạy và học sau khi trường “đóng cửa” thêm  phần vất vả.

Thầy Phạm Trung Thành, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay sau khi tạm dừng học trực tiếp, trường áp dụng nhiều hình thức khác nhau, cố gắng không để việc học của học sinh bị gián đoạn. Tuy nhiên, chỉ có trên 50% học sinh được học trực tuyến. Số còn lại không có thiết bị hoặc không đảm bảo các điều kiện về đường truyền, điện lưới… nhà trường phải chia giáo viên thành các nhóm, đến từng bản đưa phiếu theo tuần.

“Về lâu dài, tôi nghĩ cần sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội, sát cách cùng ngành Giáo dục để lấp dần những “chỗ trống” kể trên. Bởi lẽ, giáo dục là nhiệm vụ của toàn dân” – thầy Thành cho hay.

Dừng đến trường, nhiều trường học vùng khó tại huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) gặp nhiều khó khăn trong tổ chức dạy học trực tuyến. Ảnh NTCC.
Dừng đến trường, nhiều trường học vùng khó tại huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) gặp nhiều khó khăn trong tổ chức dạy học trực tuyến. Ảnh NTCC.

Còn tại Trường Tiểu học xã Hua Thanh (huyện Điện Biên), việc đảm bảo chương trình học sau khi trường tạm đóng cửa càng khó khăn hơn. Thầy Trần Danh Tương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Phụ huynh trên địa bàn có điện thoại thông minh kết nối mạng rất ít. Mỗi lớp chỉ có vài học sinh đáp ứng được việc học trực tuyến.

Đặc biệt tại 2 điểm trường Pá Sáng và Nậm Ty “trắng” thiết bị, không điện, không sóng điện thoại. Vì vậy, nhà trường thực hiện giao phiếu bài tập cho học sinh.

“Mỗi giáo viên được phân công 1 bản, đến từng nhà học sinh. Ngoài hướng dẫn trong phiếu, nếu học sinh không hiểu, phụ huynh có thể gọi điện trực tiếp theo số điện thoại của giáo viên bộ môn ghi trên phiếu. Tuy nhiên, phụ huynh hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, lại đang vào mùa nương nên ít quan tâm đến việc học của con” – thầy Tương tâm sự.

Để “ứng phó” với khó khăn này, theo thầy Tương, trước mắt nhà trường động viên các thầy cô giáo cố gắng  khắc phục, nỗ lực nhiều hơn nữa. “Nếu được, chúng tôi mong ngành Giáo dục tham mưu để Chính phủ, nhà nước quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên vùng khó trong triển khai các hoạt động dạy học trong bối cảnh ứng phó dịch bệnh” – thầy Tương nói.

Theo rà soát, toàn huyện này có gần 8.000 học sinh không có thiết bị học trực tuyến. Trong 42 trường tiểu học và THCS có 1 trường thuộc khu vực không có Internet, 5 trường tại địa bàn chưa phủ sóng 3G, 4G. Vì vậy khi tạm dừng dạy và học trực tiếp, nhiều trường gặp không ít khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ