Ngành Giáo dục địa phương này đang từng bước linh hoạt ứng phó để đảm bảo “mục tiêu kép”.
Hơn 10.000 học sinh chuyển trạng thái học
Tính đến 12 giờ, ngày 4/11, Điện Biên ghi nhận 55 ca bệnh Covid-19, trong đó có 12 học sinh. Tất cả đều liên quan đến các ổ dịch được phát hiện trước đó.
Để đảm bảo công tác khoanh vùng, khống chế dịch, Điện Biên đã quyết định cho dừng học trực tiếp tại 8 xã trên địa bàn, với tổng số hơn 10.000 học sinh các cấp. Trong đó có 25 trường mầm non, tiểu học, THCS với trên 9.000 học sinh; bậc THPT có 2 trường, hơn 1.000 học sinh.
Ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên cho biết: 8 xã bao gồm: Mường Lói, Phu Luông, Mường Nhà, Na Tông, Núa Ngam, Hẹ Muông, Pom Lót, Noong Hẹt đều ghi nhận F0 hoặc có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Liên quan các F0 là học sinh ở Na Tông, Mường Nhà, lực lượng chức năng đã truy vết có trên 200 F1. Với 2 F0 là học sinh Trường THPT huyện Điện Biên qua truy vết, xác định có 63 F1 (21 giáo viên và 42 học sinh).
Toàn bộ giáo viên và học sinh được đưa vào các khu cách ly tập trung ở Na Tông, Mường Nhà và Pom Lót. Công tác test nhanh, sàng lọc cũng được ưu tiên thực hiện đối với học sinh các trường có học sinh là F0.
Theo ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, để đảm bảo tâm lý, sức khỏe học sinh, nhất là lứa tuổi mầm non đang cách ly, địa phương đã bố trí lực lượng, cho phép bố hoặc mẹ ở cùng, hỗ trợ thầy, cô giáo chăm sóc các cháu.
Dừng đến trường nhưng không dừng học
Với phương châm “Dừng đến trường nhưng không dừng học”, ngành Giáo dục đã chỉ đạo Ban giám hiệu các trường trong 8 xã chuyển trạng thái dạy và học, để đảm bảo chương trình, thời lượng học tập cho học sinh.
“Đối với những học sinh đủ điều kiện sẽ tổ chức học trực tuyến. Còn học sinh vùng khó, nhà ở các bản không có điện, Internet, thiết bị…, Ban giám hiệu các trường chủ động chỉ đạo giáo viên phát phiếu, giao bài, hướng dẫn học sinh tự học” – ông Huy cho hay.
Cũng theo ông Huy, ngành chỉ đạo riêng cấp học mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến. Giáo viên chủ động liên hệ, phối hợp với gia đình hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.
Bà Lò Thị Thắm, thôn 7, xã Pom Lót có 2 cháu đang học mầm non phải nghỉ vì dịch. “Lúc đầu cũng lo vì người lớn trong nhà phải đi làm hết, có mình tôi không biết chăm lo, dạy dỗ các cháu như như nào. Nhưng hôm nay cô giáo gọi điện, hướng dẫn tổ chức cho các cháu chơi, vệ sinh phòng dịch tại nhà… nên cũng yên tâm hơn”, bà Thắm chia sẻ.
Đối với cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã còn lại vẫn tổ chức dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, ngành chỉ đạo triển khai tổ chức, siết chặt toàn bộ các quy định phòng chống dịch; nhất là quy định 5K của Bộ Y tế và vệ sinh phòng dịch cho cán bộ, giáo viên, học sinh.
Các nhà trường cũng được yêu cầu thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình sức khỏe cán bộ, giáo viên, học sinh và diễn biến dịch bệnh để có phương án xử lý, chỉ đạo kịp thời.
Không áp lực về khung kiến thức
Dừng đến trường, nhiều người lo ngại việc học gián đoạn, lượng kiến thức con em mình tiếp thu sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông Đặng Quang Huy cho rằng, đây không phải vấn đề đáng lo.
Ông Huy cho biết: Do có sự chủ động “thời gian vàng” học trực tiếp từ đầu năm đến nay, nên khung kiến thức, thời lượng đã truyền đạt cho học sinh đều đi trước chương trình của Bộ GD&ĐT từ 1 - 2 tuần học.
Tính chung toàn huyện, đến nay cấp tiểu học đã thực hiện dạy tiến độ tuần 11 (tức là nhanh hơn 2 tuần so với thời lượng chung); cấp THCS nhanh hơn 1 tuần. “Vì thế, nếu dịch bệnh trên địa bàn được khoanh vùng, khống chế trong khoảng 2 tuần thì thời lượng học tập chung của học sinh không bị ảnh hưởng nhiều” – ông Huy nói.
Đơn cử tại Trường Tiểu học Núa Ngam, theo cô Bùi Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, từ đầu năm học, trường đã xây dựng kế hoạch và triển khai tăng tiết. Vì thế, học sinh nhà trường đang học sớm hơn khung chương trình của Bộ gần 2 tuần.
“Các năm trước, buổi sáng hơn 10 giờ là tan học. Nhưng từ đầu năm đến nay khoảng gần 11 giờ cô và trò mới nghỉ. Như vậy vừa đẩy nhanh được chương trình mà tan học vẫn không quá muộn. Cả cô và trò đều không áp lực” – cô Hằng chia sẻ.
Cũng theo cô Hằng, nghỉ học chống dịch, nhà trường đã sẵn sàng phương án tổ chức dạy học nên không bị động. “Với học sinh trung tâm xã và vùng thuận lợi, đảm bảo các điều kiện về thiết bị, mạng Internet… chúng tôi tổ chức học trực tuyến và giao bài, hướng dẫn trên nhóm Zalo được lập giữa phụ huynh với giáo viên. Riêng vùng khó, nhà trường đã có kinh nghiệm thực hiện giao bài từ năm học trước” – cô Hằng nói.