Đó là tâm sự của sinh viên năm nhất Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Sùng Thị Dì.
Gập ghềnh đường đến trường
Sùng Thị Dì, cô gái người Mông, sinh ra và lớn lên ở quê hương “núi đá” Đề Dê Hu, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa (Điện Biên). Nơi “chôn nhau cắt rốn” của Dì là vùng quê nghèo, mang nét đặc trưng của địa phương miền núi. Cũng bởi vậy mà con đường đến trường của em gập ghềnh đúng theo cả nghĩa đen và bóng.
Tiểu học, Dì được học gần nhà, song bước vào THCS em phải ra thị trấn. Nhà cách trường 7km (nếu đi đường tắt), nên em phải thuê trọ để theo học. Mỗi tuần 1 lượt, em “cuốc bộ” 14km xuyên rừng cả đi lẫn về. Phần để thăm bố mẹ, phần là để gói ghém thực phẩm cho tuần học tiếp theo.
“Đường sá xa xôi cách trở, gia đình khó khăn mấy em cũng cố gắng vượt qua được. Nhưng điều khiến em bận lòng nhất là những suy nghĩ cổ hủ của người lớn trong làng, trong bản. Từ bé đến lớn, điều em nghe nhiều nhất không phải những lời động viên mà là câu nói con gái thì học cao làm gì?”, Dì tâm sự.
Thế rồi, biến cố xảy ra vào năm Dì đang học lớp 7. Bố mẹ ly hôn, em phải sang ở với ông bà và chú dì. Hơn 1 năm sau ông mất, Dì cũng bỏ học luôn. Em bảo, với một cô bé mới lớn đây là biến cố khó lòng vượt qua. Em đưa ra quyết định bỏ dở việc học khi vẫn còn khát khao đến trường phần vì kinh tế, phần là bởi “em thấy mình bơ vơ”.
Hơn 1 năm sau ngày ly hôn, bố mẹ Dì đều có gia đình mới. Bà ngày càng già yếu, chú dì cũng phải lo cho các con của mình. Không có người lo kinh tế buộc Dì phải nghỉ học khi đang dở chương trình lớp 8.
“Lúc nghỉ em cũng không xác định được là sẽ làm gì. Bố mẹ mải lo cho gia đình riêng nên cũng chẳng thể tham gia hay gợi ý. Còn mọi người, họ hàng thì khuyên bảo em nghỉ học ở nhà làm nương, làm ruộng. Em buộc phải nghỉ, nhưng có điều em luôn chắc chắn là sẽ không lấy chồng sớm. Em vẫn nuôi hy vọng đi học tiếp, chỉ là không biết đến bao giờ!”, Dì bộc bạch.
Mở cánh cửa tương lai
Cũng theo Dì, sau đó, em may mắn được các cô chú trong Tổ chức Tầm nhìn Thế giới đến thăm hỏi, động viên. Khi lắng nghe và thấu hiểu hoàn cảnh cũng như mong muốn của Dì, họ đã vận động gia đình cho em được tiếp tục đến trường, với cam kết sẽ hỗ trợ, đồng hành.
“Em nhớ lúc ấy các cô chú phải đi lại, vận động đến 3 lần, gia đình mới hợp tác. Họ nói chuyện giúp bố em thay đổi cách nghĩ, rồi sau đó mới đón em về ở cùng, cho em đi học lại. Nhưng vì nghỉ lâu, nhỡ lịch không thể học tiếp nối, em phải học lại chương trình lớp 8.
Hàng tháng, các cô chú đều hỏi thăm, hỗ trợ đồ dùng học tập cho đến khi em học hết phổ thông. Nếu như không có những điểm tựa đó, có lẽ con đường đến với cánh cổng trường đại học đã khép lại khi em mới chỉ học lớp 8”, Dì trải lòng.
Hiểu rõ hoàn cảnh, giá trị của những ngày được đến trường, Dì đã không ngừng cố gắng trong học tập. Theo lời Dì kể, toàn bộ chi phí phát sinh cho việc học đều là nhờ các khoản tiền học bổng em được nhận. Đây cũng là cách để chứng minh với mọi người rằng con đường em đang đi là đúng đắn và không phải con gái thì không thể học cao.
Không như hoàn cảnh của Dì, nhiều học sinh tại Trường PTDTBT Tiểu học Núa Ngam (huyện Điện Biên) lại có nguy cơ bị “đứt bữa” khi có sự thay đổi chính sách. Theo cô Bùi Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, từ năm học 2021 - 2022, địa bàn nơi trường đóng chân không còn thuộc vùng đặc biệt khó khăn nữa. Chính vì vậy, các chính sách hỗ trợ đi cùng cũng mất theo.
“Nếu không có chính sách hỗ trợ, trường không thể tiếp tục đưa học sinh các điểm bản về trường trung tâm học được. Vì còn rất nhiều chi phí liên quan đến việc tổ chức ăn, ở cho các em. Học sinh nhỏ có thể đưa về điểm bản học lớp ghép, nhưng với hơn 100 em khối lớp 5, khối lượng kiến thức lớn thì không thể làm thế được. Rất may là ngay sau đó chúng tôi khớp nối được và nhận sự hỗ trợ của Chương trình Nuôi em. Toàn bộ số học sinh lớp 5 được quỹ nuôi, nên vẫn bố trí sinh hoạt nội trú tại trường như trước”, cô Hằng chia sẻ.
Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng (huyện Mường Chà) cũng là một trong nhiều cơ sở trường học tại Điện Biên nhận sự hỗ trợ của dự án trên. Cho đến nay, dự án đã giúp 20.000 trẻ em tại 5 huyện: Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên Đông không bị “đứt bữa”. Với số tiền hỗ trợ 8.500 đồng/suất, mỗi bữa ăn của các em sẽ có thêm thịt, đậu, canh, rau.
Thầy Lò Văn Chinh, giáo viên Trường Tiểu học Huổi Lèng hiện phụ trách tại điểm trường Tiểu học Ma Lù Thàng 2. Nơi đây có 1 lớp ghép 1+2, với hơn 10 học sinh. Theo thầy Chinh, trước đây việc duy trì sĩ số lớp vô cùng khó khăn. Nhưng từ ngày tổ chức nấu ăn trưa cho học sinh tại trường thì thuận lợi hơn nhiều.
“Trước, gần như sáng nào tôi cũng đến tận nhà, tận nương để tìm, gọi các em đến lớp. Nhưng trưa về ăn cơm là các em nghỉ luôn chiều. Từ ngày có sự hỗ trợ của Dự án Nuôi em, mặc dù, tôi phải nấu ăn cho học sinh nhưng đỡ vất vả đi nhiều. Các em tự giác đến trường, vì được ăn ngon. Ở nhà có khi phải ăn cơm trắng, chứ đến trường bữa nào cũng có thức ăn, nhiều em còn để dành mang về”, thầy Chinh tâm sự.
Phát huy vai trò cầu nối
Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Điện Biên, để đảm bảo duy trì sĩ số và ổn định, nâng cao chất lượng trong mỗi cơ sở giáo dục, bên cạnh mô hình trường nội trú, bán trú và thực hiện kịp thời các chế độ chính sách cho học sinh, cần có nhiều nguồn hỗ trợ khác.
“Những năm qua tại các địa bàn vùng khó ở Điện Biên có rất nhiều tấm gương học tốt nhưng vì hoàn cảnh mà phải nghỉ học. Nhờ “điểm tựa” là những học bổng, chương trình hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân không chỉ khiến con đường đến trường bớt gập ghềnh, mà còn giúp các em tự tin tiếp tục theo đuổi tri thức”, ông Quân cho hay.
Nậm Pồ là huyện biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn của Điện Biên. Chính vì thế, con đường đến trường của nhiều học sinh ở đây cũng bội phần gian khó. Theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nầm Pồ, những năm qua chính quyền và ngành Giáo dục địa phương đã chủ động trở thành chiếc cầu nối, thông qua các hoạt động kêu gọi, vận động từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau.
“Rất nhiều chương trình từ thiện của các nhà hảo tâm được khớp nối đã mang đến những con đường, ngôi trường mới, rồi các phần quà, học bổng, áo ấm… cho học sinh. Đây là nguồn động lực rất lớn để các em tiếp tục đến trường, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho các gia đình khó khăn”, ông Chiến tâm sự và nhấn mạnh: Với sự tiếp sức của các chương trình, hoạt động từ thiện, hàng chục nghìn hoàn cảnh khó khăn đã tiếp tục đến trường, theo đuổi con đường tri thức. Sự nghiệp giáo dục ở miền núi Điện Biên có thể yên tâm vững tiến, nếu luôn có những sự đồng hành ở phía sau.