Điểm thi THPT quốc gia thể hiện sự phân hóa tốt

GD&TĐ - Theo kết quả chấm thi ban đầu, điểm thi THPT quốc gia năm nay thể hiện sự phân hóa tốt. Ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên - cho biết như vậy khi báo cáo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khi Thứ trưởng đến kiểm tra công tác chấm thi tại Hưng Yên.

Điểm thi THPT quốc gia thể hiện sự phân hóa tốt

Chấm thi nghiêm túc, đúng kế hoạch

Kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hưng Yên có 29 điểm thi với số lượng đăng ký dự thi theo tổ hợp các bài thi, môn thi: Ngữ văn (12.706), Toán (12.902), Vật lý (5.331), Hóa học (5.335), Sinh học (5.242), Tiếng Anh (11.384), Tiếng Trung (1), Tiếng Đức (1), Tiếng Nhật (5), Lịch sử (9.300), Địa lý (9.159), Giáo dục công dân (7.891). Công tác tổ chức thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Ngay khi kết thúc 3 ngày thi, Hội đồng thi Hưng Yên tổ chức làm phách theo phương án 2 vòng độc lập. Theo ông Nguyễn Văn Phê, rút kinh nghiệm những năm trước, trong Hội nghị triển khai nghiệp vụ thi, Sở GD&ĐT đã lưu ý kĩ trong thu bài tự luận để thuận lợi cho công tác làm phách. Đến thời điểm này, việc làm phách được thực hiện tốt, không có trục trặc, nhầm lẫn; công tác bảo mật trong làm phách cũng được thực hiện triệt để.

Hưng Yên cũng đã tổ chức khai mạc Ban Chấm thi, phổ biến, quán triệt kĩ các quy định về chấm thi, kĩ thuật chấm thi, cách thức tổ chức chấm thi; quy định về thanh tra, an ninh, giờ giấc làm việc… Công tác chấm thi đến thời điểm này diễn ra thuận lợi. Dự kiến thời gian chấm thi đến ngày 5/7/2018.

“Chúng tôi chia thành 4 tổ chấm, chấm chéo, đảm bảo giáo viên không chấm bài học sinh trường mình. Cụ thể, chấm bài tự luận gồm 4 Trưởng môn, 4 Phó Trưởng môn và 88 cán bộ chấm thi (CBChT); chấm trắc nghiệm gồm 1 Tổ trưởng 10 thành viên, huy động 3 máy quét; chấm kiểm tra gồm 1 Tổ trưởng, 8 thành viên, chấm khoảng 6,8% số bài; 2 máy nhập điểm theo số phách được huy động” – ông Nguyễn Văn Phê cho biết thêm.

Phổ điểm phân hóa tốt

Trong quá trình chấm thi, các tổ chấm đã thống nhất biểu điểm theo sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, thống nhất phương án chấm nên độ vênh điểm không nhiều và thống nhất điểm dễ dàng. Riêng với môn Ngữ văn, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên thông tin qua ghi nhận điểm ban đầu cho thấy độ phân hóa điểm thi tốt.

“Chúng tôi nhận thấy, đề thi năm nay rất khoa học, phân hóa được học sinh qua phổ điểm. Đề ứng dụng thực tiễn trong dạy học rất tốt, khẳng định được định hướng dạy học theo phát triển năng lực; tăng thêm niềm tin của giáo viên trong dạy học theo định hướng này. Việc kiểm tra, đánh giá như vậy sẽ có tác động tích cực đến dạy học trong những năm tới. Nói thêm, tại Hưng Yên không ghi nhận được ý kiến trái chiều của giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh với đề thi” – ông Nguyễn Văn Phê cho hay.

Chia sẻ với Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, các giám khảo chấm thi tại Hưng Yên cũng phản ánh đề thi, điểm thi phân hóa tốt, đáp án của Bộ GD&ĐT rõ ràng, khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấm thi.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh quy trình chấm thi, bài thi phải được chấm 2 vòng độc lập, được 2 giám khảo chấm ở 2 tổ chấm khác nhau; lưu ý tiến độ chấm thi đảm bảo đúng theo quy định… Cùng với đó, lưu ý thêm việc đảm bảo điều kiện làm việc cũng như động viên, khuyến khích các cán bộ làm công tác chấm thi...

Các giám khảo chấm thi tại Hưng Yên đều nhận định hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT rất rõ ràng, khoa học, thuận lợi cho việc chấm thi. Với sự thống nhất cao nên độ vênh điểm bài thi Ngữ văn giữa 2 giám khảo rất thấp, nếu có chủ yếu ở mức 0,25 điểm.

Đã có thí sinh đạt trên 9 điểm môn Ngữ văn

Thông tin từ ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - cho biết, Sở GD&ĐT đã chấm được gần 50% bài thi môn Ngữ văn. Theo thống kê đã có thí sinh đạt điểm 9 và trên 9 điểm. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là dưới 27%. Phổ điểm chủ yếu từ 6 đến 8. Một số ít bài bị điểm dưới 2. Không có bài thi bị điểm 0.

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, trước khi bước vào chấm thi, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia của tỉnh đã nhắc nhở cán bộ chấm thi tuyệt đối không được mang điện thoại vào phòng chấm thi và không được phát tán bài thi của thí sinh ra bên ngoài bất kỳ bằng hình thức nào. Thực hiện nghiêm túc quy chế thi, trong đó có các quy định về chấm thi.

Riêng môn Ngữ văn, công tác Chấm thi phải được thực hiện 2 vòng riêng biệt; vòng 1 sẽ thực hiện trên phiếu chấm, vòng 2 chấm trên bài thi. Cán bộ chấm thi không được sửa điểm trên phiếu chấm, phiếu ghi điểm và trên bài thi sau khi đã thống nhất điểm. Trưởng môn chấm thi phải thực hiện nghiêm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấm thi của cán bộ chấm thi trong tổ.

Trước khi chấm thi, Trưởng ban Chấm thi đã phổ biến kỹ lưỡng cho toàn bộ cán bộ chấm thi hướng dẫn cách chấm để có sự thống nhất. Điểm số sẽ được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.

Đối với bài thi trắc nghiệm: Khi chấm phải có Thanh tra, Công an PA83 giám sát. Trước khi mở túi bài phải xác định tình trạng niêm phong bài thi với đầy đủ chữ ký thành phần theo quy định.

Nói về đáp án bài thi môn Ngữ văn, cô Đỗ Thu Hà - Trường THPT Trung Nghĩa (Phú Thọ) - cho rằng: Ở câu 4 phần Đọc hiểu và câu 1 phần Làm văn (câu nghị luận xã hội), đáp án không yêu cầu thí sinh phải trả lời theo một cách duy nhất mà chấp nhận nhiều cách trả lời khác nhau, miễn là bám sát vấn đề yêu cầu, lý giải hợp lý, thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Theo cô Đỗ Thu Hà, điều này giúp cho học sinh phát huy khả năng sáng tạo, được thoải mái trình bày quan điểm, tư tưởng của mình. Từ đó, thấy được nhận thức về xã hội cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh đối với đất nước hiện nay. Đáp án môn thi thuận lợi cho người chấm bởi bản chất của việc học văn là phải sáng tạo. Mỗi thí sinh sẽ có một cách suy nghĩ và trình bày riêng. Việc ra đáp án mở giúp giám khảo có thể vận dụng linh hoạt khi chấm những bài văn “muôn hình vạn trạng”. Với đáp án như vậy, giám khảo vừa phải chắc chắn vừa phải linh hoạt, tránh hiện tượng “vênh lệch” trong quá trình chấm.

Đánh giá tích cực về công tác tổ chức thi THPT quốc gia tại Hưng Yên, từ chuẩn bị, coi thi đến chấm thi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đồng thời đưa ra những lưu ý hết sức cụ thể nhằm đảm bảo công tác chấm thi chặt chẽ chính xác, khách quan. Trong đó có việc đảm bảo tính bảo mật bài thi; bên ngoài túi bài thi phải ghi đầy đủ các thông tin: Hội đồng thi; điểm thi; phòng thi; buổi thi (thời gian, ngày thi); tên bài thi; họ tên, chữ ký của 2 cán bộ coi thi; họ tên, chữ ký của Trưởng Điểm thi và Phó Trưởng Điểm thi là cán bộ của trường ĐH, CĐ phối hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ