Kỳ thi THPT quốc gia đáp ứng tốt các mục tiêu đề ra

GD&TĐ - Công tác coi thi của Kỳ thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá là an toàn, đúng quy chế với số lượng thí sinh bị kỷ luật do vi phạm quy chế thi giảm hẳn so với những năm trước. Đề thi có tính phân hóa tốt hơn, sẽ không có hiện tượng “mưa” điểm 10 như Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Kỳ thi THPT quốc gia đáp ứng tốt các mục tiêu đề ra

Tuy nhiên, đâu đó trong dư luận xã hội cũng có ý kiến cho rằng nên chuyển thi tốt nghiệp THPT sang hình thức xét tốt nghiệp, giao trách nhiệm này cho các cơ sở GD và chỉ giữ kỳ thi tuyển sinh ĐH. Lý do được đưa ra là vì điểm của kỳ thi phải “cõng” 2 mục tiêu khác nhau, như vậy là “làm khó” cho địa phương…

Thực ra mấy năm gần đây, yếu tố về kết quả điểm thi không còn quan trọng trong việc xét tuyển ĐH nữa, khi mà nhiều trường ĐH đã chuyển sang hình thức xét học bạ lớp 12 hoặc 3 năm học THPT. Vì vậy, việc học tập, thi cử của HS giảm bớt áp lực rất nhiều. Do đó, nhận thức, quan điểm về học tập, thi cử, điểm số, đầu vào các trường ĐH của thí sinh cũng cần phải thay đổi để thích nghi, phù hợp với xu thế mới. Không đặt nặng về chất lượng đầu vào mà coi trọng quá trình GD-ĐT ở các bậc học, từ phổ thông đến ĐH.

Sau khi công tác coi thi THPT quốc gia năm nay hoàn tất, lại nổi lên luồng ý kiến đề xuất đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chuyển sang hình thức xét công nhận tốt nghiệp như bậc Tiểu học (hết lớp 5) và THCS (hết lớp 9) đang thực hiện thì sẽ tốt hơn, giảm được nhiều áp lực và tốn kém cho HS, phụ huynh và Nhà nước.

Theo tôi, với đặc thù GDPT ở Việt Nam hiện tại thì chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT; cần có thêm thời gian, lộ trình để ổn định, củng cố vững chắc chất lượng GDPT rồi mới có thể tính tiếp. Suy cho cùng, trong xã hội vẫn thường trực tư tưởng “không thi, không học”, học lệch, thiếu toàn diện, căn cơ; ý thức tự học, tự trau dồi tri thức phổ thông của con trẻ chúng ta còn rất thấp.

Một số người có tư duy, suy nghĩ chưa đúng, thi tốt nghiệp mà đỗ gần hết, loại ra được mấy thí sinh thì cần gì thi nữa, giao hẳn cho trường xét công nhận là xong…

Với quan điểm của người thầy giáo đang quản lý và dạy học ở bậc THPT, tôi thiết nghĩ, chúng ta nên nhìn nhận cho toàn diện, thấu đáo vấn đề, không vì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao, có nhiều trường, địa phương đạt 100% mà bỏ thi tốt nghiệp. Bởi lẽ, có một đợt sát hạch, kiểm tra sau 12 năm học phổ thông là cần thiết để đánh giá được một số mặt về chất lượng dạy và học của thầy và trò. Nó cũng là động lực quan trọng của mục tiêu GD, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dạy và người học. Còn dựa vào kết quả thi ĐH chỉ có vài ba môn để lựa chọn thí sinh tốt nhất học ĐH thì không phản ánh được đầy đủ bức tranh GDPT.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được tiếp tục duy trì, song ngành GD nên hoàn thiện, cải tiến hơn nữa khâu phân hóa đề thi, đặc biệt công tác coi thi, chấm thi để đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng cho mọi thí sinh. Một khi đề thi làm tốt được hai nhiệm vụ vừa công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh ĐH thì hà cớ gì lại không tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia các năm sau này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.