Công tác chấm thi của các địa phương diễn ra đúng tiến độ

GD&TĐ - Đó là chia sẻ của ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT). Theo Cục trưởng, đến thời điểm này, công tác chấm thi của các địa phương đang được diễn ra theo đúng tiến độ, hiện chưa gặp phải bất cứ khó khăn gì.

Cán bộ chấm thi tại Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình
Cán bộ chấm thi tại Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình

* Theo ông, tiến độ chấm thi của các địa phương đã thực hiện đến đâu? Trong trường hợp nếu có địa phương chấm xong sớm thì có được công bố điểm sớm trước ngày 11/7 hay không?

- Theo quy định, tất cả các địa phương sẽ công bố công khai kết quả thi THPT quốc gia vào ngày 11/7. Do vậy, nếu có bất kỳ địa phương nào chấm xong sớm cũng không được công bố kết quả trước ngày 11/7.

Bởi kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia còn được sử dụng để xét tuyển đại học, cao đẳng, do đó công tác bảo mật dữ liệu điểm chung cho cả nước mới là quan trọng.

Về tiến độ chấm thi, tôi cho rằng các địa phương đã đạt yêu cầu. Tuy nhiên giữa các địa phương có sự chênh lệch về số lượng thí sinh. Có nơi nhiều, nơi ít. Nhưng tôi tin tưởng là tiến độ chấm sẽ đạt yêu cầu đề ra.

* Năm nay đề thi Ngữ văn được đánh giá là khá hay và mở. Đề mở nên cách chấm cũng sẽ mở. Vì thế cán bộ chấm thi có thể gặp phải những khó khăn nhất định. Vậy qua kiểm tra thực tế, ông có nhận được phản ánh nào từ địa phương về việc này?

- Riêng đối với môn Ngữ văn, chúng tôi đã có hướng dẫn cách chấm khá đầy đủ và bao quát trong cả quá trình chấm thi. Ngoài ra, các Hội đồng thi đã thảo luận kỹ hướng dẫn chấm và có tổ chức chấm chung một số bài để làm quen với hướng dẫn chấm.

Vì vậy, cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào nói về khó khăn trong quá trình chấm thi môn Ngữ văn.

Ông Mai Văn Trinh kiểm tra thực tế công tác chấm thi tại Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình
Ông Mai Văn Trinh kiểm tra thực tế công tác chấm thi tại Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình

* Kết quả Kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Vì vậy công tác chấm thi phải được thiện nghiêm túc. Qua kiểm tra ở các địa phương, ông đánh giá như thế nào về công tác chấm thi?

- Đánh giá một cách tổng quát, cho đến giờ phút này, các địa phương đã triển khai công tác chấm thi một cách nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm việc chấm thi an toàn, khách quan, chất lượng và tin cậy.

Riêng đối với khâu làm phách, có tỉnh triển khai làm phách 1 vòng, có tỉnh làm 2 vòng. Nhưng quá trình làm phách đều cách ly tuyệt đối. Hầu hết các tỉnh đều cách ly bộ phận làm phách giống như là cách ly bộ phận in sao đề thi, từ yêu cầu về khu vực cách ly đến yêu cầu về bảo mật thông tin.

Trong quá trình làm phách, các địa phương đã làm nghiêm túc việc xác định tình trạng niêm phong của túi đựng bài thi, thể hiện qua biên bản lưu lại trước khi cắt mở túi đựng bài thi. Cụ thể phải xác định tình trạng niêm phong túi bài thi, trên tem niêm phong phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần theo quy định.

Qua thực tế, tất cả các địa phương đều nói rằng, đây là giải pháp kỹ thuật tốt và bảo đảm được tình trạng niêm phong còn nguyên vẹn của túi đựng bài thi trước khi được cắt mở.

Đối với thi trắc nghiệm, các địa phương đều thực hiện quy trình đầy đủ, được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, giống như là đánh phách và in sao đề thi.

Trong bộ phận chấm trắc nghiệm, luôn có mặt một đồng chí PA83 và 2 cán bộ thanh tra (1 cán bộ thanh tra của Sở GD&ĐT và 1 cán bộ thanh tra cắm chốt của trường đại học, cao đẳng). Với sự giám sát như vậy thì quy trình chấm trắc nghiệm sẽ đảm bảo tính khách quan.

Mặt khác, giống như bài thi tự luận, trước khi bóc túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm để quét thì phải xác nhận tình trạng túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh còn nguyên tem niêm phong. Theo các địa phương thì đây là giải pháp kỹ thuật tốt.

Xin cảm ơn ông!

"Tinh thần là các địa phương chấm thi một cách nghiêm túc, đặt chất lượng lên hàng đầu, không vì sức ép về mặt thời gian. Trong trường hợp đối với bài tự luận, địa phương nào có kết quả bất thường thì theo quy chế chúng tôi sẽ có chấm thẩm định để có căn cứ và biện pháp xử lý" - Ông Mai Văn Trinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ