Trong chiến dịch thần tốc này, sự chủ động, linh hoạt của ngành Giáo dục được xem là một điểm sáng.
Thần tốc phản ứng
Thành công của TPHCM trong việc khoanh vùng, truy vết các ca F1, F2 liên quan đến chùm ca bệnh mới (4 bệnh nhân) được các chuyên gia dịch tễ đánh giá là hết sức quan trọng trong việc cắt đứt chuỗi lây nhiễm của chùm ca bệnh trên. Trong đó, phản ứng của các trường học - cho học sinh nghỉ học (từ tiểu học đến đại học) ngay khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) thông báo mối liên hệ của ca bệnh số 1347 (giáo viên tiếng Anh) với các học sinh, thầy cô giáo - được ghi nhận đã đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu nguy cơ lây chéo ra cộng đồng.
Cụ thể, ngày 30/11, ngay sau khi nhận thông tin có ca dương tính lây nhiễm từ người cách ly (ca bệnh số 1347), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan nhằm khoanh vùng và kiểm soát lây nhiễm. Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế TPHCM khẩn trương truy vết các trường hợp F1, F2 của ca bệnh trên; thực hiện biện pháp cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp này. Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TPHCM thông báo khẩn với người dân đã đến những địa điểm mà bệnh nhân có mặt (như nơi dạy học, quán cafe, quán karaoke) cần liên hệ ngay cơ quan y tế gần nhất; phong tỏa tạm thời các địa điểm mà bệnh nhân đã đến và thực hiện biện pháp tiêu độc khử trùng.
Ngay sau khi Bộ Y tế phát đi thông báo khẩn, chiều 30/11 hàng loạt trường học từ tiểu học cho đến đại học tại TPHCM có liên quan ca bệnh 1347 (giáo viên tiếng Anh) ra thông báo khẩn đến sinh viên về việc nghỉ học, cũng như tiến hành lấy hồ sơ lịch sử khai báo y tế tất cả học sinh, sinh viên, thầy cô giáo và tiến hành tiêu độc khử trùng toàn bộ phòng học, trường lớp.
Chỉ trong vòng 3 ngày, những đơn vị, trường học, các nơi công cộng, quán ăn nằm trong lịch sử di chuyển của chùm 4 ca bệnh liên quan trực tiếp ca 1342 đều được phong tỏa, cách ly, tiêu độc khử trùng, lấy mẫu bệnh phẩm các ca F1, F2 (gần 4.800 người) để xét nghiệm. Tính đến chiều 3/12, toàn TPHCM có 204 trường học buộc phải cho học sinh nghỉ học từ 1 - 2 tuần. Số học sinh, sinh viên nghỉ học là hơn 168.000 em. Gần 6.500 giáo viên cũng phải nghỉ dạy vì liên quan đến ca bệnh số 1347 và số 1349.
Là một trong những trường đầu tiên thông báo cho học sinh, sinh viên nghỉ học khi có liên quan ca bệnh 1347, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho biết: Có thông tin ca bệnh 1342 đi học tại trường khi trong thời gian tự cách ly, nhà trường lập tức kích hoạt chế độ phòng chống dịch Covid-19 khẩn cấp. “Tối 1/12, nhà trường thông báo khẩn cho hơn 30.000 sinh viên các bậc, hệ đào tạo của trường tạm thời nghỉ học từ ngày 2/12 - 6/12, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ truy vết trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân 1342. Sáng 3/12, sau khi tiến hành phong tỏa toàn bộ nhà trường, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh cử 7 người sang hỗ trợ nhà trường trong công tác khử khuẩn tất cả phòng học và sảnh tầng 14, thang máy, nhà xe, các khu vực tập trung đông như Ministop... phục vụ công tác phòng chống dịch” - ông Quốc Anh nói.
Mạnh mẽ thông điệp 5K
Không chỉ chủ động, phối hợp truy vết dịch bệnh, các trường học tại TPHCM còn đồng thời kích hoạt hoạt động phòng chống dịch ở mức độ cao, tăng cường thực hiện nguyên tắc 5K.
Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) cho hay: Khi nhận được thông tin từ cơ quan y tế cũng như qua rà soát học sinh liên quan đến các ca nhiễm Covid-19, nhà trường cho học sinh tạm nghỉ học và yêu cầu các em nghiêm túc cách ly tại nhà. Trường tiến hành khử khuẩn toàn bộ, đồng thời ra thông báo cho toàn bộ học sinh thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn mới nhất của ngành GD-ĐT khi HS đi học trở lại: Thực hiện đo thân nhiệt tại cổng trường, rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường, không tập trung đông người, giữ khoảng cách an toàn; chủ động ăn sáng tại nhà và có thể mang theo đồ ăn sáng tới lớp; Mang theo bình nước cá nhân, chai xịt khuẩn cá nhân, khăn giấy khô, khăn giấy ướt, đeo khẩu trang trong khuôn viên của trường; Báo cáo ngay với nhà trường khi thấy tình trạng sức khỏe không tốt, có các dấu hiệu như ho, sốt…
Để phòng tránh dịch Covid-19, cô Nguyễn Thị Lệ Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Văn Tần (Quận 6) cho biết thêm: Nhà trường tiến hành khử khuẩn toàn trường, đón học sinh trở lại trường trong ngày 7/12. Với giáo viên đang cách ly theo quy định, trường bố trí sắp xếp người dạy thay trong thời gian này. Trường cũng làm tốt công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý cho phụ huynh, học sinh tránh gây lo lắng, hoang mang. Nhà trường công khai tin tức trên bảng tin và tuyên truyền mạnh mẽ “thông điệp 5K” để mọi người chủ động phòng chống dịch.
Nhìn nhận tâm thế và sự chủ động ứng phó với đại dịch Covid-19 của người dân TP nói chung và học đường nói riêng đã khác rất nhiều so với 2 lần bùng dịch trước, dẫn tới phải cách ly xã hội hồi đầu năm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhận xét: Chính tâm thế chủ động, chấp nhận sống chung, sẵn sàng ứng phó với dịch khi Covid-19 quay lại đã giúp TP cơ bản kiểm soát tốt tình hình như hiện nay.