Trường đại học tại TPHCM "kích hoạt" phòng chống dịch thế nào?

Tự cách ly để bảo vệ cộng đồng

Ngay sau khi ghi nhận những ca dương tính với Covid-19 tại TP Đà Nẵng, cũng như Chính phủ có lệnh giãn cách xã hội với TP này, hàng loạt trường ĐH- CĐ tại TPHCM đã yêu cầu cán bộ, giảng viên, sinh viên (GV, SV) về từ vùng dịch tự cách ly tại nhà để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho cộng đồng.

Trường ĐH Tài chính - Marketing là đơn vị ra khuyến nghị sớm nhất về vấn đề này. Thông báo do Hiệu trưởng nhà trường - TS Hoàng Đức Long ký yêu cầu tất cả cán bộ viên chức, GV, SV, học viên, nghiên cứu sinh có thời gian đến Đà Nẵng và trở lại TPHCM từ ngày 17/7 đến nay thực hiện tự cách ly tại nhà, không đến trường làm việc, học tập cho đến khi có thông báo mới. Hiệu trưởng Hoàng Đức Long còn đề nghị bộ phận y tế và các bộ phận thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của trường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh từ ngày 27/7.

Tương tự, Trường ĐH Luật TPHCM và ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng có văn bản yêu cầu viên chức, người lao động, SV thực hiện nghiêm việc giám sát thân nhiệt khi vào trường. Viên chức từ Đà Nẵng về TPHCM (ngày 18/7 đến nay) đều phải khai báo với đơn vị để lập danh sách theo dõi sức khỏe, báo cáo với hiệu trưởng có hướng xử lý từng trường hợp cụ thể. Trường ĐH Luật TPHCM còn yêu cầu Phòng Công tác SV và Tổ phản ứng nhanh chuẩn bị sẵn sàng phương án cho SV từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi vào học lại từ ngày 24/8.

Khối trường thuộc ĐHQG TPHCM như Trường ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM… cũng ra thông báo khẩn, yêu cầu toàn thể viên chức, người lao động và người học khai báo y tế và thực hiện theo quy định của đơn vị y tế đối với trường hợp viên chức, người lao động và người học trở về từ Đà Nẵng trong vòng 14 ngày qua (tính từ ngày 27/7). Lãnh đạo các đơn vị trên cũng yêu cầu CB, GV và SV đeo khẩu trang khi làm việc và học tập tại trường. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM còn hủy tất cả chuyến thực địa, thực tế dự kiến tổ chức trong thời gian này.

Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM cho biết: "Hiện chuẩn bị thi nên hầu như không có SV về quê hay đi du lịch. Nhà trường đã thống kê có khoảng 5 - 6 CB-GV đi công tác và du lịch tại Đà Nẵng trong khoảng thời gian qua. Những người này được yêu cầu xét nghiệm Covid-19 theo quy định của UBND TPHCM, tự cách ly và làm việc tại nhà nên không ảnh hưởng đến công việc. Với SV, trong trường hợp có em bị buộc phải cách ly theo quy định, trường sẽ cho hoãn thi và tạo điều kiện cho thi vào kỳ sau.

Trường đại học tại TPHCM "kích hoạt" phòng chống dịch thế nào? ảnh 1
Trường ĐH Luật TPHCM kích hoạt chế độ phòng dịch Covid-19 ba vòng tại trường. 

Chủ động xây dựng các tình huống dự phòng

Song song với việc khuyến cáo, các trường ĐH-CĐ tại TPHCM còn chủ động xây dựng các tình huống dự phòng nhằm tránh gây xáo trộn trong việc dạy và học.

TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết: Qua thống kê số lượng CB-GV-SV có hoạt động công tác, du lịch tại TP Đà Nẵng từ ngày 1/7 - 27/7 là 2 trường hợp. Hiện cả 2 đã xét nghiệm (âm tính với Covid-19) và đang cách ly tại nhà. Bên cạnh yêu cầu CB-GV-SV thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch của Bộ Y tế khi vào trường, nhà trường cũng xây dựng phương án dự phòng thi nếu có SV bị cách ly, phương án phòng chống dịch Covid-19 khi SV trở lại học tập sau nghỉ hè.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, trường đã xây dựng xong phương án cho phép SV có thể hoãn thi, đăng ký thi sau khi hoàn thành thời gian tự cách ly nếu không may vướng Covid-19 hoặc bị cách ly theo yêu cầu. "SV của trường thi học kỳ từ ngày 20/7, vì vậy hiếm có trường hợp SV về quê Đà Nẵng thời gian này. Tuy nhiên, nếu có trường hợp SV về Đà Nẵng và quay lại TPHCM để thi học kỳ, buộc phải tự cách ly có thể thông báo với nhà trường để dời buổi thi vào thời điểm khác.

Trao đổi về các phương án chống dịch, PGS.TS Trần Hoàng Hải - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TPHCM thông tin: Nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị xem xét tạm dừng hoạt động chưa cần thiết để tăng cường công tác phòng chống dịch. Ngoài việc yêu cầu cán bộ, GV khai báo nếu đi công tác hoặc việc riêng đến Đà Nẵng, trường cũng quyết định tạm dừng tổ chức hội thảo cấp trường. 

Nhà trường đã kích hoạt lại hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh Covid-19; tăng cường công tác khử khuẩn, tuyên truyền các biện pháp phòng chống và chuẩn bị các phương án cho SV quay lại trường học tập từ ngày 24/8 sau thời gian nghỉ hè. Nhà trường tiếp tục chủ động, linh hoạt các phương thức giảng dạy như học trực tuyến nếu tình hình dịch bệnh phức tạp. Ban giám hiệu đã yêu cầu các khoa, GV hoàn thiện, bổ sung các bài giảng trực tuyến, E-Learning, tập huấn kỹ năng giảng dạy cũng như tiếp tục trang bị các phương tiện để sẵn sàng ứng dụng giảng dạy trực tuyến trong tình hình mới.

Nhà trường lên 2 phương án cho lễ tốt nghiệp: Vẫn tổ chức lễ tốt nghiệp toàn trường như bình thường nếu dịch bệnh trong tầm kiểm soát. Nếu dịch bệnh phức tạp, trường sẽ khảo sát lấy ý kiến tất cả SV sau đó có phương án tổ chức phù hợp. Chẳng hạn sẽ tổ chức theo từng khoa chứ không tổ chức chung như dự kiến. - PGS.TS Trần Hoàng Hải  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.