Điềm nhiên giải tỏa cơn giận: Uốn nắn bằng sự kiên trì

GD&TĐ - Người lớn chúng ta đôi khi còn rất khó để kiểm soát cảm xúc. Do đó, việc trẻ khi thì ăn vạ, khóc lóc, lúc lại cười to… cũng là lẽ thường tình. Tất cả đều do trẻ chưa biết cách tự điều chỉnh cảm xúc.

Tập thói quen lắng nghe người khác cũng là một cách giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc. Ảnh minh hoạ
Tập thói quen lắng nghe người khác cũng là một cách giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc. Ảnh minh hoạ

Cha mẹ cần để trẻ thấy hậu quả của việc không biết điều tiết cảm xúc. Con cần hiểu rằng, hành vi ấy sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Hậu quả của nóng giận

Tự điều chỉnh cảm xúc là khả năng quản lý cảm xúc và hành vi sao cho phù hợp với yêu cầu của tình huống. Điều đó bao gồm khả năng đối phó với các cảm xúc tiêu cực, làm dịu bản thân khi buồn và điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực ấy mà không cần bộc phát ra ngoài. Đây là một kỹ năng không chỉ người lớn cần rèn luyện, mà ngay khi còn nhỏ, trẻ em cũng cần học để trang bị cho bản thân trong suốt quá trình lớn lên và trưởng thành.

Trong độ tuổi từ 1 - 5, trẻ học hỏi và khám phá thế giới. Nhờ vào sự dìu dắt từ cha mẹ, gia đình, trẻ bắt đầu sở hữu những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Kéo theo đó, các cơn giận của trẻ cũng thường xuyên xảy ra. Nói cách khác, trẻ mẫu giáo tự điều chỉnh tâm lý và thường nổi “cơn tam bành” là một hiện tượng phổ biến. Thời điểm phát triển này của trẻ đôi khi cũng được gọi là giai đoạn “ngoan cố đầu tiên”.

Ở giai đoạn mẫu giáo, sự nổi nóng của trẻ có thể kéo dài thường xuyên, gây rắc rối tại trường học, gia đình, trong giao tiếp với bạn bè và người thân. Giận dữ có thể dẫn tới những thay đổi sinh lý bất lợi như tăng huyết áp, tăng hormone giải phóng năng lượng, như adrenaline… Theo một nghiên cứu công bố trên thời báo Giáo dục thường niên (Anh), 1/7 trong số các trẻ có hành vi hung hăng từ sớm và biểu hiện ngày càng tăng sẽ phải đối diện với nguy cơ như: Sức học kém, dễ mắc bệnh liên quan đến tâm lý, có hành vi bạo lực, xu hướng thất nghiệp khi trưởng thành.

Cha mẹ cần đặt ra những quy tắc trong gia đình để trẻ tuân theo. Ảnh minh hoạ

Cha mẹ cần đặt ra những quy tắc trong gia đình để trẻ tuân theo. Ảnh minh hoạ

Không chỉ trích cơn giận của trẻ

Theo bà Lê Thị Lan Anh - giáo viên kỹ năng sống tại Câu lạc bộ Kỹ năng sống Cara, kiềm chế cảm xúc là một kỹ năng sống vô cùng quan trọng đối với trẻ từ 2 - 12 tuổi. Đây cũng là kỹ năng cần thiết đối với phương pháp dạy con của các phụ huynh. Nhờ những kỹ năng sống cần thiết, trẻ có thể trau dồi được các cách ứng xử và hòa nhập với thế giới muôn màu.

“Hiện nay, nhiều đứa trẻ hay phản ứng theo cảm tính cá nhân. Con dễ nổi cáu và không biết kiềm chế cảm xúc. Môi trường gia đình có thể giúp con rất nhiều trong việc điều tiết cảm xúc”, bà Lan Anh chia sẻ. Theo giáo viên này, trước hết, cha mẹ cần ghi nhận cảm xúc. Cụ thể, khi một đứa trẻ không thể nói được cảm xúc của mình lúc tức giận, buồn, con thường ném đồ vật xuống sàn và hét lên. Khi đó, cha mẹ phải dạy con nhận diện được cảm xúc và hành vi phù hợp để biểu hiện tâm trạng.

Ngoài ra, cha mẹ nên bắt đầu bằng cách dạy trẻ ghi lại những cảm xúc của mình như vui buồn, giận dữ, sợ hãi. Sau đó, hãy nói về sự khác nhau giữa cảm xúc và hành vi. Khi chắc chắn rằng trẻ đã hiểu được ý nghĩa những hành động của mình, cha mẹ cần động viên trẻ nên biết kiềm chế, hoặc bộc lộ tâm trạng phù hợp với hoàn cảnh.

Bên cạnh đó, việc trang bị cho trẻ kỹ năng lắng nghe cũng được coi là vô cùng cần thiết. Lắng nghe một cách cẩn thận giúp thể hiện sự tôn trọng với người khác, cũng như có thể giải quyết vấn đề, kiềm chế cảm xúc dễ dàng hơn. Cha mẹ cần phân biệt cho trẻ thấy sự khác biệt giữa nghe và lắng nghe. Đồng thời, dạy trẻ rằng, luôn có suy nghĩ câu chuyện mà người khác đang chia sẻ quan trọng với mình. Nếu để lọt một chi tiết nào trong câu chuyện, con sẽ cảm thấy hối tiếc. Như vậy, trẻ sẽ tập cho mình thói quen lắng nghe câu chuyện một cách cẩn thận hơn. Việc lắng nghe giúp con xử lý tình huống tốt hơn và không dễ dàng cáu gắt khi giao tiếp.

Cũng theo bà Lan Anh, phụ huynh cần dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề. Cụ thể, cha mẹ cần dạy trẻ nhiều cách để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là đánh giá đúng tiềm năng của trẻ, đưa ra giải pháp phù hợp trước khi bắt đầu hành động. Ví dụ, khi trẻ đang cố gắng sửa đồ chơi hay làm bài tập nhưng mãi không xong, con sẽ dần có xu hướng cáu gắt và bỏ cuộc. Khi đó, cha mẹ nên khuyến khích trẻ động não, đưa ra nhiều giải pháp xem cái nào là khả thi nhất. Đồng thời, trẻ cần hiểu rằng, luôn phải suy nghĩ trước khi hành động.

Bà Lan Anh cho biết, cha mẹ cũng cần để trẻ thấy hậu quả của việc không biết điều tiết cảm xúc. Con cần hiểu rằng, việc không kiềm chế cảm xúc sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh. Tuy nhiên, cha mẹ không nên chỉ trích về những cơn giận của con. Bởi, đó là những cảm xúc tự nhiên của tất cả mọi người. Thay vào đó, cha mẹ nên dạy con những điều nên làm khi cảm thấy tức giận. Nhờ đó, giúp trẻ có những cách ứng xử tích cực, sáng suốt. Phụ huynh cũng cần phân tích cho con hiểu rằng, cảm giác tức giận là do những cảm xúc tiêu cực gây nên, ví dụ như: Sợ hãi, ghen tị, thất vọng… Nhờ đó, giúp con có một tâm lý tốt nhất. Khi đó, trẻ sẽ dần kiểm soát hành vi tốt hơn nếu có những cảm xúc tiêu cực.

“Những tính cách của con không phải tự nhiên mà hình thành. Trẻ học những điều đầu tiên về cuộc sống là từ bố mẹ - những người thân thiết nhất. Muốn con kiềm chế cảm xúc tốt, đầu tiên, bố mẹ cũng phải thật bình tĩnh và tiết chế ở mọi nơi”, bà Lan Anh khuyến cáo. Bởi, theo giáo viên này, nếu cha mẹ nổi nóng, trẻ sẽ nghĩ đó là hành vi đúng đắn khi không hài lòng. Từ đó, trẻ sẽ làm theo. Trái lại, khi cha mẹ bình tĩnh và giải quyết tình huống theo cách tích cực, trẻ sẽ quan sát và học theo.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác là đặt ra quy tắc trong gia đình. Cha mẹ được khuyến khích nên sử dụng một số quyền lực trong việc nuôi dạy con, tạo ra các quy tắc. Đồng thời, giải thích rõ lý do đằng sau các quy định đó. Bà Lan Anh nêu ví dụ, trẻ cần đi nhẹ nói khẽ trong nhà như ở thư viện, không được đánh nhau, không tranh giành, tự tiện lục đồ người khác. Phụ huynh nên đưa ra các hậu quả và hình phạt nếu ai không tuân thủ nguyên tắc.

Giáo viên này cho rằng, cha mẹ cũng cần khuyến khích trẻ chơi nhiều thể thao. Hạn chế cho trẻ sử dụng điện thoại, tìm kiếm những trò chơi bên ngoài và kết bạn. Các trò chơi như chạy nhảy, ném bóng, nhảy lò cò sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, giúp đầu óc trẻ tỉnh táo hơn.

Muốn trẻ kiềm chế cảm xúc tốt, cha mẹ cũng phải bình tĩnh và tiết chế ở mọi nơi. Ảnh minh hoạ

Muốn trẻ kiềm chế cảm xúc tốt, cha mẹ cũng phải bình tĩnh và tiết chế ở mọi nơi. Ảnh minh hoạ

Kiên trì và bền bỉ

Trong khi đó, theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, sẽ có những lúc phụ huynh cảm thấy bất lực bởi trẻ ngang bướng, lì lợm. Thậm chí, nếu cha mẹ càng la hét, quát, trẻ càng chống đối, bất cần. Vì vậy, trong trường hợp trẻ mắc lỗi, cha mẹ nên nói: “Cứ bình tĩnh con ạ, mẹ nghĩ con không muốn vậy đúng không? Chúng ta thử xem vấn đề ở đâu nào? Vấn đề đã rõ con ạ. Lần sau chúng ta sẽ thay đổi cách này để không mắc sai lầm nữa nhé”.

“Hãy kiên trì và cực kỳ bền bỉ như vậy với bất kỳ lỗi nào con gây ra. Nếu thấy tức giận vì phải làm như thế hết lần này đến lần khác, hãy nuốt cái tôi vào trong. Tôi tin rằng, khi con không có cơ hội để phòng thủ hay phản kháng, tư duy và cảm xúc của trẻ sẽ bình yên để có cơ hội ngấm, thẩm thấu và hiểu, nhận thức nên, không nên, đúng, sai, tốt hơn”, bà Phạm Hiền chia sẻ.

Bên cạnh đó, trong trường hợp trẻ la hét, cãi ngang, xấc xược… cha mẹ hãy coi như không nghe, không nhìn thấy. Theo bà Phạm Hiền, phụ huynh hãy áp dụng “4 không”. Đó là không nhìn, không nghe, không nói, không hành động. Sau đó, cha mẹ hãy đi ra chỗ khác để kiểm soát cảm xúc, bằng cách nhắm mắt lại, hít vào thật sâu, thở ra thật khoan khoái, hoặc uống nước lạnh hay cất tiếng hát.

Khi đó, trẻ có thể sẽ dừng ngay sự tiêu cực. Bởi, trẻ đã tạo ra “khói”, nhưng cha mẹ không cho phép “ngọn lửa” có cơ hội bùng lên bởi sự kiểm soát điềm nhiên của phụ huynh. Nếu trẻ chống đối và bất hợp tác với việc gì đó mà cha mẹ muốn chúng làm, phụ huynh không nên giải thích hoặc thúc ép. Thay vào đó, phụ huynh hãy nói rằng: “Được rồi, con sẽ xem xét lại sự có lợi cho con. Khi nào con bình tĩnh, chúng ta sẽ nói chuyện. Bởi vì điều đó là cho con, không phải cho bố mẹ”. Theo chuyên gia này, khi không có sự giáo điều và bắt ép, sẽ không có sự giằng co đúng sai giữa bố mẹ và con. Từ đó, không thể tạo ra sự cố tình phản kháng của trẻ.

Trong trường hợp trẻ không có trách nhiệm, lười biếng, khiến cha mẹ “gào thét” hằng ngày, phụ huynh cũng hãy không nói nhiều, thúc giục hay giáo điều. Thay vào đó, hãy mặc kệ nhưng bắt buộc đến cùng con phải hoàn thành nhiệm vụ trong ngày trước khi đi ngủ.

“Quyết liệt đến cùng, chỉ cần con phải hoàn thành nhiệm vụ mà không cần quan tâm thái độ của con. Dần dần, trẻ sẽ quen với việc kiểu gì mình cũng phải làm, nên tức giận chỉ mệt mình mà thôi. Tốt nhất làm đi cho xong vì bố mẹ còn lâu mới làm hộ”, bà Phạm Hiền cho biết. Theo chuyên gia này, cha mẹ phải bắt bản thân luôn điềm nhiên mọi lúc, mọi nơi, trước mọi vấn đề mà con gây ra. Sau đó, hãy nhẹ nhàng hỏi con cảm xúc, suy nghĩ. Từ đó, cùng trẻ tìm tiếng nói chung. Như vậy, trẻ sẽ luôn được trải nghiệm trong tâm lý nhẹ nhàng để hấp thụ cảm xúc và thái độ tích cực hơn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ