Cách giúp trẻ không 'ngại' sử dụng phương tiện giao thông công cộng

GD&TĐ - Dạy bảo, hướng dẫn trẻ sử dụng phương tiện giao thông công cộng được cho là “chìa khóa” giải quyết cái khó của cha mẹ khi không thể đưa đón con vì quá bận rộn hoặc không tiện đường. Nhưng dạy như thế nào để trẻ có thể tiếp thu và làm theo lại là câu chuyện không đơn giản.

Trẻ cần biết cách ứng xử khi sử dụng phương tiện công cộng. Ảnh minh họa
Trẻ cần biết cách ứng xử khi sử dụng phương tiện công cộng. Ảnh minh họa

Khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách tự bảo vệ bản thân, cũng như quy tắc ứng xử.

“Văn hóa giao thông”

Theo Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/4 năm nay, toàn quốc xảy ra 3.808 vụ tai nạn giao thông, khiến 2.276 người thiệt mạng, 2.431 trường hợp bị thương. So với 4 tháng đầu năm ngoái, số vụ tai nạn giao thông giảm 694 ca, tăng 7 người người chết, giảm 801 người bị thương.

Không ít ý kiến cho rằng, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam cao hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới là ý thức người dân chưa cao, trong đó bao gồm cả trẻ em.

Trong khi đó, từ lâu, việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhất, nhằm giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông, cần có sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, đặc biệt trước hết là người tham gia giao thông. Không ít phụ huynh đặt ra câu hỏi: Nên làm thế nào để trẻ có suy nghĩ và hành động nhằm góp phần giảm tai nạn giao thông, cũng như trở thành người có văn hóa?

“Văn hóa giao thông” là một biểu hiện cụ thể của khái niệm văn hóa nói chung. Nhìn chung, văn hóa khi tham gia giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật; Đồng thời, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông.

Hiện nay, phần lớn trẻ em được cha mẹ đưa tới trường bằng xe cá nhân. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không cung cấp cho trẻ kiến thức cần thiết khi tham gia giao thông. Vì vậy, các em còn thiếu kiến thức, kỹ năng dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Trong khi đó, phương tiện công cộng (xe buýt, taxi, tàu...) ngày càng trở nên phổ biến. Đôi khi, không ít phụ huynh bận rộn và không thể bảo đảm việc đưa đón trẻ tới trường. Việc để trẻ sử dụng phương tiện giao thông công cộng được cho là “chìa khóa” giải quyết vấn đề. Sử dụng phương tiện công cộng cũng có thể giúp trẻ tự lập hơn.

Trẻ em trên nhiều quốc gia thường sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Trẻ em trên nhiều quốc gia thường sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Phương tiện được khuyến khích

Các quốc gia đều khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Điều này giúp giảm tình trạng ách tắc giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm. Để trẻ có những ứng xử đúng và biết bảo vệ bản thân khi sử dụng các phương tiện này một cách an toàn vẫn là vấn đề được nhiều cha mẹ quan tâm.

Các chuyên gia cho rằng, phụ huynh cần dạy trẻ những cách giữ an toàn cơ bản nhất. Trước hết, nên nhắc trẻ giữ khoảng cách với người khác và chỉ nhờ giúp đỡ khi cần thiết. Khi lên xe buýt, bé cũng cần ngồi ở tư thế nghiêm túc và không nô đùa, cũng như không thò tay và đầu ra cửa sổ. Ngoài ra, trẻ cũng không nên tùy tiện trả lời người lạ, hoặc tiết lộ những thông tin cá nhân như: Tên tuổi, địa chỉ nhà...

Mặc dù bận rộn với công việc, nhiều phụ huynh vẫn ngần ngại khi cho trẻ sử dụng xe buýt đến trường. Anh Nguyễn Hoài Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, anh có hai con nhỏ hiện học lớp 6 và 8. Sáng nào, vợ chồng anh cũng sắp xếp thời gian để thay nhau đưa con đến trường bằng xe máy. Việc đưa đón con ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, khiến vợ chồng anh luôn “quay cuồng”. Tuy nhiên, anh Linh vẫn chưa sẵn sàng để hai con tự đi xe buýt tới trường.

“Từ nhà tôi đến trường của hai con có các tuyến xe buýt rất thuận tiện. Tuy nhiên, vợ chồng tôi chưa dám cho con sử dụng xe buýt vì không yên tâm. Nếu nước mình có bổ sung các tiêu chuẩn xe buýt dành cho trẻ em, như bậc lên xuống, chỗ ngồi, rồi cả nhân viên kiểm đếm, lưu ý riêng với các cháu nữa, thì tôi sẽ cân nhắc”, anh Linh bày tỏ.

Tiến sĩ Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia từng cho rằng, việc trẻ em sớm làm quen với giao thông công cộng, đặc biệt xe buýt, là hết sức quan trọng. Để tránh những nguy cơ có thể xảy ra khi chưa được trang bị tốt Luật Giao thông, hay được phụ huynh chở trên xe cá nhân di chuyển trên những con đường đông đúc, việc sử dụng xe buýt rõ ràng an toàn hơn rất nhiều.

Theo Tiến sĩ Minh, sử dụng xe buýt mang lại nhiều lợi ích cho trẻ cũng như giảm thời gian đi lại của phụ huynh. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất lao động và giảm ùn tắc giao thông.

Việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng mang lại nhiều lợi ích cho trẻ.

Việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng mang lại nhiều lợi ích cho trẻ.

Giáo dục ý thức

Ở hầu hết các quốc gia, sự phát triển của ô tô, xe máy luôn kéo theo hệ quả là số vụ tai nạn giao thông gia tăng. Song, điều này lại không xảy ra ở Nhật Bản. Một trong những yếu tố được Chính phủ Nhật Bản quan tâm hàng đầu là giáo dục ý thức bảo đảm an toàn giao thông cho người dân, đặc biệt là trẻ em.

Trẻ em Nhật Bản được phổ cập kiến thức an toàn giao thông ngay từ bậc tiểu học, với nội dung linh hoạt, tùy theo tình hình thực tế tại địa phương. Chẳng hạn như ở Kyoto, nơi học sinh tiểu học chủ yếu di chuyển bằng xe đạp, các em sẽ phải hoàn thành một khóa học về an toàn giao thông để được cấp bằng lái xe đạp. Còn ở Tokyo, các em học sinh cấp 1, cấp 2 được bố mẹ cho tự đi học bằng tàu điện ngầm, xe buýt. Do đó, việc giáo dục an toàn giao thông khi sử dụng các phương tiện công cộng được coi là vô cùng cần thiết.

Chị Trịnh Mai Chi - giáo viên Trường Mầm non Bông Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Ngay từ nhỏ, trẻ cần được học về các kỹ năng khi tham gia giao thông, bao gồm phương tiện công cộng. Đặc biệt, việc để trẻ tham gia phương tiện giao thông công cộng mang lại nhiều lợi ích. Trẻ có thể phát triển nhiều kỹ năng, tăng sự tự tin, tự lập”.

Một sai lầm mà không ít phụ huynh thường mắc là giục trẻ: “Lên xe nhanh nào con”; “Nhanh chân lên không hết chỗ...”. Song, theo cô giáo Mai Chi, cha mẹ cần dạy trẻ không chen lấn, xô đẩy khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

“Khi đi trên những phương tiện công cộng, chắc chắn, trẻ sẽ không tránh khỏi nhiều lúc có đông hành khách. Tuy nhiên, cha mẹ nên dạy trẻ kiên nhẫn, không nên chen lấn xô đẩy. Bởi, hàng động đó thể hiện sự bất lịch sự và có thể khiến người khác bị thương hoặc khó chịu”, chị Mai Chi chia sẻ.

Nói về những lưu ý để bảo đảm an toàn khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cô giáo Mai Chi cho biết, trẻ không nên ngủ khi đi một mình. Khi ngồi xe buýt hoặc tàu, nhiều trẻ có thói quen ngủ trong thời gian chưa đến điểm dừng. Tuy nhiên, rất có thể trẻ sẽ ngủ quên trên xe. Từ đó, dẫn đến việc trẻ đi quá điểm đến hoặc bị kẻ xấu lợi dụng. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần khuyến khích trẻ hạn chế nói chuyện với người lạ. Thực tế, rất có thể, kẻ gian sẽ tiếp cận trẻ để chiếm đoạt tài sản hoặc có hành vi xấu. Đó là lý do bé cần hạn chế nói chuyện với người lạ khi tham gia phương tiện giao thông công cộng.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần nhắc trẻ tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cụ thể cho người lạ. Để bảo vệ sức khoẻ, bé cũng cần đeo khẩu trang khi ngồi trên phương tiện giao thông công cộng. Bởi, đây là nơi đông người, môi trường lý tưởng để vi khuẩn, virus lây lan. Việc đeo khẩu trang bảo vệ trẻ, cũng như tránh được việc lây lan vi khuẩn cho mọi người nếu bé bị cúm hoặc bệnh hô hấp khác.

“Cha mẹ cũng nên dạy con cách bảo vệ tài sản cá nhân. Khi tham gia phương tiện giao thông, con có thể gặp kẻ trộm, móc túi. Do đó, các tài sản như ví tiền, điện thoại... cần được bảo quản cẩn thận. Không để đồ ở túi áo hoặc túi quần. Trước khi xuống xe, trẻ cần quan sát xem có để quên đồ hay không. Tai nạn khi tham gia giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, trẻ cần chú ý tham gia giao thông an toàn như: Không lên và xuống khi phương tiện chưa dừng hẳn; Quan sát bên ngoài trước khi mở cửa xe taxi; Đội mũ bảo hiểm khi đi xe ôm; Không đứng ở vị trí khuất so với tầm mắt của tài xế”, cô giáo Mai Chi khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.