Giúp trẻ từng bước tự ra quyết định

GD&TĐ - Việc suy nghĩ kỹ về các lựa chọn, từ ăn gì cho bữa tối đến đi nghỉ ở đâu, có thể giúp trẻ biết cách đưa ra quyết định. Trẻ sẽ biết lựa chọn thay thế là gì, cũng như đâu là ưu và nhược điểm của từng lựa chọn.

Học cách tự quyết định giúp trẻ tự tin và quyết đoán hơn.
Học cách tự quyết định giúp trẻ tự tin và quyết đoán hơn.

Từ một đứa trẻ mới biết đi chọn đồ chơi cho đến thiếu niên chọn trường đại học, trẻ em mọi lứa tuổi đều phải ra quyết định. Mặc dù, một số quyết định có vẻ dễ dàng đối với người lớn, nhưng với trẻ, việc có những kỹ năng nhất định là vô cùng cần thiết.

Khi trẻ lớn hơn, các quyết định cũng trở nên quan trọng và phức tạp. Đó là lý do tại sao cha mẹ nên giúp trẻ xây dựng kỹ năng ra quyết định ngay từ khi còn nhỏ. Kỹ năng này sẽ được xây dựng bằng việc cho trẻ thực hành nhiều cách phù hợp với sự phát triển.

Bắt đầu sớm

Theo các chuyên gia, cha mẹ có thể dạy trẻ về ra quyết định ngay cả khi mới biết đi. Bà Grace Berman - một nhân viên xã hội lâm sàng tại Mỹ - cho biết: “Hãy bắt đầu dạy con ra quyết định, bằng cách cho chúng hai lựa chọn. Hãy cho con cả hai lựa chọn mà cha mẹ đều chấp nhận được. Ví dụ, hãy để trẻ quyết định xem sẽ đi giày đỏ hay xanh. Hoặc, cung cấp cho trẻ hai lựa chọn để gọi món trong thực đơn nhà hàng”.

Điều này không có nghĩa là trẻ em được tự do kiểm soát và đưa ra mọi quyết định. Tiếp tục đặt ranh giới, nhưng hãy cung cấp cho trẻ các tùy chọn và sự linh hoạt. Ví dụ, trẻ có thể chọn loại trái cây chúng thích cho bữa ăn nhẹ. Tuy nhiên, trẻ không thể quyết định sẽ ăn kẹo cả ngày.

“Khi trẻ lớn hơn, hãy vạch ra những lựa chọn hằng ngày mà phụ huynh muốn con mình chịu trách nhiệm. Lập danh sách và làm việc với trẻ để chuyển trách nhiệm từ cha mẹ sang con. Càng có thể đưa ra nhiều quyết định, trẻ sẽ càng phải luyện tập nhiều hơn”, bà Berman chia sẻ.

Trẻ có thể tự quyết định những điều nhỏ.

Trẻ có thể tự quyết định những điều nhỏ.

Lập mô hình quá trình ra quyết định

Đến khi trưởng thành, chúng ta đã quá quen với việc đưa ra quyết định đến mức có thể không nghĩ về quá trình mình phải trải qua. Tuy nhiên, việc suy nghĩ kỹ về các lựa chọn, từ ăn gì cho bữa tối đến đi nghỉ ở đâu, có thể giúp trẻ biết cách đưa ra quyết định. Trẻ sẽ biết lựa chọn thay thế là gì? Ưu và nhược điểm của từng lựa chọn là gì?

Bước tiếp theo là cho trẻ tham gia vào một cuộc đối thoại về các quyết định ảnh hưởng đến chúng. Ví dụ, trẻ cần quyết định nên tham dự bữa tiệc sinh nhật của một người bạn cùng lớp hay đến nhà một người bạn khác. Cha mẹ hãy hỏi con lý do trẻ đưa ra quyết định. Phụ huynh cũng có thể giúp trẻ suy nghĩ kỹ về việc quyết định có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

Tiến sĩ Rachel Busman - nhà tâm lý học lâm sàng tại Mỹ - cho biết: “Điều thực sự quan trọng là đưa trẻ em vào những cuộc trò chuyện đó. Bởi, cha mẹ đang mô hình hóa rất nhiều kỹ năng thực sự tuyệt vời. Phụ huynh cũng sẽ truyền đạt rằng, suy nghĩ và ý kiến của trẻ là quan trọng. Đồng thời, cần có nhiều điều để ra quyết định”.

Khi lập mô hình ra quyết định, cha mẹ hãy tập trung vào các câu hỏi có thể giúp trẻ nhận được thông tin chúng cần. Một số câu hỏi có thể bao gồm: Cần ra quyết định thế nào? Lựa chọn là gì, trong đó có cả những lựa chọn ít được ưu tiên hơn? Ưu và nhược điểm của mỗi lựa chọn là gì? Quy tắc nào cần được xem xét khi ra quyết định?...

“Nếu đứa trẻ băn khoăn về việc mặc gì vào mỗi buổi sáng, điều đó có thể là do lo lắng. Nếu đúng như vậy, thì việc không đưa ra quyết định sẽ thực sự hữu ích. Bởi, trẻ sẽ cần thực hành xây dựng kỹ năng đó. Hãy cho trẻ hai lựa chọn và kiên nhẫn để chúng có thời gian thực sự quyết định. Sau đó, khen ngợi khi trẻ đưa ra quyết định, đặc biệt là nếu con làm điều đó một cách nhanh chóng”, Tiến sĩ Busman giải thích.

Ngoài ra, cha mẹ cũng được khuyến khích giúp trẻ hiểu rằng, một số quyết định quan trọng hơn những quyết định khác. Trẻ cũng nên biết rằng, đôi khi, điều quan trọng là tập đưa ra quyết định nhanh. Ví dụ, sẽ không thành vấn đề nếu trẻ chọn gà hay mì cho bữa trưa hôm nay. Điều quan trọng hơn là trẻ quyết định nhanh để không chậm trễ trong hoạt động tiếp theo.

Thời điểm cha mẹ “lùi về sau”

Một khi cảm thấy tin tưởng về khả năng quyết định của trẻ, cha mẹ có thể để con tự lựa chọn. Các quyết định nhỏ, như chọn loại kem để tráng miệng, là một cách tuyệt vời để bắt đầu. Phụ huynh cũng đừng ngại để trẻ đưa ra một số quyết định lớn hơn, khi con đã chứng minh được khả năng.

Ví dụ: Cho phép trẻ tự chọn quần áo, miễn là phù hợp với thời tiết. Hãy để trẻ chọn những cuốn sách con muốn đọc. Hoặc, để trẻ quyết định cách con muốn tổ chức sinh nhật.

Điều quan trọng là cha mẹ phải truyền niềm tin vào khả năng ngày càng phát triển của trẻ. Khi làm vậy, trẻ sẽ được thực hành việc ra quyết định, cũng như hình thành tính cách. Việc trở thành người ra quyết định giỏi cho phép trẻ phát triển những phẩm chất như: Tin tưởng vào ý kiến cá nhân; Tự tin; Quyết đoán; Chu đáo; Tư duy phân tích; Đồng cảm.

Tiến sĩ Busman cho biết: “Nếu cha mẹ cho trẻ những cơ hội để tự quyết định, chúng sẽ biết phải làm gì trong các cơ hội lớn hơn. Khi trẻ được đưa ra quyết định nhỏ, cha mẹ hãy hỏi xem con có thực sự cần giúp đỡ không. Đồng thời, hãy khuyến khích trẻ tự quyết định. Sau đó, cha mẹ và trẻ có thể trò chuyện về vấn đề đó”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý này, đối với những quyết định lớn hơn, phụ huynh hãy nói rằng: “Cha mẹ rất vui vì con đã học cách ra quyết định. Điều này thực sự có vẻ như là một quyết định khá quan trọng. Đây là khi con có thể thảo luận với cha mẹ về vấn đề đó”.

Theo Childmind

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.