(GD&TĐ) - Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) là một trường thực hành của ĐHSP Hà Nội, đã có nhiều năm nổi tiếng là chất lượng cao mà không bị áp lực như trường chuyên. Chất lượng ấy được tạo nên bởi tất cả các hoạt động giáo dục được tiến hành trong nhà trường bấy lâu nay. Chính vì vậy, bước vào phong trào Xây dựng THTT-HSTC, nhà trường đã có được xuất phát điểm tương đối cao, đủ tự tin để tập trung đi sâu vào những điểm nhấn của sự thân thiện và tích cực. Đây cũng chính là đề tài Sáng tạo giáo dục của nhà trường tham gia trong khuôn khổ Dự án phát triển GDTHCS 2 của Bộ GD-ĐT. Mỗi điểm nhấn là một sáng tạo giáo dục do một nhóm GV của nhà trường thực hiện thông qua các hoạt động giáo dục của mình.
1-Tích hợp để dạy và học tích cực
Từ lý thuyết “Văn-nhạc-hoạ bất khả phân”, cô giáo Nguyễn Thị Tường Lan đã tích hợp kiến thức âm nhạc và mỹ thuật để giúp học sinh tìm hiểu, cảm thụ, phân tích tác phẩm văn học trong việc học ngữ văn. Cô quan niệm: dạy ngữ văn là dạy học sinh nhận thức các vấn đề của cuộc sống thông qua việc cảm thụ các yếu tố nghệ thuật được tác giả sử dụng để biểu đạt trong tác phẩm. Các yếu tố nghệ thuật bao gồm từ ngữ, hình ảnh, các biện pháp tu từ và nó được hiểu nghĩa khi người ta cất giọng lên, ngâm nga, hát lên thành những giai điệu tha thiết, đắm say…; và các yếu tố màu sắc, đường nét, bố cục như một bức tranh. Từ ngữ đã cất lên nhạc, vẽ lên hình. Dạy văn là một quá trình “ăn từ”, nghĩa là nó phải rất chậm rãi để thưởng thức, để tìm thấy lõi và bóng của chữ.
Với cách nhưu vậy, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu tác phẩm thông qua việc soạn văn, hoặc theo cách truyền thống, hoặc biểu đạt cảm nhận của mình qua một bức tranh tự vẽ, hoặc thông qua một bản nhạc do mình tự chọn để làm nền cho việc đọc diễn cảm tác phẩm văn học. Sau đó là hướng dẫn các em đọc hiểu trên lớp bằng việc phát hiện các yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm, phân tích các yếu tố nghệ thuật đó (âm nhạc, mỹ thuật). Quan trọng là khơi gợi sự hình dung và liên tưởng thông qua những yếu tố ngôn từ đã được tu từ bằng yếu tố nghệ thuật. Cuối cùng là luyện tập cũng thông qua hai hình thức nhạc và hoạ đó (một bức tranh hoàn chỉnh có nhạc nền).
Cô giáo Tường Lan nói: việc cảm thụ văn chương một cách sâu sắc, lai láng như vậy sẽ có tác dụng bồi dưỡng tâm hồn cho các em rất nhiều, làm cơ sở cho những tư duy nhân văn trong quá trình các em lớn lên và hình thành nhân cách. Cách dạy tích hợp này cũng phát huy kỹ năng hình dung và tưởng tượng là hai kỹ năng rất quan trọng thể hiện chỉ số IQ và mức độ văn minh của con người. Và cuối cùng, học văn như thế thì các em rất hào hứng – tâm lý cần thiết để học tốt.
2-Mô hình lớp học thân thiện
Cô giáo Lê Thị Thu đại diện nhóm xây dựng mô hình nói: Muốn xây dựng được THTT thì phải có các lớp học thân thiện (LHTT). LHTT như một tế bào tạo nên một cơ thể sống khoẻ mạnh. LHTT là một môi trường ấm cúng, yêu thương, an toàn, nơi sẽ diễn ra những hoạt động của GV và HS để lớp học thực sự trở thành mái nhà thứ hai của các em, là môi trường lý tưởng để mỗi cá nhân HS được trang bị kiến thức, kỹ năng và có những cơ hội để thể hiện bản thân.
LHTT có 5 tiêu chí: 1-An toàn, thân thiện với môi trường; 2-Giờ học thân thiện với tâm lý thoải mái, say sưa, với phương pháp đổi mới tích cực chủ động và sáng tạo; 3-Lớp học đoàn kết, thân ái; 4-HS được trang bị các kỹ năng sống; 5-Mối liên hệ chặt chẽ, hiệu quả giữa GV với cha mẹ HS.
Sau một thời gian thực hiện thí điểm tại 3 lớp, nhóm đã nhận được sự ủng hộ của GV chủ nhiệm, cha mẹ HS và các em HS nên các lớp đã hình thành một cảnh quan sư phạm thân thiện, các em có ý thức bảo vệ môi trường và có nền nếp tự quản; tập thể lớp đoàn kết thân ái, tỉ lệ tín nhiệm của HS với GV rất cao; kết quả học tập tốt hơn. HS được trang bị các kỹ năng sống một cách hệ thống, bài bản tại trường và Trung tâm IOGT ở Sóc Sơn. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các GV với nhau, giữa GV với cha mẹ HS và giữa GV với HS đã làm cho quá trình thí điểm thực hiện mô hình LHTT thành công. Mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng.
3-Kết hợp chăm sóc di tích lịch sử với học giáo lý
Trường Nguyễn Tất Thành ở gần ditích lịch sử văn hoá chùa Thánh Chúa nên các em HS của trường thường xuyên đến chăm sóc di tích, vệ sinh môi trường cảnh quan nhà chùa, đồng thời nhà trường cũng tổ chức cho các em nghe sư thầy thuyết pháp, giảng giáo lý nhà Phật. Các giá trị tích cực của đạo đức nhà Phật đã tác động vào tâm hồn các em theo một lẽ tự nhiên để rồi giúp các em trong quá trình hoàn thiện và phát triển nhân cách. Mục đích giáo dục của nhà Phật có nhiều điểm tương đồng với mục đích GD đạo đức trong nhà trường là tạo ra nhân cách con người tốt đẹp, mưu cầu sự sống cho bản thân và cho xã hội ngày càng tốt hơn.
Với các HS THCS đang ở lứa tuổi có những biến động tâm sinh lý phức tạp, tác động khá mạnh vào sự định hình nhân cách. Nếu không có những hiểu biết đúng đắn và có cách giáo dục phù hợp sẽ dẫn đến những sự chệch hướng trong phát triển nhân cách của trẻ. Cách giáo huấn của nhà Phật phần nào giúp các em mềm tính hơn, tu tâm dưỡng tính tốt hơn, bên cạnh việc tiếp nhận tri thức. Rất nhiều biểu hiện của các em minh chứng cho những kết quả tốt đẹp này.
Di tích lịch sử chùa Thánh Chúa và Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội) đã trở thành môi trường học tập ngoài giờ lên lớp của HS nhà trường, có nhiều hiệu quả.
4-Xây dựng và phát triển phòng tâm lý học đường
Phòng tâm lý học đường được nhà trường thành lập năm 2006, ban đầu có tên là “Tâm sự tuổi hồng”. Trong hơn 3 năm hoạt động, mô hình này đã trở thành người bạn thân thiết của HS, GV và nhiều phụ huynh trong trường. Thực tế cho thấy, nhu cầu được trợ giúp tâm lý của HS rất lớn. Các chuyên viên tâm lý đã giúp các em giải toả những lo lắng, bất an để có đời sống tinh thần lành mạnh, tạo điều kiện cho các em học tập, xây dựng những mối quan hệ tốt. Có thể nói, tham vấn học đường đã thực sự đóng góp vào việc giáo dục nhân cách toàn diện cho HS.
Từ năm học 2009-2010, phòng tham vấn tâm lý chính thức thành một phòng ban của nhà trường với tên gọi “Phòng tâm lý học đường” (TLHĐ). Ngoài chức năng đáp ứng nhu cầu tham vấn cho HS về các lĩnh vực như định hướng giá trị cuộc sống, hình thành và phát triển kỹ năng sống, trợ giúp giải quýet khó khăn vướng mắc trong học tập, hướng nghiệp, quan hệ với cha mẹ, bạn bè và thầy cô giáo; tư vấn cho GV và phụ huynh trong quá trình GD các em, Phòng TLHĐ còn đề ra mục tiêu là trở thành cơ sở đào tạo, thực hành và nghiên cứu khoa học GD cho những hoạt động liên quan đến tâm lý học truờng học. Phòng TLHĐ nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ khoa Tâm lý GD trường ĐHSP Hà Nội; nhân được sự hỗ trợ, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường để phục vụ tốt hơn cho lợi ích các em HS.
Phòng TLHĐ đã kết hợp với các GV chủ nhiệm tổ chức 8 buổi làm việc tại lớp với những nội dung chủ yếu: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, giá trị sống trung thực, chủ đề tình yêu, kỹ năng học tập, cung cấp thông tin ngành nghề cho HS. GV chủ nhiệm và HS đều đánh giá cao những buổi làm việc này.
5-Tổ chức CLB cha mẹ học sinh
Thực tế cho thấy hiện nay, vai trò của cha mẹ đối với việc học hành của con cái là rất to lớn nhưng họ chưa thấy hết được vai trò đó và chưa thể hiện đúng trách nhiệm của mình. Cô giáo Nguyễn Thị Tường Lan - Chủ nhiệm CLB này cho biết: Rất ít cha mẹ dành thời gian để trò chuyện cùng con cái một cách nghiêm túc, hoặc đọc SGK của con để biết con mình học những gì. CLB cha mẹ HS của nhà trường từ khi thành lập đến nay đã tổ chức được nhiều buổi sinh hoạt với nhiều nội dung khác nhau nhằm hỗ trợ tư vấn cho các bậc cha mẹ hiểu rõ đặc điểm lứa tuổi của con cái mình để từ đó phối hợp với nhà trường GD con cái và định hướng cho con cái phát triển tốt. Có thể nói rằng, những buổi sinh hoạt CLB đã thu hút được nhiều phụ huynh HS tham gia bởi đến đây họ được chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi được ở nhau rất nhiều điều bổ ích. Các nội dung trao đổi này không chỉ được phổ biến rộng rãi trong các thành viên CLB mà còn được phát sóng trên O2TV, nhân rộng ảnh hưởng của hình thức sinh hoạt CLB bổ ích này.
Cũng thông qua hoạt động của CLB cha mẹ HS mà mối quan hệ giữa GV và PHHS, giữa nhà trường và gia đình trong việc GD các em HS đã ngày càng trở nên khăng khít hơn, không còn khoảng cách. GV và CMHS đã có một mái nhà chung để cùng nhau chia sẻ khó khăn trong việc hướng dẫn con em học tập cũng như có định hướng đúng đắn trong cuộc sống, không bị những “cú sốc” tâm lý lứa tuổi làm lệch lạc nhận thức và hành vi của các em.
6-Lập quy trình hình thành thói quen giữ vệ sinh môi trường và tiết kiệm năng lượng
Đây là một thói quen tốt và cần thiết trong xã hội văn minh, và cụ thể là trong xây dựng THTT-HSTC. Để có được thói quen này, các em phải có nhận thức đúng đắn về môi trường và bảo vệ môi trường, từ đó có thái độ đúng và có hành động cụ thể để bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Những bước đi này được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành thói quen. Có thể sơ đồ hoá quy trình hình thành thói quen: Nhận thức về hành động; Thái độ với hành động (ủng hộ hay không ủng hộ); Hành động; Thói quen (duy trì hành động).
Việc thực hiện quy trình này bao giờ cũng bắt đầu từ tác động vào nhận thức,thái độ của HS, sau đó tổ chức cho các em tham gia thực hiện hành động nhằm hình thành thói quen, và cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi để duy trì thói quen.
Để tác động vào nhận thức và thái độ của HS, có thể tích hợp nội dung này vào các môn học có liên quan như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, GD công dân, Vật lý, Sinh học, Công nghệ, Mỹ thuật…hoặc tích hợp trong các chủ đề GD của hoạt động ngoài giờ lên lớp. Rồi tổ chức những cuộc thi tìm hiểu…
Quan trọng nhất vẫn là tổ chức được các phong trào với những hành động cụ thể để các em có môi trường thể hiện nhận thức và thái độ của mình. Và tạo điều kiện thuận lợi để duy trì những thói quen đã được hình thành (ví dụ để vứt rác đúng nơi quy định thì các thùng rác phải được đặt ở nhiều vị trí thuận tiện, các biển báo nhắc nhở dễ nhìn…). Bên cạnh đó, trường cũng có chế tài bằng quy định về trang phục, bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm, trong đó có cả quy định về trách nhiệm và xử phạt khi vi phạm.
Chỉ trong 6 tháng thực hiện, chương trình bảo vệ môi trường và tiết kiệm điện nước đã thu hút và nhận được sự ủng hộ của đông đảo CB-CNV-GV và HS trong trường, môi trường nhà trường ngày càng xanh sạch đẹp.
7-Sưu tầm và phổ biến trò chơi dân gian
Chơi là một nhu cầu tự nhiên của trẻ em. Vui chơi cũng cần thiết và quan trọng như ăn, uống, ngủ, học tập…Chính vì vậy, dù được hướng dẫn hay không, các em vẫn tìm mọi cách và tranh thủ mọi thời gian, điều kiện để chơi. Trong quá trình tham gia vào trò chơi, các em biểu lộ tình cảm rất rõ ràng, đồng thời rèn luyện tinh thần tập thể, vì đồng đội, trong đó có bản thân mình. Vấn đề là GV phải biết lựa chọn trò chơi thích hợp, sau đó biên soạn thành giáo án, chuẩn bị phương tiện và địa điểm để tổ chức trò chơi, điều khiển trò chơi và đánh giá kết quả cuộc chơi để khích lệ các em.
Tiếp sau các cuộc chơi là phải tổ chức cho các em luyện tập và chuẩn bị tinh thần thi đấu. Việc thi đấu được nhà trường tổ chức mỗi học kỳ một lần vào các ngày lễ lớn.
Với 14 trò chơi dân gian đã được lựa chọn, nếu được tổ chức tốt, các em sẽ có cơ hội tìm hiểu về phong tục tập quán, văn hoá dân gian, đồng thời thông qua hoạt động vui chơi giải trí để rèn luyện sức khoẻ, tăng cường mối giao lưu đoàn kết và góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Ngọc Anh