Điềm Mặc tháng năm ấy

GD&TĐ - Khi những chú ve ra rả trên cành nhãn, cọ xoè ô rợp bóng con đường lên đồi Khau Tí thì Thài biết tháng 5 về.

Điềm Mặc tháng năm ấy

Nắng nhuộm tươi rừng vầu, chuốt nhọn thêm mầm măng lên đỉnh trời cao. Nắng đổ màu đỏ tô hoa chuối rừng, tô màu vỏ quả vải tu hú đầu mùa. Con chim "bắt cô trói cột" kêu thê thiết biết ngày đói còn dài hơn đèo De phía xa xa. Nắng gay gắt làm cây lúa nghẹn đòng. Bao giờ cánh đồng mới trổ bông sây hạt?

Mấy hôm nay nhà hết gạo, Thài lùa trâu theo đường mòn sang mé rừng già đào củ mài để bữa tối no cái bụng. Mé dặn đi rừng già thì không được về tối, rắn rết, cáo hổ đi kiếm ăn bắt gặp thì gay go.

Giắt dao quắm vào phẻn, Thài lùa trâu ra đến ngã ba đường, bắc tay lên miệng huýt một hồi dài. Thằng Sáng chui từ bụi cây ra, trên tay cầm một tổ ong bầu đất, nó nhúp vài con nhộng bỏ vào miệng nhai tồm tộp:

- Ăn không mày? Tí nữa thì nó đốt tao u đầu. Con trâu nó va phải tổ, cong mông chạy lên Khau Tí rồi.

- Chốc nữa đem nướng, tao mới ăn được. Hôm nay có muối nhé, ná cao su cũng mới luôn. Giúp tao lùa trâu nhanh cho kịp trâu nhà mày.

Đến Khau Tí, hai thằng phân công nhau đi đào củ mài và bẫy chim. Đàn trâu nghé ngọ cọ sừng chào nhau một hồi rồi lẩn vào trong màu xanh của cỏ cây, chỉ còn nghe tiếng mõ lốc cốc.

Rừng già luôn là kho báu bất tận cho cái bụng của bọn trẻ được no nê nếu chăm chỉ kiếm tìm. Từ con vật bay trên trời đến cây nấm chẹo đo đỏ nhú lên từ đất đều trở thành món quà chúng đổi cho nhau và thưởng thức cùng câu chuyện nhặt nhạnh được từ người lớn hoặc vẽ ước mơ xa vời theo đám mây bay.

Non chiều, khi đang lúi húi cậy nốt củ mài dưới hố, Thài thấy người lạ. Đi trước là ông cụ quắc thước, mặc áo chàm, tay chống gậy. Theo sau có vài người, tay khoác túi nải. Một chú đã trông thấy cái mũ cọ của Thài, chú gọi:

- Cháu làm gì ở dưới đó? Cho chú hỏi đường được không?

Thài vội phủi tay vào quần, xếp củ mài vào tà áo chàm, nhanh nhẹn trèo lên. Ông cụ xoa đầu khen:

- Cháu đào giỏi lắm, bữa tối đây phải không? Bác có túi gạo nếp, mình đổi cho nhau nhé.

Thấy ông cụ hiền từ, Thài gật đầu. Lâu lắm rồi, nó không được ăn cơm nếp. Có lẽ từ cái bánh chưng ngày Tết cơ. Mấy hôm nay, nó nghiêng chum gạo cũng chỉ dám vốc một nắm để nấu cháo cho cái Tẹt.

Mé bảo Thài lớn rồi, ăn củ mài, củ chuối rừng, củ đao, còn gạo trắng thì nhường các em. Chú cao nhất lấy đùm gạo ra đổi một nửa số củ mài Thài đào được rồi ghé tai Thài hỏi:

- Các chú mới đến đây ở, nhưng nếu có ai hỏi, cháu cứ nói không biết nhé. Tối nay, chú có việc đi đèo Xo. Cháu có biết người già nào trong bản hay đi đèo Xo không?

- Ông nội cháu biết ạ.

- Ồ, thế thì tốt quá. Vậy chiều tối cho chú theo về cùng.

- Nhưng mẹ cháu dặn không được lùa trâu về tối, sợ hổ báo trong rừng già ra vồ.

- Vậy cháu lùa đến gần lán chú ở, xong chúng ta cùng về bản.

Thài ngoan ngoãn vâng lời. Ông cụ và các chú rẽ vào rừng vầu, chỉ còn lại tiếng ve rộn rã trong màu lá thẫm dần khi mặt trời vừa khuất núi. Xuống đến lưng chừng dốc, Thài giật mình thấy lão Pét từ đâu chui ra với cái đầu ra bù xù hơn tổ quạ khoang, tay lăm lăm con dao quắm, hất hàm hỏi:

- Ê, thằng còi dí nắm đấm, mày có thấy người lạ nào đi qua đây không?

Mùi rượu chua lòm phả từ miệng lão ra trộn với mùi thuốc lá khét lẹt làm Thài quay đi khịt mũi hồi lâu và nín thở nhìn vào cặp mắt nhỏ bằng mắt con chuột, Thài cố ý nói thật to nhưng trơn tuột:

- Cháu chẳng thấy ai né. Có mấy con chim bay trong chạng vạng kịp về tổ nhưng cháu không có ná bắn.

Lão nhìn Thài thuật chuyện như mụ Dả Dỉn muốn nuốt luôn con mồi vào bụng với chiếc lưỡi dài bằng quả núc nác trong câu chuyện của mé, cất giọng rè rè:

- Nghe tao bảo này, mày thấy ai lởn vởn ở vùng này thì lập tức đến đầu sàn báo cho tao, tao cho mày xôi ngũ sắc, đồ cúng đấy, ngon lắm. Thèm không? Chỉ cần thế thôi là mày còn có áo đẹp nữa. Đây, rách hết cả vai rồi này, rõ khổ.

Thài nhớ đến lời mé dặn, lão Pét thường đi đâu khỏi bản và có rất nhiều tiền. Người như thế thật không đáng tin. Thài giả vờ gật đầu đồng ý và định rảo bước thì lão gọi giật lại:

- Mày có đùm gì thế? Ai cho mày thế?

Ngực Thài đánh thình thịch, ôi, lão mà thấy hạt gạo trắng rơi ra, lão sẽ túm chân Thài treo ngược lên cây cọ và tra khảo bằng được chuyện nó gặp chú cao cao và ông cụ lúc nãy hoặc lão sẽ kề con dao quắm vào cổ để cướp không bữa tối của cả nhà. Thài bấm bụng, đằng nào cũng mất, mình đành liều một phen:

- Củ mài đó ông. Trong này còn có quả bồ quân non, sim xanh, cháu hái về cho mé làm thuốc. Ông có thích ăn không, có muối trắng chấm sẽ đỡ chát?

Thài vừa nói vừa chìa túi nải về phía lão Pét. Lão nhếch một bên mép cười và đứng ngắm nghía cái túi nải căng căng một hồi lâu mới giắt con dao quắm vào phẻn, bĩu môi:

- Mé mày biết gì về thuốc, chát lè như thế, có mà chữa bệnh chết đói.

Lão cười hềnh hệch bỏ đi. Thài tức lắm. Nếu như mọi lần, thể nào nó cũng phải gân cổ cãi lại câu gì đó và nhón chân bỏ chạy để lão đuổi bở cả hơi tai nhưng lần này nó nhịn.

Đợi mãi, Sáng ra tới chỗ hẹn, tay xách xâu chim và vác củi khô. Thài nhớ lời dặn của chú cao cao ban nãy nhưng lại tin thằng Sáng không phải đứa lắm lời. Nó thầm thì kể lại cho bạn nghe chuyện nó gặp ông cụ, các chú người lạ và lão Pét chặn đường. Sáng vừa gạt than vùi chim nướng vừa đủng đỉnh bảo:

- Tao gặp ông cụ lên, xuống đồi Khau Tí suốt. Cụ đi tập thể dục, câu cá, trồng cây,... thỉnh thoảng bảo các chú đi xuống bản giúp nhiều nhà trồng ngô, khoai. Pá tao còn bí mật sai tao đem lên cho ông cụ vài lạng chè mới sao trong chảo gang nhé. Pá bảo các chú là người tốt, về đây mở đường cho tao với mày sau này được đi học, có cơm trắng ăn với thịt gà nấu canh gừng.

- Lão Pét có vẻ thích tìm người lạ đến làng mình.

- Pá tao bảo, ông ta làm cho Tây đấy. Mày hay nói chuyện với ông ấy thể nào cũng bị rủ rê theo con đường xấu.

Thài vứt cành cây khô vào lửa, phùng miệng bảo:

- Không bao giờ nhé, lão sợ ông nội tao hơn sợ hổ.

Thằng Sáng lập tức dụi tắt lửa, lầm bầm:

- Mày cứ nhắc tên cụ là dễ gặp lắm lố, về thôi. Đi rừng đừng nhắc đến tên cụ kẻo cụ vồ.

***

Đêm hôm ấy, nhà Thài có hai chú đến ăn cơm. Ông nội sai mé đi bắt con gà về thịt, nấu cơm nếp và hấp củ mài gói thành ba gói trong lá chuối, bỏ vào tay nải. Trời đổ mưa rào, ông bàn bạc với hai chú ở trên sàn. Thài ngồi ở cầu thang tập thổi sáo.

Cơm nước xong xuôi thì trời tạnh, mé gọi Thài đốt đuốc đi soi ếch. Ông nội và hai chú đi đằng sau, qua đồng Thẩm Doọc sang Nà Lạng, Nà Tra, Nà Lá. Gặp ai, mé cũng chào to hơn mọi ngày để ông biết tránh sang lối khác. Nước tràn bờ, ếch nhảy đẻ trứng trong ruộng lúa, rẫy ngô oàm oạp.

Thài bắt cả nhái to đến khi tàn bó đuốc thì giỏ đeo bên hông cũng nặng. Gió từ rừng cọ thổi xuống mát lạnh. Cơn nóng hầm hập đã được ánh trăng Điềm Mặc soi dịu, phả ánh bàng bạc trong sương khuya.

Quá giấc nên Thài khó ngủ, lăn lộn mãi trên giường, không phải chuyện cái Tẹt nhường cho các chú và ông cái đùi gà cũng không phải chuyện trưa mai được ăn chả ếch cuộn lá lốt mé làm thơm nức mũi mà là thắc mắc sao hôm nay mé chào ai cũng to. Thấy mé còn trở mình, Thài mở lòng. Mé gãi gãi lưng cho nó và bảo:

- Ông con theo Cách mạng, dẫn cán bộ đi làm việc lớn. Mà ở bản thì có cả người xấu ở lẫn với người tốt. Nếu mai, có người hỏi ông đi đâu rồi thì con cứ nói ông đi lên núi lấy thuốc nhé.

- Cách mạng là làm gì, mé?

- Là đánh Tây, lấy lại đất của địa chủ.

- Bản mình hết Tây rồi né?

- Nhưng Tây còn ở nhiều nơi trong nước mình.

- Sao mé biết? Mé đi bao giờ không cho con theo?

- Ông Ké bảo lố.

- Có phải ông Ké hay đi cùng các chú không?

- Ừ. Con gặp rồi ỏ?

- Dạ. Chiều nay con gặp trên Khau Tí, ông Ké bảo chú cao nhất cho nhà mình gạo nếp đấy mé. Thằng Sáng còn được đem chè vào đến lán ông Ké ở cơ. Khi nào con lớn thì con theo ông Ké.

Thài đem theo ước mơ được vượt núi, vượt đèo đi làm Cách mạng như anh Đại, anh Cửu ở Bản Bắc trở thành bộ đội đánh Tây vào giấc ngủ. Năm nay nó mười ba tuổi.

Ông nội bảo muốn làm việc lớn thì phải làm thạo việc nhỏ như lấy củi, chăn trâu, học chữ, câu cá, làm cỏ ngô, hái chè, chặt cọ lấy đuông... leo đồi nhiều cho bắp chân to khoẻ. Ai lười làm thì ốm yếu, bệnh tật, có uống hết mười thang thuốc lá vẫn còi cọc và da trắng bủng thôi.

Sau này, Thài trở thành chàng trai Tày rắn rỏi, mang theo ước mơ năm nào vượt đèo De sang Tuyên Quang, vượt sông Lô, sông Hồng, cánh đồng Mường Thanh đi đánh trận Điện Biên Phủ. Đến giờ phút chiến thắng lẫy lừng ở vùng Tây Bắc xa xôi ấy, Thài mới được đồng đội cho biết ông Ké mà mình gặp lúc đào củ mài trên đồi Khau Tí là Bác Hồ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ