- Bác Thiện tới chưa con?
- Chưa bố ạ.
- Sao mấy ngày rồi mà còn chưa tới nhỉ?
Ông Năm nhăn mặt vì cơn đau ùa đến. Toàn thân ông co rúm, trong xương tưởng chừng có ngàn vạn con giòi đang lúc nhúc bò, hung hãn đớp lấy tủy sống rồi nạo khoét vào lớp xương cứng. Đau rất đau. Chỉ là không rên to, cố cắn răng chịu đựng. Bản lĩnh của người lính năm nào giúp ông chịu đựng giỏi. Ông không muốn con cái phải quá lo lắng cho cha. Dẫu vậy, thằng Hai vẫn biết cha đang đau đớn lắm. Nó lặng lẽ lấy khăn ướt lau lưng cho cha. Mồ hôi đã túa ra đầm đìa thấm ướt cả áo.
Cơn đau qua đi, mặt ông Năm giãn ra, tay chân từ từ duỗi thẳng. Ông nhìn thẳng mặt thằng Hai đang cắm cúi nắn bóp tay chân, hỏi gặng:
- Con không gọi cho bác Thiện phải không?
Thằng con trai ngừng tay nhìn cha, ánh nhìn có phần trách móc:
- Bệnh đau cha không lo, lo chi chuyện người chết mấy chục năm trước.
- Con không hiểu gì rồi.
Ông Năm thở dài. Làm sao mà thằng con ông hiểu được chuyện mấy chục năm trước, lúc đó nó còn chưa sinh ra, khi lớn lên không nghe một tiếng súng, không uống nước suối, không ăn quả rừng. Tiếng súng, tiếng bom quen thuộc bên tai mỗi ngày thì mới hiểu hết được những hiểm nguy, mới biết trân quý tình anh em đồng chí được. Khi người ta sống vì lý tưởng, quên bản thân mình, chọn đối mặt với cái chết thì hiểu rằng phút giây này mình còn hiện hữu nhưng có thể chỉ vài phút sau trong trận càn của địch sẽ mãi mãi nằm xuống nơi cánh rừng này, xác được gói vội trong tấm võng, chôn vội dưới một hố nông.
Bởi vậy, người ta trân trọng giây phút hiện tại, sống chân thật và yêu thương nhau. Thứ tình cảm đẹp đẽ ấy chỉ có trong thời chiến, tới thời bình, cũng những con người năm xưa ấy mà khi gặp lại xa cách không tưởng. Cũng những người từng sát cánh bên nhau chiến đấu ấy, có thể hãm hại, vu khống nhau chỉ vì tranh giành lợi lộc cho bản thân. Nhưng cũng có những người bạn lính năm xưa vẫn luôn giữ cho mình tình yêu thương mộc mạc, đối đãi bằng cả tấm chân tình của lính. Hằng năm lại rủ nhau lặn lội về chiến trường xưa tìm kiếm những đồng đội không may nằm lại, đem họ về với gia đình, để đồng đội, họ hàng được thắp một nén nhang; để mẹ, để vợ con được rơi nước mắt trên nấm mồ có đủ tên - tuổi.
Cái tiểu đội ngày ấy nay chỉ còn vỏn vẹn năm người. Mỗi người một phương. May còn có điện thoại mà liên lạc, để lâu lâu ôn chuyện cũ, hẹn nhau trở về chiến trường xưa tìm các bạn còn nằm lại. Kể ra sự tích tìm gặp nhau thì cũng dài dòng lê thê dữ lắm. Số là hơn chục năm nay, Nhà nước có chế độ đãi ngộ cựu chiến binh được đi nghỉ dưỡng mỗi năm một lần. Tình cờ trong một lần đi nghỉ dưỡng gặp lại bạn bè xưa, rồi xin số điện thoại, từ đó mới liên lạc được với nhau, từ người này mới lần ra người kia. Ai cũng đã hai thứ tóc. Ai cũng đã con cháu đề huề. Cái tuổi này thường người ta chỉ mong được nghỉ ngơi an nhàn, tận hưởng cuộc sống, nhưng 5 cựu chiến binh lại chung niềm canh cánh rằng không biết còn anh em nào sót lại nơi chiến trường xưa không.
Thế là cùng nhau truy tìm thông tin về tiểu đội ngày ấy, danh sách những liệt sĩ đã về với gia đình và tên những người vẫn còn ở cánh rừng già. Ông trời không phụ công sức bỏ ra, sau một thời gian nhiệt tình tìm kiếm, hội bạn năm xưa đã xác định được còn 3 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Thế là cùng nhau lên kế hoạch đi tìm, dẫu biết khó như lên trời hái sao bởi chiến trường xưa nay đã đổi thay nhiều lắm. Nhà cửa, đường sá đông đúc. Cánh rừng cây cối cũng khác, diện tích lại thu hẹp hơn. Tìm khác nào mò kim đáy bể. Dẫu vậy, 5 cựu chiến binh vẫn quyết hẹn nhau đi tìm. Ra đi không phải chỉ nhằm một mục đích duy nhất là tìm kiếm, mà còn là để cùng nhau ôn lại ngày gian khổ, để tâm hồn thanh thản chứ không phải lúc nào cũng canh cánh trong lòng.
Ảnh minh họa ITN. |
Vậy mà, giờ con trai ông bảo “lo chi chuyện người chết đã mấy chục năm”. Thiệt ra, nó nói cũng có phần đúng vì bản thân ông còn không biết có qua khỏi căn bệnh này không, sống chết nay mai. Nhưng mỗi lần nghĩ tới anh em phải chịu khổ, cả khi đã khuất còn mình thì sung sướng được chăm sóc lúc ốm đau, nằm xuống mộ phần cũng đẹp đẽ, vợ con nhang khói thường xuyên là ông lại thấy nhói lòng. Lúc còn sống không thể đem bạn về với gia đình, mai này, khi thế hệ những người đi trước như ông, ông Thiện mà mất đi, thì chẳng còn ai tìm tung tích của liệt sĩ nữa. Họ sẽ mãi cô đơn, lạnh lẽo, không được sum họp gia đình. Nỗi đau này còn đau gấp mấy lần căn bệnh ung thư quái ác ông đang mang trong người. Nhưng làm sao để nói cho con trai ông hiểu đây. Thế hệ bây giờ đâu cùng chung tiếng nói với thế hệ của ông.
- Con gọi cho bác Thiện đi, cha muốn nói chuyện với bác.
Thằng Hai gạt phắt đi:
- Bác sĩ biểu cha phải nghỉ ngơi, suy nghĩ tích cực. Con không báo mấy bác vì không muốn họ làm phiền cha nghỉ ngơi.
Biết không thể lung lay suy nghĩ của nó được, ông Năm đành chờ tới lượt con Ba chăm. Nó sống tình cảm, hiểu chuyện hơn.
Mãi tận tối muộn con Ba mới vào thay phiên. Nó mang ê hề đồ tẩm bổ, ép ông ăn yến chưng, rồi đến trái cây:
- Cha ráng ăn để có sức khỏe. Bữa nay nhìn mặt cha đỡ nhiều rồi đó.
Ông cũng ráng nuốt cho con vui chứ kỳ thực miệng đắng nghét không muốn ăn gì. Ông thừa biết con bé đang an ủi chứ sức khỏe bản thân ông biết rất rõ. Sau khi đã ăn hết theo yêu cầu của con, ông ướm lời:
- Ở đây cha buồn quá, phải chi có bạn bè vào thăm chuyện phiếm cho đỡ buồn, bệnh cũng giảm.
- Ủa, con nhớ mấy chú, mấy bác vô thăm ba nhiều lắm mà.
- À, ba muốn gặp cái hội cựu chiến binh ngày xưa kìa. Cũng cả năm rồi không gặp còn gì. Biết có còn cơ hội gặp nhau nữa không.
- Mấy bác ở xa, báo thì thể nào người ta cũng phải đi thăm, có phiền quá không?
- Phiền gì đâu. Bạn bè mà, quý là cái tình cảm, mốt con già bằng tuổi ba con mới hiểu cái tình nó quan trọng cỡ nào lận.
Con Ba có vẻ mủi lòng. Nó lấy điện thoại tìm số gọi cho ông Thiện. Ông Năm mừng thầm trong bụng, quả nhiên “kế” của ông có hiệu quả.
- Alo, anh Thiện à?
* * *
Ảnh minh họa: INT |
Nghe tin báo, ông Thiện lập tức bắt con trai chạy xe chở tới thăm bạn. Tội nghiệp, 180 cây số chứ ít ỏi gì. Hai ông già gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Ông Thiện nắn bóp chân tay cho bạn, nghẹn ngào:
- Đã hẹn tháng Tư này sẽ lên đường, ai mà nghĩ ông đổ bệnh đúng lúc thế này.
- Tôi e không qua khỏi đâu anh Thiện ạ.
- Bậy. Vẫn còn khỏe lắm, cứ ráng ăn uống nghỉ ngơi tới cuối tháng này cùng đi.
- Bệnh tình của tôi, tôi hiểu rõ ông à.
- Ông sao hiểu rõ bằng bác sĩ hở. Bác sĩ bảo không sao là không sao mà.
Ông Thiện cười lớn vỗ vai bạn. Rồi ông huyên thuyên nói về cuộc hẹn mỗi năm một lần tìm hài cốt đồng đội cũ. Những kỷ niệm ngày xưa được kể lại. Khuôn mặt ông Năm tươi tỉnh hẳn, ông vừa kể vừa vung tay minh họa:
- Tui trườn mình qua bụi keo gai, cha ơi gai cào rách tả tơi hai tay mà ráng cắn răng chịu, chỉ cần la lên một cái là tụi nó phía bên kia bờ suối bắn như mưa, chết không toàn thây liền. Tui quan sát thấy tụi nó có chừng mười đứa á nên vội quay trở về cấp báo.
- Trận đó nhờ công thám thính của ông mà tụi mình diệt gọn bọn trinh thám. Nè, hỏi thiệt, giờ mà kêu trườn qua bụi keo gai ông có dám trườn hông?
- Đi còn hông có sức đây nữa là trườn.
Hai ông già tóc bạc như mây trời ôm nhau cười sằng sặc. Rồi cùng khoác vai nhau cất tiếng ca: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành, phải không anh phải không em. Chân lý thuộc về mọi người, đâu chịu sống đời nhỏ nhoi. Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người, ngày đêm canh giữ đất trời, rạng rỡ như rừng mai nở chiều Xuân…”
Nhìn hai ông bạn già trò chuyện, cùng nhau hát, con Ba tự nhiên chảy nước mắt. Anh con trai ông Thiện bối rối không biết phải làm sao cho phải phép. Nhận ra thái độ của anh, con Ba lau vội nước mắt, khẽ khàng:
- Từ bữa bệnh tới giờ, cha tôi không thiết ăn uống. Không ngờ giờ đây ông lại trò chuyện to được, còn hát nữa. Nhìn ông vầy, ai lại nghĩ ông đang giai đoạn cuối đâu.
- Vậy là bác…
- Dạ, bác sĩ giấu người nhà bệnh nhân nhưng do tôi có bạn học làm trong bệnh viện nên xem được bệnh án. Thời gian của cha tôi không còn dài nữa.
Nói tới đây, con Ba bật khóc nức nở, vội chạy vào nhà vệ sinh. Chàng trai lặng nhìn hai người cựu chiến binh, nhìn nụ cười của họ, cái khoác vai thân tình, tự dưng mắt anh cũng nhòe nước.
* * *
- Cha xin các con đó. Cho cha về. Cho cha đi, một lần cuối cùng thôi. Sẽ không còn cơ hội nữa đâu.
- Cha điên sao – thằng Hai hét lên – Đi rồi lên cơn đau bác sĩ đâu mà cấp cứu? Mà đi đâu được nữa tay chân đã teo cơ hết rồi.
- Không, cha đi được. Cha còn khỏe lắm. Nằm đây cũng chết. Đi cũng chết. Cứ cho cha đi.
- Khóc cái gì mà khóc. Không khuyên ngăn cha thì thôi khóc cái gì. – Thằng Hai nạt lớn.
- Anh cho cha đi đi. Cứ để cha thực hiện ước muốn cuối cùng của mình, ra đi thanh thản. Em xin anh đó.
Trước bốn con mắt van lơn, lòng thằng Hai chùng xuống. Rõ ràng cha anh nói đúng, ở đây cũng chết, đi cũng chết. Nhưng sao nỡ để cha đi được khi biết trước chẳng thể trở về.
- Anh hai. Anh nhẫn tâm ích kỷ lắm.
- Im ngay! Ai dạy thói hỗn hào ấy. Mẹ mất rồi. Cha bệnh. Giờ anh là người quyết định trong cái nhà này.
Hai cặp mắt nhìn nhau tóe lửa. Ông Năm quay mặt vào tường, nước mắt rỉ ra:
- Thôi được rồi. Cha không đi nữa. Anh em con đừng gây nhau nữa.
Con Ba ấm ức bỏ ra ngoài hành lang. Còn mình thằng Hai. Cậu nhìn người cha đang khóc một mình, thân thể đã héo hắt lại. Lòng cậu chùng xuống. Cậu hiểu niềm mong ước của cha cậu lớn đến nhường nào. Có thể ông sẽ không thể nhắm mắt đi xa khi chưa thực hiện được. Biết quyết định sao đây để vẹn tròn mọi việc.
Thời gian cứ chầm chậm trôi đi. Ngột ngạt. Bức bối. Thằng Hai không ngủ được. Nó lắng nghe âm thanh còn sót lại trong bệnh viện. Tất cả im lặng. Thi thoảng có tiếng dép, tiếng nói của ai đó dắt người bệnh đi vệ sinh. Mùi cồn xộc vào mũi hăng hắc. Yên tĩnh quá thành ra cậu nghe rõ cả tiếng thở nặng nhọc của cha. Bệnh tình ông chuyển nặng rất nhanh. Cứ thế này sẽ chẳng còn bao lâu nữa. Có thể hai ngày, một ngày, hoặc tệ hơn nữa là sáng mai. Khối u đã di căn lên não, tàn phá ngũ tạng mất rồi. Mỗi ngày chứng kiến cha teo tóp dần. Mỗi ngày quằn quại vì cơn đau phải truyền thuốc, uống cả morphin để giảm đau. Có thuốc cơn đau giảm dần, giấc ngủ khó nhọc đến với ông. Trong cơn mê ông ú ớ gọi tên đồng đội cũ. Nếu có thể, anh chỉ muốn gánh cơn đau đó cho cha để những ngày cuối đời ông có thể nhẹ nhàng ra đi. Rồi nhận ra mình bất lực, nước mắt anh âm thầm chảy. Mồ côi, ở tuổi nào chẳng khiến người ta đớn đau?
- Hai ơi! Hai ơi!
Có tiếng kêu khe khẽ của cha. Anh bật dậy quẹt ngang nước mắt:
- Cha đi vệ sinh ha?
- Không.
Ông cầm lấy tay cậu con trai. Mắt ông đã đờ đẫn, trắng dã.
- Để con đi gọi bác sĩ.
- Không. Cha muốn nói chuyện với con.
Người cha thều thào:
- Con… con có giúp cha được không?
- Con sẽ giúp cha. Cha muốn con giúp cha làm gì?
- Giúp cha… đi… đi với mấy bác… tìm, mang… họ về sum họp gia đình… nghen con!
Nhìn ánh mắt khắc khoải của cha, nước mắt anh tuôn xối xả:
- Con hứa. Con hứa với cha. Con sẽ thay cha đi tìm đưa mấy bác về nhà.
Ông Năm mỉm cười nhìn con trai, từ từ nhắm mắt. Thằng Hai rống lên tiếng kêu đớn đau:
- Ba ơi! Ba ơi!
* * *
Vậy là đã ba lần tháng Tư qua đi. Đã ba lần khoác ba lô theo những cựu chiến binh trở lại chiến trường năm xưa. Mỗi lần trở về là mỗi lần thằng Hai lặng mình đi cả tháng, để suy ngẫm nỗi đau chiến tranh. Ôi chiến tranh, dù thắng hay thua cũng gây mất mát, đau đớn nhiều như nhau. Đến bao giờ, cho đến bao giờ, vết sẹo của cuộc chiến ngày cũ mới lành hẳn? Biết là lâu, rất lâu, nhưng anh vẫn tin một ngày nào đó, vết thương khổng lồ ấy sẽ lành nhờ tình yêu thương của người với người, dẫu điều đó rất mơ hồ, nhưng anh vẫn tin chắc chắn là vậy.