Truyện ngắn: Tình đất

GD&TĐ - Liên ngồi thẫn thờ, lưng tựa vào thành giường. Đôi mắt của cô gái tuổi 22 ngấn lệ khi nhìn đắm đuối những tấm hình cầm trên tay. 

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

- Alô, chị à, em Thuần đây.

- Ừ, chị nghe đây cô. Lâu lắm rồi không thấy cô gọi về hỏi thăm anh chị và các cháu.

- Dạ, em xin lỗi! Dạo này vào mùa chè, tụi em bận quá. Nghe nói bé Liên nhà mình vừa mới tốt nghiệp đại học phải không chị? Đang rảnh rang, chị bảo con bé lên chỗ vợ chồng em chơi một chuyến!

- Ừ. Con bé mới ra trường. Anh chị đang xin cho cháu dạy ở thành phố. Ý của cô hay đấy. Con bé cũng đang có chuyện buồn. Suốt ngày cứ nằm một mình trong phòng. Để chị thử nói nó xem thế nào.

- Dạ. Em nghĩ con bé sẽ đồng ý thôi. Đi đâu chứ lên với cô nó thì mọi buồn phiền sẽ hóa vui hết… Thuần nói liến thoắng rồi cười khanh khách khiến chị Sen cũng thấy chí lí.

Trong phòng, Liên ngồi thẫn thờ, lưng tựa vào thành giường. Đôi mắt của cô gái tuổi 22 ngấn lệ khi nhìn đắm đuối những tấm hình cầm trên tay. Những kỉ niệm bên Thanh lại ùa về. Nào là khi hai đứa ngồi ngắm biển đêm, nào khi trao nhau những cái hôn nồng thắm, rồi khi cùng nhau học tập. Nào ngờ… Thanh ra đi như một tia chớp.

Chỉ cách đây chưa đầy một tháng, Thanh nói lời chia tay Liên để ra nước ngoài. Gia đình Thanh vốn giàu có nhất nhì thành phố biển. Ba mẹ đều là quan chức, tiền bạc rủng rỉnh tiêu chẳng hết. Họ hướng cho con trai ra nước ngoài làm việc với mong muốn có tương lai tươi sáng hơn. Trái tim Liên rỉ máu khi biết Thanh chẳng hề yêu thương mình thật lòng.

Bởi nếu yêu Liên, Thanh đã không hồ hởi, dứt khoát nói lời chia tay cô như thế. Liên khóc như một đứa trẻ. Bao buồn bã, thất vọng cứ thế theo nước mắt lã chã rơi... Rồi hít một hơi thật dài, gượng nở một nụ cười thật tươi, Liên bắt đầu gấp lại những kí ức bên Thanh, đặt vào một chiếc hộp giấy, nhẹ nhàng bỏ vào nơi sâu nhất của hộc bàn. Liên sẽ bắt đầu cuộc sống mới. Cô sẽ cho Thanh thấy, mình không mít ướt, ủy mị như Thanh nghĩ. Liên sẽ sống tốt hơn ngay cả khi không có Thanh bên cạnh.

- Liên, mẹ vào được không con? Chị Sen đứng bên ngoài cửa nói vọng vào:

- Dạ. Mẹ vào đi!

- Liên này. Cô Thuần ở trên Tây Nguyên mới gọi về. Cô bảo con lên trển chơi một chuyến cho khuây khỏa. Con thấy sao?

- Dạ… Để con thu xếp sáng mai con sẽ đi luôn nghe mẹ! Câu trả lời và tâm trạng khá thoải mái của con khiến chị Sen ngạc nhiên.

- Ừ. Vậy để mẹ báo với cô Thuần.

Ngồi trên chiếc xe 24 chỗ từ Bình Định lên Tây Nguyên, Liên lắng tai nghe câu chuyện của mọi người nói với nhau về vùng đất mới. Đa số người trên xe đều là người dân xứ Nẫu (Bình Định) lên Tây Nguyên lập nghiệp. Người về thăm nhà sau thời gian dài gắn bó với vùng đất nắng gió đại ngàn khá lâu, người thì mới bắt đầu hành trình đi lập nghiệp. Một người đàn bà tuổi ngoài 50, cổ, tai và tay đeo đầy vàng hướng về chàng thanh niên chân ướt chân ráo lên vùng đất mới:

- Cháu cứ mạnh dạn lên. Trời chẳng phụ lòng người. Hơn 20 năm lập nghiệp, quê hương thứ hai này đã cho gia đình cô rất nhiều thứ. Biết ơn lắm. Giờ gắn bó rồi, không xa được. Thi thoảng về thăm lại quê, thăm họ hàng ở dưới này cho đỡ nhớ thôi.

- Còn cháu, cháu đi đâu đấy? Người đàn bà thấy Liên nãy giờ ngồi im lặng, quay sang tò mò hỏi.

- Dạ. Cháu lên nhà người thân chơi.

Người đàn bà lại giới thiệu, bàn luận đủ thứ chuyện về miền đất đang lập nghiệp. Trên chuyến xe hôm ấy, mọi người tuy gặp lần đầu nhưng đều rôm rả chuyện trò tựa người thân thiết.

Xuống xe, Liên đứng chờ cô Thuần ra đón. Trước mắt Liên là con đường đất đỏ ôm lấy những đồi chè xanh mướt mát. Ai bảo Tây Nguyên chỉ toàn nắng, gió và khô cằn sỏi đá? Liên nhủ thầm. Đôi mắt cô lạc vào một miền xanh mát xanh. Cảm giác vừa xa lạ vừa gần gũi, thương thiết khiến Liên cảm thấy dễ chịu và bắt đầu có cảm tình với nơi này.

- Liên... Liên phải không? Đứng trước mặt Liên là chàng trai khoảng chừng 30 tuổi, cao lớn vạm vỡ và nụ cười tươi rói. Anh cưỡi chiếc xe máy Dream đời cũ, giọng trầm ấm hướng về Liên.

- Anh là ai? Sao biết tên tôi? Liên tò mò.

- Anh là Sơn, công nhân vườn chè nhà cô Thuần. Cô đang bận xuất hàng nên nhờ anh ra đón em. Không tin, em có thể gọi cô Thuần để kiểm chứng. Liên rút điện thoại ra, gọi cho cô Thuần. Từ đầu dây bên kia, giọng nói rõ ràng, rành mạch vang lên:

- Liên à? Cô bận chút việc nên nhờ Sơn ra đón cháu. Người nhà mình cả đấy. Đừng lo gì cả.

Dạ... Điện thoại trên tay Liên vừa tắt, Sơn đã đề ga. Anh nói vừa như thanh minh vừa như thúc giục:

- Đấy, em thấy chưa. Anh lừa em làm gì. Thôi, xin mời tiểu thư lên xe. Liên chẳng nói chẳng rằng. Nhận lấy cái mũ bảo hiểm từ tay Sơn, cô đội lên đầu cẩn thận rồi nhẹ nhàng ngồi lên xe. Chiếc xe máy chạy men theo con đường ngoằn ngoèo khoảng chừng mười lăm phút rồi dừng lại trước ngôi nhà hai tầng khang trang hướng mặt ra đồi chè.

- Cháu gái của cô đây rồi. Cô Thuần đon đả chạy ra ôm chầm lấy Liên, vuốt nhẹ mớ tóc dài xõa ngang lưng, ngắm nghía khuôn mặt trái xoan của cô cháu gái lâu ngày không gặp, rồi quay về phía Sơn:

- Đây đây... Giới thiệu với cháu đây là cậu Sơn, kĩ sư nông nghiệp. Cậu ấy gắn bó với đồi chè này đã hơn 5 năm rồi. Giỏi giang lắm. Rồi từ từ cháu sẽ biết. Thuần nhìn Sơn cười lém lỉnh, nháy mắt khiến anh đỏ mặt. Nghe cô của mình nói về Sơn có vẻ rất trân trọng, Liên đâm ra ngại ngùng khi nhớ đến suy nghĩ của mình về anh lúc nãy. Định nói lời xin lỗi thì cô Thuần lại cắt lời:

- Còn cháu gái của cô thì Sơn đã biết rồi.

- Dạ, Liên vừa tốt nghiệp ngành Cử nhân Sư phạm bằng giỏi, hiện đang chờ xin việc để đi làm phải không cô! Hai mắt Liên tròn xoe. Cô nhìn Sơn rồi lại nhìn cô Thuần.

- Sao... sao anh ấy lại biết rõ về cháu như vậy hả cô?

- Thì cô kể cho cậu ấy biết chứ sao. Cháu gái của cô xinh đẹp lại học giỏi kia mà! Không để Liên nói thêm, cô Thuần liền giục Liên vào nhà. Cô còn năn nỉ Liên ở đây chơi lâu lâu một chút, đừng vội về. Liên tủm tỉm cười, nhẹ nhàng buông tiếng dạ khiến cô Thuần càng phấn khởi, sung sướng.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Cô Thuần là em ruột của ba Liên. Ngày trước, cuộc sống vất vả nên vợ chồng cô quyết định lên Tây Nguyên lập nghiệp. Ban đầu khó khăn trăm bề, giờ thì đã đến ngày hái quả. Vợ chồng cô Thuần giàu lên nhờ có đồi chè. Con cái đều được học hành tử tế. Cô Thuần kể bao nhiêu là chuyện, khóe mắt cô rơm rớm, xúc động dâng đầy.

Buổi sáng trên cao nguyên. Đứng giữa đồi chè, Liên phóng tầm mắt nhìn ra những dãy núi nhấp nhô, mây trắng bao phủ. Bên những cây cổ thụ đứng tần ngần nghe gió gọi, những người lao động lại bắt đầu với công việc quen thuộc thường ngày.

Những bóng dáng nhấp nhô mũ nón, vừa hái chè vừa cười nói rôm rả. Không khí lao động hăng say khiến Liên cũng thấy lòng mình vui lây. Những mệt mỏi, buồn bã trong trái tim cô đã dịu dàng hơn giữa không gian hùng vĩ, thơ mộng này. Núi rừng mênh mông đến hút tầm mắt. Chưa bao giờ, Liên được nhìn thấy đồi chè bao la, bát ngát đến như vậy. Cô mê đắm hít hà hương chè chan chát, thơm thơm theo gió đồi vi vu, dìu dịu phả lại.

- Muốn đi tham quan một vòng không? Câu hỏi của Sơn làm Liên giật mình. Liên không biết anh đã đứng đằng sau cô từ lúc nào. Cô mạnh dạn:

- Đi chứ!

Theo sau Sơn, Liên khám phá không gian đẹp đến mê hồn của đồi chè mát rượi. Nắng Tây Nguyên buổi sớm tinh khôi, thanh khiết. Nắng vàng tươi trải mình trên đồi chè xanh biêng biếc. Tiếng lũ chim rừng ríu ran gọi bầy vang dội cả một khu rừng tĩnh lặng.

- Những búp chè mơn mởn, dìu dịu… Liên khẽ chạm vào búp chè non còn đẫm sương đêm rồi tự nhiên cất thành lời.

- Để có những ngọn chè non xanh này là bao nhiêu mồ hôi, công sức của mọi người. Sơn nhìn về phía những đồi chè nối nhau vô tận, tiếp lời Liên.

- Anh có vẻ rất thông thạo về đồi chè này! Mà sao anh không ở ngoài quê, lại vào đây lập nghiệp? Câu hỏi của Liên khiến nụ cười trên môi Sơn chợt tắt. Sơn không có ý giấu giếm Liên, anh trải lòng thành thực. Anh kể cho Liên nghe về mối tình giữa mình và người yêu cũ. Cũng chỉ vì không môn đăng hộ đối nên cả hai chia tay. Sau khi người yêu đi lấy chồng, anh cũng quyết định Nam tiến lập nghiệp.

- À mà, nghe cô Thuần kể, em cũng đang buồn chuyện tình cảm?

- Dạ… Sao điều gì về em, anh cũng tỏ hết thế? Lại cô em nói chứ gì! Sơn cười:

- Ừ... Cô Thuần rất quan tâm và thương em!

- Cô kể với anh để làm gì? Để nhờ anh an ủi em chắc!

- Đúng đấy. Vì anh và em cùng cảnh ngộ mà.

- Thật là... Cả hai nhìn nhau ngượng ngùng cười.

Suốt buổi sáng, Sơn dành thời gian dẫn Liên đi vòng quanh đồi chè. Những ngày sau đó, Liên còn được làm quen với lũ trẻ miền rừng, đứa địu em, đứa chăn bò, hái củi,… tất cả xúm xít bên Liên, vui vẻ chuyện trò. Liên động lòng thương những đứa trẻ. Thời gian lặng lẽ trôi...

* *

*

Đồi chè chuyển mình vào đêm. Không gian tĩnh lặng. Thanh âm của núi rừng, của gió vi vu, của chim chóc lạc nhau gọi bầy ngày một rõ. Trăng phố núi đong đưa, ánh trăng bàng bạc khắp đồi chè. Sơn và Liên ngồi chung trên một ghế gỗ dài, mắt dõi theo trăng, nghĩ ngợi. Cả hai cảm nhận được hơi lạnh của sương núi bắt đầu thấm vào da thịt.

- Nhanh thật, mới đó mà đã hai tháng trôi qua. Ngày mai em phải về lại thành phố rồi! Nói rồi, Liên lấy hai tay quàng vào nhau, xuýt xoa vì lạnh. Nghe Liên nói, đôi mắt Sơn chợt đượm buồn. Anh nhẹ nhàng cởi chiếc áo khoác của mình, khoác lên vai Liên. Cô ngượng ngùng, gương mặt càng đẹp tựa ánh trăng. Để tránh làm Liên e ngại, Sơn mạnh dạn:

- Sao em về thành phố sớm thế?

- Ba mẹ bảo đã xin được cho em dạy học ở thành phố rồi.

- Em thấy việc dạy học cho những đứa trẻ đồng bào ở đây thế nào!

- Sao anh lại hỏi thế?

- Vì anh thấy bọn trẻ có vẻ rất quý em. Hình như chúng rất muốn em ở lại. Và anh...!

- Sơn nói phải đấy. Cô Thuần bước ra, giọng đon đả:

- Ba mẹ những đứa trẻ ở đây bận công việc nương rẫy cả ngày. Cuộc sống của họ rất khó khăn. Bọn trẻ rất muốn được đi học. Cháu thấy gương mặt rạng rỡ, nụ cười trong trẻo của chúng khi cháu dạy cho chúng tập đọc, làm toán, viết chữ không? Nơi đây rất cần một cô giáo như cháu.

- Cháu.... Liên ngập ngừng.

Sáng sớm, Liên tạm biệt cô Thuần và Sơn, tạm biệt đồi chè và những đứa trẻ xóm núi để về phố. Những đứa trẻ mặt mũi lấm lem, buồn rầu đứng xếp hàng vẫy tay chào Liên lưu luyến. Mới hơn hai tháng mà sao Liên thấy thân thuộc với nơi này đến lạ. Xe chạy, Liên ngồi lặng ngắm núi rừng qua ô cửa kính, con đường đất đỏ dần xa. Liên trở về phố nhưng lòng thì đã giăng mắc nơi này. Cô nở nụ cười tươi, tự nhủ: Mình sẽ quay lại nơi này trong một ngày gần nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.