Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương - Khoa Giáo dục Chính trị (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) - sau khảo sát về chương trình đào tạo một số trường sư phạm trong cả nước (Trường ĐHSP Hà Nội, Trường ĐHSP Huế, Trường ĐHSP Đà Nẵng và Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh) đã chỉ ra những bất cập chủ yếu trong chương trình thực tập sư phạm hiện nay.
Học phần nghiệp vụ sư phạm chiếm thời lượng quá ít
Theo khảo sát, trong tổng số tín chỉ phải tích lũy của các ngành sư phạm (từ 130 - 135 tín chỉ, không tính học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng), số học phần nghiệp vụ sư phạm chỉ có khoảng từ 23 - 27 tín chỉ.
Trong đó, tổng số học phần nghiệp vụ sư phạm chuyên ngành (không tính các học phần kiến tập sư phạm và thực tập sư phạm) cũng rất ít, chỉ khoảng 13 - 19 tín chỉ.
Các trường đều xây dựng chương trình dành cho các học phần kiến thức chuyên ngành chính nhiều hơn các học phần nghiệp vụ sư phạm.
"Hệ thống gồm 7 Trường: ĐHSP Hà Nội, ĐHSP TP Hồ Chí Minh, ĐHSP Thái Nguyên, ĐHSP Hà Nội 2, ĐH Vinh, ĐHSP Huế, ĐHSP Đà Nẵng đã có sự phối hợp để điều chỉnh chương trình đào tạo các ngành cử nhân sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Sự điều chỉnh này sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên trung học phổ thông của nước ta trong thời gian sắp tới" - thạc sĩ Nguyễn Thị Hương.
Điều này cho thấy, nhìn chung, chương trình và thời lượng dành cho bộ môn phương pháp của chuyên ngành còn quá ít so với mục đích, yêu cầu và đòi hỏi đề ra của ngành sư phạm.
Mặt khác, đặc thù của đào tạo sư phạm là dạy nghề, truyền nghề nên các kỹ năng này cần được rèn luyện, trau dồi thường xuyên.
Do đó, học phần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên là học phần hết sức quan trọng, nhưng chỉ có Trường ĐHSP Hà Nội và Trường ĐHSP Huế có xây dựng học phần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên trong chương trình thực tập sư phạm. Các trường còn lại chưa có tên học phần này trong chương trình đào tạo của các ngành sư phạm.
Một trong những nguyên nhân là do các trường chưa nhận sự đồng thuận từ Sở GD&ĐT, cũng như trường phổ thông của địa phương trong phối hợp, tạo điều kiện để sinh viên đến tìm hiểu, học tập...
Từ số lượng ít ỏi của các học phần nghiệp vụ sư phạm, cộng với hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên vẫn chưa hiệu quả nên phần lớn sinh viên khi về thực tập ở các trường phổ thông đều thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống sư phạm và kỹ năng sư phạm.
Được biết, trước hạn chế này, theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, Trường ĐHSP Hà Nội đã xây dựng một chương trình khung cho các ngành sư phạm, điều chỉnh theo hướng tăng cường những học phần nghiệp vụ sư phạm, tăng cường thời lượng học phần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên.
Bố trí kế hoạch đào tạo chương trình thực tập sư phạm chưa phù hợp
Kế hoạch đào tạo chương trình thực tập sư phạm của hầu hết các trường sư phạm được khảo sát đều bố trí học phần lý luận và phương pháp dạy học bộ môn vào năm thứ ba (thường là học kỳ 5).
Điều này là chưa hợp lý vì thời điểm năm thứ hai đại học, bước đầu sinh viên phải được về làm quen với không khí trường phổ thông, họ sẽ từng bước hiểu vị trí, vai trò của người giáo viên trong công tác giảng dạy cũng như công tác chủ nhiệm.
Từ những quan sát ban đầu, sinh viên sẽ ý thức xác định cho mình những yêu cầu, đặc điểm cần phải rèn luyện để trở thành một người giáo viên thực thụ.
Do đó, muốn bước đầu làm quen với môi trường ở phổ thông thực sự hiệu quả thì sinh viên cần phải được trang bị những lý luận cơ bản về dạy học bộ môn từ năm thứ hai.
Mặt khác, thời điểm học lý thuyết (cả về môn chuyên ngành lẫn môn nghiệp vụ) và thời điểm thực tập không trùng nhau.
Tức là theo kế hoạch đào tạo của các trường, thời gian thực hiện học phần kiến tập và thực tập sư phạm đều là năm thứ tư. Điều này khiến sinh viên lúng túng trong kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại các đợt kiến tập và thực tập sư phạm.
Bất cập trong công tác thực tập sư phạm
Kế hoạch thực tập sư phạm của sinh viên tại các trường THPT thường được bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4 trong năm, tức là học kỳ 8, năm thứ tư của sinh viên sư phạm, thời gian kéo dài 8 tuần cho hệ đại học.
Chương trình thực tập sư phạm thường được các trường đại học sư phạm tổ chức khá chặt chẽ. Tuy nhiên, công tác thực tập sư phạm hiện nay vẫn còn một số bất cập chủ yếu sau:
Một là, giáo sinh khó vận dụng phương pháp mới trong thời gian thực tập do giữa kiên thức hàn lâm được học trong trường đại học và thực tế phổ thông có khoảng cách; ở trường đại học dạy những gì cho là cần thiết để trở thành giáo viên - khác với việc dạy và rèn những kỹ năng mà người giáo viên cần có khi tác nghiệp.
Hai là, sự phối hợp giữa trường đại học và trường phổ thông còn thiếu chặt chẽ, ngoài đợt thực tập hầu như không có liên lạc giữa các khoa và giáo viên phổ thông, nên không có điều kiện thường xuyên cập nhật kiến thức của người giáo viên phổ thông để việc thực tập được phối hợp nhịp nhàng.
Ba là, việc đánh giá thực tập sư phạm của giáo sinh còn gặp nhiều điều bất cập, mặc dù có phiếu đánh giá khá chi tiết: Sự chênh lệch về đánh giá từ trường này sang trường khác, từ giáo viên hướng dẫn này sang giáo viên khác; điểm thực tập thường không phản ánh được thực chất hoạt động thực tập của giáo sinh; mục tiêu thực tập sư phạm cũng chưa thật rõ ràng nên ý kiến rất khác nhau về thời gian thực tập.
Bốn là, hệ thống cơ sở vật chất ở các trường THPT có sinh viên về thực tập vẫn còn hạn chế (mặc dù đã được đầu tư).
"Tóm lại, chương trình thực tập sư phạm của các trường sư phạm hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, cần đề ra những biện pháp quan trọng để điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng thực tập sư phạm của sinh viên các ngành sư phạm ở nước ta" - Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương tổng kết.