Thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên

GD&TĐ - Chưa có lúc nào việc đổi mới đào tạo sư phạm và xem xét lại chương trình đào tạo giáo viên trong các trường ĐH sư phạm lại trở thành một đòi hỏi cấp thiết đến thế trong giai đoạn hiện nay.

Thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên

Đưa ra nhận định này, TS Phạm Thị Kim Anh (Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã chỉ ra những bất cập, hạn chế của chương trình đào tạo giáo viên (GV) hiện nay (từ chương trình khung đến chương trình chi tiết), từ đó đề xuất một số định hướng phát triển chương trình đào tạo GV đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Chương trình đào tạo sư phạm chưa thể hiện được tính nghề nghiệp

Theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT (2006), cấu trúc chương trình đào tạo GV được quy định cụ thể về khối lượng kiến thức cho tất cả các ngành học trước đây là 210 đơn vị học trình và được thiết kế trong thời gian đào tạo là 4 năm.

Sau khi chuyển đổi sang học chế tín chỉ (với tổng số lượng là 120 tín chỉ đến 140 tín chỉ), chương trình đào tạo sư phạm vẫn bộc lộ khá nhiều bất cập.

Qua sự nghiên cứu, so sánh, phân tích và mổ xẻ của nhiều chuyên gia giáo dục thì chương trình khung giáo dục ĐH khối ngành sư phạm của Việt Nam hiện nay có ba tồn tại cần khắc phục:

"SV chưa được “tắm mình” trong các tình huống cụ thể trong dạy học và giáo dục ở trường phổ thông; từ đó cảm thấy ít gắn bó với môn học và mang tâm lí học đối phó. Kết quả là, nhiều SV ra trường bị hẫng hụt và hết sức lúng túng trước những tình huống mà họ gặp phải ở trên lớp".
Một là, tỷ lệ thời gian đào tạo dành cho các khối kiến thức chưa hợp lý. Tổng thời gian dành cho kiến thức sư phạm chỉ có 33 - 36 đơn vị học trình (đvht), chiếm từ 16 - 18%. Trong đó, thực tập sư phạm chỉ chiếm 10 đvht/210 đvht. Còn kiến thức đại cương chiếm tới 38% thời lượng.

Hai là, mọi chuyên ngành đào tạo trong trường sư phạm cùng chung một khối kiến thức giáo dục đại cương là bất hợp lý. Thực tế cho thấy, tất cả 14 ngành sư phạm đào tạo giáo viên THPT đều có các môn đại cương như nhau.

Ba là, chương trình chưa phù hợp với từng trường. Đối với thời gian thực tập của các sinh viên cũng rất ít. Chỉ có 8-10 tuần đi thực tập và cũng chỉ giới hạn ở một số tiết nhất định tại trường phổ thông.

Về chương trình chi tiết: Sau khi chuyển đổi sang học chế tín chỉ, Chương trình đào tạo GV trong các trường sư phạm đã có sự điều chỉnh, thay đổi ít nhiều, tuy nhiên vẫn còn những bất cập.

Có ý kiến cho rằng, chương trình đào tạo GV trong các trường sư phạm còn quá nặng, có nhiều phần trùng lặp. Số lượng các học phần quá lớn vì sinh viên phải học rất nhiều môn, nhưng nội dung lại dàn trải, thiếu trọng tâm. 

Trong số đó có đến một nửa thời gian học các môn đại cương và các môn khoa học chính trị. Do vậy, kiến thức mà sinh viên tiếp thu được không sâu.

Khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm còn ít nên việc rèn các kỹ năng nghề nghiệp cho SV như: Kỹ năng giao tiếp, diễn đạt, thuyết trình, làm việc nhóm, tư duy phê phán, giải quyết vấn đề còn hạn chế. Chương trình cũng chưa tạo điều kiện cho việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực và hiệu quả.

Nội dung các học phần Tâm lí học, Giáo dục học vẫn nặng về lí thuyết và có tính chất hàn lâm, chưa thực sự gắn kết và bắt kịp với sự biến đổi ngày càng phức tạp ở thực tế phổ thông.

Các học phần về phương pháp dạy học bộ môn tuy đã cố gắng trang bị cho SV nắm vững hệ thống các phương pháp DH và cập nhật những vấn đề đổi mới về phương pháp giảng dạy ở phổ thông, song vẫn còn khoảng cách khá xa giữa lí thuyết và thực tiễn, giữa đào tạo ở trường sư phạm với thực tế giảng dạy ở nhà trường.

Nhiều SV khi thực tập SP rất ngỡ ngàng, lúng túng trước những yêu cầu của GV hướng dẫn dưới phổ thông (như cách lập kế hoạch dạy học, thiết kế giáo án; trình bày bài giảng, sử dụng các phương tiện, đồ dùng trực quan, tổ chức các hoạt động dạy học - giáo dục ngoài giờ lên lớp...).

"Từ những bất cập này, chúng tôi cho rằng, chương trình đào tạo ĐH sư phạm chưa thể hiện được tính nghề nghiệp của nó. Nếu cho rằng phẩm chất của nhà giáo là: 

Kiến thức chuyên môn, năng lực sư phạm và lòng yêu nghề, thì các trường sư phạm hiện nay chủ yếu mới làm được một phần của yếu tố đầu (kiến thức chuyên môn) mà chưa chú trọng tới năng lực sư phạm (hay nghiệp vụ sư phạm).

Chính bởi vậy, nhiều sinh viên đi thực tập sư phạm gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng và khi ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của phổ thông" - Tiến sĩ Phạm Thị Kim Anh chia sẻ.

Chương trình phải đảm bảo các tiêu chí chuẩn nghề nghiệp GV

Mục tiêu của trường sư phạm là đào tạo SV trở thành GV các cấp học. Do đó, TS Phạm Thị Kim Anh cho rằng, chương trình đào tạo phải đạt được các tiêu chí về phẩm chất nhân cách và các năng lực của Chuẩn nghề nghiệp GV đã quy định.

Từ chuẩn nghề nghiệp GV, chương trình đào tạo GV của các trường SP phải được thiết kế một cách tổng thể các hoạt động của quá trình đào tạo, trong đó mô tả mục tiêu, các khối kiến thức, năng lực, phẩm chất cụ thể, các phương pháp, hình thức tổ chức, kế hoạch đào tạo, các tiêu chí để kiểm tra đánh giá chất lượng đào tạo. Các thành phần đó chỉ ra những phẩm chất năng lực mà quá trình đào tạo phải đạt được. Đó cũng chính là chuẩn tốt nghiệp ĐHSP.

Thiết kế hướng vào sự thay đổi vai trò của GV trong xã hội hiện nay

TS Phạm Thị Kim Anh nhấn mạnh: Theo quan niệm mới, GV hiện nay phải trở thành : Nhà giáo dục, Nhà nghiên cứu, Người học, Nhà văn hóa- xã hội.

"Việc đào tạo trong trường sư phạm mới chỉ là sự chuẩn bị ban đầu cho một người bước vào nghề và sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn hành nghề. Do đó GV phải là người học suốt đời và phải trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực học để tự bồi dưỡng và hướng dẫn HS học tập" - TS Phạm Thị Kim Anh
 GV là nhà giáo dục, theo nghĩa rộng, nghĩa là GV không chỉ có vai trò giảng dạy, truyền thụ kiến thức mà là nhà giáo dục chuyên nghiệp, thực hiện sứ mệnh cải tạo xã hội và phát triển toàn diện HS bằng năng lực tư duy và năng lực hành động để HS không ngừng phát triển nhận thức, trí tuệ, sức khoẻ, những xúc cảm và kĩ năng cần thiết, cơ bản của con người.

GV đồng thời phải có vai trò là người nghiên cứu và giải quyết những vấn đề của thực tiễn giáo dục. Nói cách khác, GV là người lao động sáng tạo, xây dựng và phát triển những kiến thức mới trên cơ sở quan sát, phân tích, suy ngẫm và tổng kết những kinh nghiệm từ thực tiễn giáo dục và hoạt động nghề nghiệp của bản thân để giáo dục học sinh.

GV phải là người học suốt đời để vừa nâng cao năng lực cá nhân, sự hiểu biết về xã hội và khoa học trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục HS.

GV là nhà văn hoá - xã hội: Điều này nhấn mạnh đến trách nhiệm đóng góp của GV trong cộng đồng nơi cư trú và cộng đồng địa phương như một công dân có ý thức trách nhiệm xây dựng môi trường văn hóa - xã hội qua tấm gương nhân cách, đạo đức của mình. Nói cách khác, GV sẽ đóng vai trò tích cực vào các phong trào xây dựng văn hoá của địa phương, cộng đồng.

Với 4 vai trò trên đây, đòi hỏi chương trình đào tạo GV phải hướng tới việc đào tạo những giáo sinh tương lai trở thành nhà GD, người nghiên cứu, người học suốt đời và nhà văn hóa - xã hội.

Xây dựng chương trình theo tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực nghề

Mục tiêu của các trường sư phạm là đào tạo ra những SV có đủ năng lực thực hiện các hoạt động cơ bản trong thực tiễn nghề nghiệp và giải quyết tốt các tình huống xảy ra trong bối cảnh cụ thể của thực tiễn giáo dục. Đặc biệt, sau năm 2015 chương trình - SGK mới ở phổ thông sẽ được biên soạn theo định hướng phát triển năng lực HS.

Vì thế, Tiến sĩ Phạm Thị Kim Anh cho rằng, chương trình đào tạo GV phải cấu trúc và thiết kế lại sao cho phát triển được những năng lực nghề cần thiết và vững chắc cho SV để có thể đáp ứng với thực tiễn phổ thông.

Muốn vậy, trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo GV cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa học lí thuyết với thực hành, thực tập; tri thức lí luận với tri thức thực tiễn; tri thức khoa học với tri thức kinh nghiệm và tri thức hành động theo định hướng phát triển năng lực nghề. Trong đó chú trọng rèn luyện các năng lực dạy học - giáo dục cho SV.

Trong chương trình đào tạo phải đặt bộ môn phương pháp dạy-học và kiến thức về nghiệp vụ sư phạm vào một vị trí thích đáng đồng thời chăm lo đầu tư cho bộ môn này thực sự trở thành rường cột trong đào tạo nghiệp vụ sư phạm.

Theo tiếp cận này thì mục tiêu của chương trình đào tạo phải được cụ thể hóa bằng hệ thống năng lực của người GV: Năng lực chuyên ngành, năng lực dạy học và giáo dục, năng lực đánh giá, năng lực sáng tạo và đổi mới, năng lực nghiên cứu, năng lực phát triển chương trình, năng lực giao tiếp; năng lực thích ứng môi trường; năng lực học tập suốt đời, năng lực văn hóa - xã hội, năng lực cảm xúc, năng lực truyền thông, năng lực công nghệ thông tin, năng lực phát triển nghề...

Thiết kế phù hợp với sự thay đổi chương trình - SGK mới

Chương - SGK mới được xây dựng theo quan điểm chuyển từ việc trang bị kiến thức sang hình thành năng lực cho HS; dạy theo chương trình tích hợp và phân hóa. Vì thế số môn học ở phổ thông giảm, chủ yếu là hoạt động giáo dục (nhiều môn không còn nữa mà tích hợp trong môn KHTN và KHXH).

Theo TS Phạm Thị Kim Anh, thực tế này đòi hỏi các trường sư phạm phải tái cấu trúc lại các khoa và xây dựng lại chương trình đào tạo mới theo hướng dạy học tích hợp và phân hóa để SV ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ