Có thể nói, những hình tượng nhân vật độc đáo, sống lâu bền trong lòng độc giả luôn thể hiện sâu sắc nhất tư tưởng, tình cảm, chủ đề, thông điệp của nhà văn. Hình tượng nhân vật trong truyện ngắn hiện lên sinh động, hấp dẫn và bộc lộ được những vẻ đẹp tâm hồn xúc động lòng người là nhờ vào tài năng của nhà văn trong việc tạo nên những chi tiết tiêu biểu, tình huống truyện độc đáo, điểm nhìn trần thuật, ngôi kể, giọng điệu riêng.
Nhân vật xuất hiện qua chi tiết tiêu biểu
Hình tượng nhân vật trong truyện ngắn hiện lên sinh động là nhờ vào sự đan kết của hệ thống chi tiết, đặc biệt là những chi tiết tiêu biểu. Đặc trưng nghệ thuật của hình tượng nhân vật không chỉ thể hiện ở chiều sâu tư tưởng hay khả năng phản ánh mà còn ở tính sinh động của chi tiết.
Nhân vật được miêu tả bằng chi tiết bởi đó là những biểu hiện mọi mặt của con người mà người ta căn cứ để cảm biết về nó. Qua chi tiết, chúng ta có thể nhận diện được chân dung, hành động, tính cách, tâm trạng, suy nghĩ, quá trình nội tâm, tiểu sử điển hình của nhân vật.
Konstantin Paustovsky - nhà văn Liên Xô nổi tiếng với thể loại truyện ngắn đánh giá vai trò của chi tiết như sau: “Không có chi tiết thì tác phẩm không sống được”.
Trong truyện ngắn, những chi tiết đắt giá ngoài ý nghĩa chân thực còn có tính dự báo và khơi gợi ở người đọc những liên tưởng sâu xa về quá khứ hoặc có thể phán định được tương lai của nhân vật. Bên cạnh đó, nhờ vào những chi tiết hay mà không khí, cảnh trí, tình huống, tính cách, tâm tư và những phần sâu kín nhất của nhân vật cũng được bộc lộ đầy đủ.
Hegel - nhà triết học người Đức xem chi tiết như những con mắt trổ những “cửa sổ” để người ta nhìn vào nhân vật. Như vậy, nếu xem thế giới hình tượng nhân vật là “linh hồn” của tác phẩm truyện thì chi tiết chính là “chìa khóa” để mở ra và khám phá thế giới nghệ thuật ấy.
“Chữ người tử tù” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân và được xem là tác phẩm thành công nhất của tập “Vang bóng một thời” với những hình tượng nhân vật độc đáo. Huấn Cao là một nhân vật hội tụ đủ tài hoa, khí phách và thiên lương.
Chi tiết đặc sắc và tiêu biểu nhất trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” là cảnh cho chữ của Huấn Cao và viên quản ngục. Cảnh tượng này quả là lạ lùng, chưa từng có vì trò chơi chữ nghĩa thanh tao có phần đài các lại không diễn ra trong thư phòng, thư sảnh, mà lại diễn ra nơi ngục tối chật hẹp, bẩn thỉu, hôi hám.
Cảnh tượng lạ lùng chưa từng thấy là hình ảnh tên tử tù cho chữ thì nổi bật lên uy nghi lộng lẫy, còn viên quản ngục và những kẻ đại diện cho xã hội đương thời thì lại khúm núm run rẩy. Điều đó cho thấy rằng trong nhà tù tăm tối, hiện thân cho cái ác, cái tàn bạo đó, không phải cái ác, cái xấu đang thống trị mà chính cái đẹp, cái dũng, cái thiện, cái cao cả đang làm chủ.
Với cảnh cho chữ này, cái nhà ngục tăm tối đã đổ sụp, bởi vì không còn kẻ phạm tội tử tù, không có quản ngục và thơ lại, chỉ có người nghệ sĩ tài hoa đang sáng tạo cái đẹp trước đôi mắt ngưỡng mộ sùng kính của những kẻ liên tài, tất cả đều thấm đẫm ánh sáng thuần khiết của cái đẹp, cái đẹp của thiên lương và khí phách.
Cũng với cảnh này, người tử tù đang đi vào cõi bất tử. Sáng mai ông sẽ bị tử hình, nhưng những nét chữ vuông vắn, tươi đẹp hiện lên cái hoài bão tung hoành cả một đời của ông trên lụa bạch sẽ còn đó. Và nhất là lời khuyên của ông đối với tên quản ngục có thể coi là lời di huấn của ông về đạo lý làm người trong thời đại nhiễu nhương đó.
Quan niệm của Nguyễn Tuân là cái đẹp gắn liền với cái thiện. Người say mê cái đẹp trước hết phải là người có thiên lương. Cái đẹp của Nguyễn Tuân còn gắn với cái dũng. Hiện thân của cái đẹp là hình tượng Huấn Cao với khí phách lừng lẫy đã sáng rực cả trong đêm cho chữ trong nhà tù.
Vẻ đẹp nhân vật bộc lộ qua tình huống truyện
Hình tượng nhân vật trong truyện ngắn còn mang nét tính cách điển hình trong các tình huống truyện.
Tình huống truyện là “tình thế nảy ra truyện”, “lát cắt” của đời sống, “một khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc”, “khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, thậm chí cả “một đời nhân loại”.
Tình huống là thời khắc tiêu biểu có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống con người. Tác giả Bùi Việt Thắng nhận định: “Tại thời khắc đó nhân vật có cơ hội kết nối, tương tác,… và cũng ở thời khắc đó nhân vật đã bộc lộ cái bản chất trong quan hệ giữa các tính cách của mình”.
Với truyện ngắn, tình huống là hoàn cảnh bộc lộ sắc nét nhất tính chất bước ngoặt trong sự lưu chuyển về cuộc đời của hình tượng nhân vật. Các truyện ngắn tạo được tình huống truyện độc đáo có thể kể đến như “Chí Phèo” của Nam Cao, “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, đặc biệt như truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân.
Đó là những truyện ngắn hấp dẫn được người đọc ngay từ tình huống truyện khi các nhà văn đã đặt các nhân vật vào những tình huống trớ trêu, éo le để từ đó các nhân vật đã bộc lộ được vẻ đẹp tâm hồn của mình.
Dù ở dạng tình huống nào, hình tượng nhân vật đều hiện lên sinh động, trọn vẹn và mang tính cách điển hình. Tình huống hành động là loại sự kiện đặc biệt, trong đó nhân vật bị đẩy tới tình thế buộc phải giải quyết bằng hành động. Từ đó, hệ thống điệu bộ, hành vi cũng như tính cách nhân vật hiện lên chân thực nhất.
Tình huống tâm trạng thúc đẩy nhân vật phát lộ ra thế giới bên trong bằng một sự kiện đặc biệt của đời sống. Sự kiện đó đưa nhân vật rơi vào một tình thế làm nảy sinh một biến động nào đó trong thế giới tình cảm. Với tình huống này, nhân vật hiện ra chủ yếu bằng thế giới nội cảm, qua đó, người đọc khám phá nét tính cách, sự vận động của tâm lí và những vẻ đẹp trong phẩm chất.
Tình huống nhận thức trong truyện ngắn được xem như là một sự kiện đặc biệt của đời sống. Nhân vật được đẩy tới tình thế bất thường, nhân vật phải đối mặt với một bài học nhận thức hay bật lên vấn đề cần phải vỡ lẽ và giác ngộ.
Như vậy, giữa nhân vật với nhân vật, tình huống với tình huống có mối quan hệ mật thiết và tác động lẫn nhau. Thông qua các tình huống được tổ chức đan xen, nhân vật hiện lên rõ nét và sống động.
Hình tượng nhân vật trong truyện ngắn là một lát cắt hay một đoạn đời nổi bật trong số phận con người. Trong truyện ngắn, tác giả thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người.
Truyện ngắn không nhằm tới việc khắc họa những tính cách điển hình có cá tính đầy đặn, nhiều mặt trong mối quan hệ với hoàn cảnh mà chỉ là hiện thân của một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người. Vì vậy, trong sáng tác, nhà văn luôn ý thức cần phải tuyển lựa những gì nổi bật và độc đáo nhất để đưa vào trong tác phẩm của mình. Nhà lí luận Paul Bourget nhận xét rất thú vị rằng: “Truyện ngắn là độc tấu. Tiểu thuyết là giao hưởng”.
Điểm nhìn trần thuật, ngôi kể, giọng điệu
Hình tượng nhân vật trong truyện ngắn tồn tại phong phú và sinh động còn nhờ vào các phương tiện nghệ thuật trong thi pháp truyện ngắn như: Điểm nhìn trần thuật, ngôi kể, giọng điệu.
Mỗi nhà văn khi sáng tạo truyện ngắn bao giờ cũng lựa chọn điểm nhìn phù hợp và độc đáo. Điểm nhìn có thể hiểu là chỗ đứng, góc nhìn, vị trí mà từ đó người kể chuyện đứng ra trần thuật, bình giá về mọi sự vật và con người được nói đến. Điểm nhìn thể hiện vị trí người kể dựa vào quan sát, cảm nhận, đánh giá các nhân vật và sự kiện.
Từ các điểm nhìn khác nhau, chúng ta có thể soi thấu nhân vật từ mọi góc diện. Nhà điện ảnh Xô Viết Puđôpkin luôn đề cao giá trị của điểm nhìn trong sáng tạo nhân vật: “Việc xác định điểm nhìn để tái hiện đời sống như mở một con đường đi vào rừng rậm. Xác định đúng tạo cho người đi cái thế nhìn sâu trông xa, đưa họ đến cái điểm nhận thức và cảm thụ mà nhà văn muốn đạt đến”.
Lí thuyết tự sự chia ra nhiều loại điểm nhìn khác nhau. Mỗi góc quay đều mang đến cho người đọc cái nhìn cụ thể, chi tiết và tự nhiên về nhân vật. Chúng tôi chỉ tập trung phân tích một số điểm nhìn cơ bản sau:
+ Điểm nhìn bên trong là kể xuyên qua cảm nhận của nhân vật. Ở điểm nhìn này, người kể chuyện là chính nhân vật trong truyện với những dòng tâm lí phức tạp được bộc lộ qua lời độc thoại. Điểm nhìn này cho phép chúng ta soi quét vào thế giới nội tâm nhân vật với tất cả tính chất bề bộn, phong phú và bí ẩn của nó.
+ Điểm nhìn bên ngoài: Người trần thuật, miêu tả sự vật từ phía bên ngoài nhân vật, kể những điều mà nhân vật không biết. Điểm nhìn này cho phép người kể chỉ trần thuật và miêu tả những gì quan sát thấy, chứ không có khả năng lách sâu vào nội tâm nhân vật. Lúc này, nhân vật hiện lên bằng cái nhìn ngoại hiện với những nét nổi bật của ngoại hình, hành động, cử chỉ, điệu bộ, hành vi.
+ Điểm nhìn “từ đằng sau” (gắn với điểm nhìn toàn tri): Người kể chuyện có vai trò toàn năng với cái nhìn thông suốt tất cả. Chính vì vậy, nhân vật trong truyện hiện lên toàn vẹn, phong phú và sinh động.
Sau điểm nhìn, ngôi kể - người kể chuyện cũng là một phương thức quan trọng để thể hiện nhân vật của nhà văn. Ngôi kể trong truyện ngắn có thể lộ diện hay ẩn tàng, kể ở ngôi thứ nhất, thứ hai hoặc thứ ba, có thể đáng tin cậy hay không tin cậy,… Qua đó hình tượng dần dần lộ diện để người đọc có thể tái hiện nhân vật chính xác và đầy đủ nhất. Người kể chuyện thường xuất hiện ở các ngôi kể sau:
+ Người kể chuyện ngôi thứ nhất thường xưng “tôi” và hiện lên như một nhân vật trong truyện. Nhân vật “tôi” có thể đóng vai trò người dẫn chuyện trong tác phẩm hoặc một phần tử trong hệ thống nhân vật tham gia vào các tình huống truyện. Bản thân hình tượng nhân vật “tôi” có ý nghĩa nhân đôi khi nó vừa là người kể chuyện về các nhân vật khác, đồng thời cũng là đối tượng nhận thức trở lại của chính mình.
Các nhân vật xuất hiện trong câu chuyện của nhân vật “tôi” cũng được thể hiện trong sự kết hợp giữa việc miêu tả hành động, lời nói với những diễn biến tâm lí phức tạp bên trong của nhân vật. Trong tác phẩm, nhân vật “tôi” - người kể chuyện thường có sự trao đổi điểm nhìn với các nhân vật khác trong khi kể chuyện, đồng thời xuất hiện hiện tượng một sự vật, sự việc được nhìn nhận từ nhiều điểm nhìn khác nhau từ các nhân vật trong truyện.
+ Người kể chuyện ngôi thứ hai thường là hình thức phân thân của cái “tôi” kể chuyện, kể về chính những trải nghiệm của bản thân. Qua đó, nó tạo cảm giác về tính đa diện và đa trị của tâm lí, nhân cách con người, cho phép nhà văn đi sâu những ngóc ngách thầm kín của nhân vật để bộc lộ tư tưởng, tình cảm chân thực. Trong ngôi kể này, nhân vật có một sự tồn tại sinh động và đa chiều bởi sự tương tác của các điểm nhìn được tổ chức luân phiên trong quá trình trần thuật.
+ Người kể chuyện ngôi thứ ba không phải là nhân vật trong truyện mà kể câu chuyện về trải nghiệm của người khác. Người ta gọi đây là người kể chuyện ẩn tàng vì trên bề mặt văn bản, người kể chuyện không có ngôi xưng, không xuất đầu lộ diện, nhưng có mặt ở tất cả mọi yếu tố của câu chuyện để khâu nối nhân vật với nhân vật cho đến nhân vật với môi trường và hoàn cảnh. Qua ngôi kể này, chúng ta nhận thấy sự tồn tại sinh động, phong phú của nhân vật bởi điểm nhìn, ngôi kể của nhà văn luôn di chuyển linh hoạt.
Cuối cùng, vẻ đẹp hình tượng nhân vật còn được hiện rõ qua giọng điệu (Strain) là một trong những “chìa khoá” quan trọng để giải mã thông điệp nghệ thuật. Tuy nó là một yếu tố nghệ thuật nhưng lại mang tính nội dung rõ nét. Trong truyện ngắn, giọng điệu do chính người kể chuyện thiết lập nên tạo sức hấp dẫn cho câu chuyện và khuôn mặt thẩm mỹ của nhà văn.
Tác giả Trần Đình Sử cho rằng: “Trong truyện giọng điệu phức tạp hơn, chủ yếu gồm hai giọng cơ bản, đó là giọng nhân vật đối với thế giới và giọng của người kể chuyện đối với nhân vật”. Tùy theo đặc điểm tính cách, số phận nhân vật, người kể và các mối quan hệ đa dạng mà ta có giọng điệu đa dạng. Lời người trần thuật ngoài giọng điệu người trần thuật còn mang giọng điệu của nhân vật, có lời của nhân vật này lại mang giọng của nhân vật mà nó đối thoại. Như vậy, nhân vật trong truyện tồn tại phong phú và phức tạp là còn bởi sự đa dạng trong giọng điệu trần thuật của người kể chuyện.