Yếu tố then chốt hiện thực hóa chủ trương đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Việc xây dựng lại chương trình đào tạo giáo viên được coi như điểm then chốt để hiện thực hóa chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Yếu tố then chốt hiện thực hóa chủ trương đổi mới giáo dục

Khẳng định điều này, PGS.TS Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) - cho biết, một trong những điểm đáng quan tâm là nhà trường đã xác định mục tiêu đào tạo mới với sự thay đổi căn bản.

Đó là: Từ mô hình đào tạo giáo viên dạy môn học cụ thể sang mô hình đào tạo chuyên gia giáo dục thuộc lĩnh vực chuyên môn, có học vấn nền tảng rộng và sâu, thành thạo về nghiệp vụ, có năng lực giảng dạy tích hợp và tổ chức các hoạt động giáo dục, năng lực phát triển chương trình và đánh giá, có phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu mới của chương trình giáo dục nhà trường sau 2015.

Thay đổi cách làm chương trình đào tạo giáo viên

Nhận thức về chương trình giáo dục cần phải có sự thay đổi quyết liệt về nguyên tắc, cách làm, xác định rõ những trở ngại chủ quan từ những người làm chương trình và nhận thức đúng về giá trị của đổi mới chương trình, PGS.TS Phạm Hồng Quang cho biết:

Trường ĐH SP Thái Nguyên đã chỉ đạo quyết liệt việc chuyển hóa sư phạm từ các kết quả khoa học chuyên ngành, giảng viên cần lựa chọn nội dung thiết thực, phù hợp với chuyên ngành đào tạo, lĩnh vực đào tạo, trong đó trọng tâm là xác định việc sử dụng những mô-đun kiến thức nào để đưa vào chương trình và phải lí giải được những nội dung này hình thành năng lực gì cho sinh viên sư phạm khi tốt nghiệp.

"Yếu tố cốt tử để thành công trong việc thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là người giáo viên. Để nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên phổ thông, vai trò của các trường đại học sư phạm là rất quan trọng" - PGS.TS Phạm Hồng Quang
Vấn đề là trong chương trình mới nên tăng cường các hoạt động giáo dục để phát triển năng lực người học. Cơ cấu giữa kiến thức nền tảng và chuyên sâu khoảng 70/30%. Tỉ lệ giữa lí thuyết và thực hành được quy định ở đề cương môn học, phấn đấu đạt đến 50/50%.

Khi nghiên cứu môn học, giảng viên cần phân biệt rõ giữa yếu tố phương tiện và mục đích. Kiến thức (dưới dạng mô-đun) được coi là là phương tiện để giáo dục, còn năng lực người học (yếu tố cần được hình thành) là mục tiêu của giáo dục.

Các bước cơ bản để xây dựng chương trình đào tạo giáo viên

Nói về vấn đề này, PGS.TS Phạm Hồng Quang dẫn cách làm chương trình trước đây chủ yếu quan tâm đến việc phân chia kiến thức sẵn có và không trả lời được một cách thuyết phục câu hỏi: Dạy môn học đó để làm gì?

Từ đó, đưa ra cách tiếp cận năng lực và khi trách nhiệm người giáo viên thay đổi với tư cách là người hướng dẫn, chuyên gia giáo dục đòi hỏi cần triển khai việc xây dựng chương trình đào tạo giáo viên gồm 3 bước chính:

Bước 1: Nghiên cứu giáo dục phổ thông. Ở bước này gồm 2 việc chính là: Đánh giá thực trạng về chương trình, SGK hiện hành về các ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân; Xác định các yêu cầu cơ bản của chương trình giáo dục mới: hình thành năng lực cho học sinh, chương trình tích hợp, tăng các hoạt động, tạo lĩnh vực mới về tự nhiên, xã hội...

Những nội dung này phải được phân tích cẩn trọng và kĩ lưỡng theo quan điểm mới để làm cơ sở tiền đề, đồng thời là điểm cuối để đối chiếu kết quả của việc triển khai các nội dung cụ thể trong quá trình đổi mới.

Bước 2: Nghiên cứu mô tả cấu trúc năng lực người giáo viên (xác định rõ hơn mục đích đào tạo). Căn cứ vào hệ thống năng lực và phẩm chất nhân cách người giáo viên được xác định trong các văn bản, tham khảo chuẩn đầu ra, chuẩn nghề nghiệp, tham khảo chuẩn POHE, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, những yếu tố giúp cựu sinh viên thành đạt, với yêu cầu chung là mô tả năng lực dưới dạng có thể “quan sát” được.

Kết quả của bước này là sản phẩm mô tả rõ năng lực giáo viên khoa học tự nhiên (tích hợp kiến thức vật lí, hóa học, sinh học, toán, tin học, địa lí tự nhiên) giáo viên khoa học xã hội (tích hợp kiến thức lịch sử, địa lí lí xã hội, giáo dục công dân, tâm lí giáo dục và ngữ văn); năng lực giáo viên đơn ngành: Toán, Ngữ văn; năng lực giáo viên ngành đặc thù: Mầm non, tiểu học, nghệ thuật, thể thao, ngoại ngữ.

Bước 3: Nghiên cứu chương trình sư phạm hiện hành và đổi mới. Ở bước này thực hiện 2 công việc trên cơ sở nghiên cứu bước 2 và 1 gồm:

Thứ nhất: Rà soát chương trình hiện hành, yêu cầu trả lời câu hỏi: Môn học này giúp cho việc hình thành năng lực gì cho sinh viên? Tất cả các đề cương môn học được đem ra xem xét, lựa chọn với mục đích trên hoặc tái cấu trúc các nội dung từ nhiều đề cương khác nhau thành mô-đun mới.

Thứ hai: Chọn kiến thức mới ở trong chương trình hiện hành, ở kết quả nghiên cứu, ở nguồn khác.

"Có 2 vấn đề cần hiểu sâu trước khi triển khai bước này. Một là, tại sao phải tích hợp trong chương trình giáo dục? Hai là, tại sao phải thiết kế thành các mô-đun kiến thức?" - PGS.TS Phạm Hồng Quang nhấn mạnh.

Khâu cần tháo gỡ đầu tiên: Nhận thức

"Việc từ bỏ thói quen vốn ăn sâu vào tiềm thức đội ngũ giảng viên là một việc làm khó tuy nhiên không thể không làm với một quyết tâm cao và cách làm sáng suốt" - PGS.TS Phạm Hồng Quang .

PGS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, quá trình triển khai xây dựng mới chương trình đào tạo giáo viên là một công việc rất khó, gặp nhiều cản trở từ nội lực: Thói quen, ý thức đổi mới và xác định hiệu quả.

Mức độ hiểu biết về khoa học phát triển chương trình của giảng viên sư phạm rất khác nhau. Chuyển đổi từ cách tiếp cận nội dung sang cách tiếp cận năng lực là một cuộc cách mạng thực sự.

Khi có được một chương trình đào tạo giáo viên có chất lượng thì mọi vấn đề phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá sẽ được giải quyết triệt để và có sự thay đổi quan trọng về nhận thức của giảng viên sư phạm về chương trình đào tạo và chương trình bồi dưỡng giáo viên các cấp.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH SP Thái Nguyên, việc xây dựng lại chương trình đào tạo giáo viên được coi như điểm then chốt để hiện thực hóa chủ trương đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

Đây cũng là sản phẩm trí tuệ của nhà trường sư phạm và là nơi thể hiện rõ nhất quyết tâm đổi mới của trường. Khâu nhận thức phải được xem là then chốt và phải được tháo gỡ đầu tiên trong tiến trình xây dựng lại chương trình mới.

"Việc từ bỏ thói quen vốn ăn sâu vào tiềm thức đội ngũ giảng viên là một việc làm khó tuy nhiên không thể không làm với một quyết tâm cao và cách làm sáng suốt.

Để không lạc hướng và tạo ra được sức thuyết phục đối với người làm chương trình giáo dục, cần có đầy đủ cơ sở khoa học của vấn đề chương trình và đặc biệt là lựa chọn những nền tảng cơ bản của tri thức khoa học giáo dục hiện đại để triển khai đổi mới và gắn với lợi ích của giảng viên" - PGS.TS Phạm Hồng Quang nêu quan điểm.

"Trong thời gian vừa qua, Trường ĐHSP Thái Nguyên đã triển khai các biện pháp đồng bộ: Giảm chỉ tiêu tuyển sinh để nâng cao chất lượng đào tạo từ 2.900 (năm 2012) còn 1.800 (năm 2014);

Đã hình thành đội ngũ giảng viên có chất lượng tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa phổ thông; tổ chức triển khai thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường đối với trường THPT thực hành;

Xây dựng chương trình bồi dưỡng giảng viên, phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng cao; cử 500 lượt giảng viên đi tập huấn, bồi dưỡng, tham dự các hội thảo khoa học trong và ngoài nước;

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học giáo dục; thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động của nhà trường và địa phương;

Đổi mới mô hình bồi dưỡng, xây dựng 150 chuyên đề đào tạo lại giáo viên phổ thông, được ngân hàng thế giới đánh giá cao về sự chủ động và quan hệ tốt với giáo dục phổ thông;

Ngoài các đợt thực tập sư phạm, đã tổ chức cho gần 6000 lượt sinh viên đi thực tế tại các trường phổ thông; mời hơn 30 giáo viên dạy giỏi tại các trường phổ thông đến giảng dạy cho sinh viên năm cuối; cùng giảng viên xây dựng bài giảng mẫu; đã cử hơn 50 lượt giảng viên tham gia dự giờ, tham gia các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm;

Đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài số lượng gần 200 lưu học sinh; đã cử gần 100 lượt giảng viên đi học tập bồi dưỡng ngắn hạn về đổi mới chương trình giáo dục tại các nước Hàn Quốc, Úc, Đài Loan, Nhật Bản.

Để đổi mới chương trình đào tạo giáo viên; thực hiện đánh giá chuẩn đầu ra 4 chương trình đối với sinh viên tốt nghiệp và lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về 100% giảng viên; đẩy mạnh các hoạt động phát triển kĩ năng mềm cho sinh viên như: tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu chương trình, sách giáo khoa phổ thông”..." PGS.TS Phạm Hồng Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ