Điểm cao chưa chắc bằng “chiến thuật” giỏi

GD&TĐ - Từ ngày 19/9, thí sinh bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (bằng phương thức trực tuyến hoặc bằng phiếu). Các em không nên quá lo lắng về điểm cao hay điểm thấp, quan trọng là có “chiến thuật” để điều chỉnh nguyện vọng trúng và đúng với sở nguyện của mình.

Thí sinh dự thi môn Ngữ văn – Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: Thế Đại
Thí sinh dự thi môn Ngữ văn – Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: Thế Đại

Không nên quá lo lắng

Theo TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội, khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT, việc đầu tiên là các em thật bình tĩnh. Kết quả thi không thể thay đổi được, nhưng lựa chọn ngành nghề và trường học thì có thể điều chỉnh. Vì vậy, điểm cao – hay thấp không phải là vấn đề quá quan trọng, bởi “dễ người dễ ta và khó người khó ta”. Thay vì hân hoan khi đạt điểm cao, hay hụt hẫng, tiếc nuối vì điểm thi không được như mong muốn, thì các em nên xây dựng “chiến thuật” để điều chỉnh hoặc bổ sung nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Bởi đôi khi, điểm cao chưa chắc bằng “chiến thuật” giỏi.

TS Trương Tiến Tùng chia sẻ, nếu mong muốn học ngành nghề nào thì các em hãy đặt nguyện vọng vào ngành nghề đó ở mức độ ưu tiên cao hơn. Hiện nay, việc sở hữu nhiều tấm bằng đại học để có được vị trí công việc tốt hơn đang là lựa chọn của nhiều sinh viên. Các em có thể lựa chọn ngành học, mà ở đó có thể học song song một ngành khác để bổ trợ. Ví dụ: Quản trị kinh doanh và Luật; Công nghệ Thông tin và Tiếng Anh; Du lịch và Tiếng Trung Quốc – Tiếng Anh; Công nghệ Sinh học và Tự động hóa…

“Trong một ngành học có các mức độ yêu cầu đầu vào khác nhau, do đó, các em nên xác định theo hướng: Nghiên cứu, tổ chức công việc, thực hành công việc. Phương thức học cũng được phân chia theo các mức độ yêu cầu đầu vào khác nhau. Do vậy, các em có thể lựa chọn các ngành xét theo học bạ hoặc xét tuyển ngành đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến.

Quan trọng nhất là được làm việc mà mình yêu thích và cống hiến sức lao động cho xã hội. Vì thế, cần xem xét thật kỹ bản thân phù hợp mức độ nào trong ngành học, trường học và phương thức đào tạo nào, yếu tố gia đình. Thứ nữa là việc làm sau khi ra trường. Đó là những vấn đề mà các em nên quan tâm trước khi quyết định điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển” – TS Trương Tiến Tùng khuyến cáo.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2020. Ảnh: Sỹ Điền
Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2020. Ảnh: Sỹ Điền

“Rốt–đa” cho kế hoạch điều chỉnh nguyện vọng

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Thành - Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ Địa chất (Hà Nội) cho rằng: Thời điểm này, thí sinh tạm gác lại chuyện điểm cao, hay  thấp. Bởi các em vẫn còn quyền điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển của mình. Vì thế, điều cần quan tâm lúc này là, các em nghiên cứu và tính toán thật kỹ các ngành nghề mà mình yêu thích, sau đó đối chiếu với số điểm để có lựa chọn phù hợp nhất.

Các em có thể áp dụng phương thức “2 +”. Nghĩa là: Lấy tổng điểm 3 môn thi trong tổ hợp mà mình dự định xét tuyển, sau đó cộng với 2. Nếu tổng điểm cao hơn 3 điểm so với điểm chuẩn của năm 2019 đồng nghĩa bạn đang ở ngưỡng an toàn, cơ hội trúng tuyển sẽ cao. Nếu tổng điểm bằng hoặc thấp hơn so với điểm chuẩn của năm trước, bạn cần tính toán lại để có kế hoạch điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

“Các em có quyền điều chỉnh một lần theo phương thức trực tuyến hoặc bằng phiếu tất cả  nguyện vọng mà em muốn thay đổi như: Tổ hợp xét tuyển, ngành học, trường học, thứ tự nguyện vọng, bỏ bớt hay tăng thêm nguyên vọng… Vì thế, dù là điểm cao hay thấp không phải là vấn đề quá quan trọng, các em hoàn toàn có thể thay đổi nguyện vọng của mình (nếu cần) và hãy tính toán thật kỹ để có lựa chọn hoàn hảo. Tuy nhiên, các em không nên điều chỉnh hoặc bổ sung quá nhiều nguyện vọng” – TS Lê Xuân Thành chia sẻ.

Theo số liệu của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), thời gian qua, khi cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, hầu hết các em trúng tuyển và nhập học với 3 nguyện vọng đầu tiên trong lần xét tuyển đợt 1. Số thí sinh trúng tuyển trong những đợt xét tuyển lần 3, 4, 5 chiếm tỷ lệ rất ít. Vì thế, dù có những thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng, nhưng nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 thì sẽ không sử dụng tới nguyện vọng thứ 3, 4 nữa.

Theo khuyến cáo của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), các em cần xác định được nguyện vọng 1, 2 là nguyện vọng chính, quan trọng nhất, phù hợp với năng lực và mong muốn của mình. Các em đã có 3 năm THPT để suy nghĩ lựa chọn và tập trung học tập, ôn thi cho ngành nghề phù hợp với khả năng, sở trường, thế mạnh, phù hợp với các điều kiện về kinh tế, sức khỏe, gia đình… của mình.

Vì thế, chọn ngành, chọn trường… không nên là câu chuyện của thời gian này. Căn cứ vào điểm thi của mình, các em có thể điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng nếu thấy cần thiết. Quá trình xét tuyển không phân biệt nguyện vọng 1, nguyện vọng 2. Thứ tự nguyện vọng chỉ phân biệt đối với thí sinh ở cuối danh sách cùng điểm thi và sẽ ưu tiên nguyện vọng cao hơn. Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng và các nguyện vọng được xếp thứ tự từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất).

Theo TS Cao Xuân Liễu –Trưởng phòng Đào tạo (Học viện Quản lý Giáo dục), khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần cân nhắc giữa sở thích với điểm thi của mình. Nên chú ý tới các thống kê về phổ điểm hơn là quan tâm đến từng môn thi của tổ hợp xét tuyển. Các em nên lựa chọn ngành mình yêu thích và phù hợp với mức điểm của mình đạt được. Đừng cố đăng ký vào trường tốp đầu nếu như điểm số của mình không thuộc ngưỡng an toàn, vì như vậy các em có thể gặp rủi ro.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...