Thay đổi tư duy
Shellie Burrow, nhà sáng lập của tổ chức quốc tế SAIL (Giải pháp cho việc học nâng cao và cá nhân hóa) là một chiến binh bền bỉ vì những trẻ em gặp khó khăn trong học tập. Cô đã phát hiện ra một mô típ rất nguy hiểm đang tiềm tàng trong hệ thống giáo dục thế giới bấy lâu nay: “Nhiều trường học chuẩn mực, truyền thống thật ra không làm gì khác ngoài việc đợi cho HS – và rất nhiều HS (ngoài số các em có học lực xuất sắc) – thất bại. Rồi sau đó, họ lại tiếp tục thúc ép chúng phải nỗ lực hơn nữa với cách dạy – học truyền thống. Mà chính cách dạy – học truyền thống này đã làm chúng thất bại ngay từ đầu và trong rất nhiều lần rồi”.
Mỗi năm, không biết bao nhiêu đứa trẻ được cho là “thất bại”, “yếu kém”, thậm chí là “học dốt” vì không qua nổi những bài kiểm tra “đơn giản” của thầy cô, nhà trường. Thế nhưng, không phải người làm giáo dục nào cũng nhận ra điểm hạn chế của những bài kiểm tra trắc nghiệm, hay bản chất của những câu hỏi tra khảo kiến thức.
Họ cũng chưa chắc nhận ra được một điều hiển nhiên: Nhiều đứa trẻ có tiềm năng và tài năng vượt ra ngoài khuôn khổ của những mẫu bài và phương thức kiểm tra hiện hành. Vì vậy, muốn thay đổi tư duy của học trò, hãy thay đổi tư duy của người dạy, của cha mẹ HS và của người làm giáo dục trước tiên.
Đích đến nhân văn
Trong Hội thảo giáo dục The Grant Makers tại San Diego (Mỹ) mới đây thảo luận về đột phá giáo dục ở những môi trường khó khăn, người phát biểu mở đầu là Giáo sư Juanlei Li, thuộc Khoa Giáo dục của Đại học Harvard. Ông chuyên nghiên cứu về những môi trường và mô hình giáo dục dành cho các tầng lớp nằm ngoài rìa xã hội, là những nơi thiếu thốn nguồn lực, của những tầng lớp lao động nghèo hoặc gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống.
Juanlei đúc kết: Công nghệ không phải là lời giải số một. Giải pháp hiệu quả nhất để lấp đầy khoảng trống về tài nguyên và chất lượng giáo dục, tạo ra đột phá chính là con người.
Juanlei dành một khoảng thời gian dài ở những khu làng nghèo nàn miền Đông Trung Quốc. Có những làng còn chưa tới trăm hộ gia đình, một hai con đường chính và vài gian hàng, nhà tranh thưa thớt. Ở đây có những đứa trẻ mắc hội chứng Down mà gần như các cơ sở giáo dục truyền thống đã từ bỏ chúng, đẩy chúng ra rìa của sự quan tâm trong xã hội.
Juanlei và đội ngũ nghiên cứu giáo dục đã thiết kế một giải pháp thông minh: Họ nhờ những người nông dân rảnh rỗi chia nhau thời gian biểu để làm một việc đơn giản là chơi cùng lũ trẻ.
Ở đó, lũ trẻ trò chuyện, chơi đùa, thổi chong chóng tre, bắt bướm, hái hoa, vỗ tay, hát hò với những người nông dân hầu như không biết gì về giáo dục. Ấy vậy mà, chỉ sau một thời gian, những đứa trẻ bắt đầu học chữ và làm Toán.
Sự khác biệt rõ nhất giữa “lớp học chắp vá” ấy với những lớp học bình thường hoặc sang giàu chính là: Nụ cười chưa bao giờ tắt trên gương mặt của lũ trẻ con nhà nghèo, mắc hội chứng Down. Kết nối của chúng với những thầy cô “nghiệp dư nông dân” lúc nào cũng đong đầy tình cảm.
Bốn yếu tố con người mà bất cứ đột phá giáo dục nào cũng cần có, theo đúc kết của Juanlei và đội ngũ, chính là: Kết nối (Connection), Cho – Nhận (Reciprocity), Không tách biệt (Inclusion) và Cơ hội phát triển (Opportunity to grow).
Đối với sự phát triển tự nhiên và lâu dài của HS, nguyên vật liệu chính yếu nhất là sự tương tác của con người. Đó là thứ không bao giờ có thể trống vắng hay thiếu hụt trong giáo dục.
Đích đến của sự ưu tú
Tổ chức Roses in Concrete (Những đóa hồng trong khối bê tông) của Giáo sư người Mỹ, Jeff Duncan-Andrade có sứ mệnh kiến tạo giáo dục chất lượng cho những đứa trẻ da màu ở những khu phố nghèo, nhiều bạo lực và đầy rẫy vấn đề xã hội.
Jeff cho rằng, giáo dục ưu tú sẽ không phải là ưu tú nếu như không có một hệ trục tọa độ về giá trị hay một chiếc la bàn đạo đức. Với tổ chức Roses in Concrete, ông và cộng sự đã hàn gắn lại những kết nối đứt gãy giữa nhóm trẻ da màu, nghèo khó, thậm chí có đứa từng vào tù vì phạm tội và những người tác động đến chúng.
Để rồi, những đứa trẻ “hư” đó đã thay đổi bất ngờ, như những đóa hồng kiêu hãnh phá vỡ lớp bê tông, tỏa hương, khoe sắc bất chấp những đánh giá phiến diện của xã hội.
Jeff và nhóm nghiên cứu luôn đặt yếu tố kết nối con người lên hàng đầu: “Gần hai thế kỷ qua, ở diện rộng, chúng ta đã hoặc giáo dục sai, hoặc hạ thấp giáo dục với HS. Toán, khoa học, ngôn ngữ... tất cả vốn đã “nằm đâu đó” trong khối óc tuyệt vời của tụi trẻ. Nhiệm vụ của người dạy là tìm cách “lôi”những thứ đó ra ánh sáng cho lũ trẻ nhìn thấy. Nhưng điều này sẽ không thể làm được nếu chúng ta không hiểu chúng và chúng không hiểu chúng ta”.
Thế nhưng, thầy cô và người lớn chúng ta thay vì học cách “lôi”, thì lại học cách... “nhồi”. Thậm chí, chúng ta toàn “nhồi” theo những cách thức mà chính chúng ta ngày bé đã từng bị “nhồi” trong suốt nhiều năm. Hầu hết chỉ vì những điểm số vô hồn và không quan trọng cho HS trên con đường chúng đi tìm thành công và hạnh phúc.
Đích đến của đột phá
Theo Stanford d.school, với việc 1/4 – hoặc nhiều hơn nữa – thời gian hiện tại ở nhiều trường học đang tập trung vào việc luyện thi, kiểm tra thì bất cứ đột phá nào cũng sẽ bị chặn đứng bởi tảng đá cản đường to đùng này. Thêm vào đó, hơn 90% các đề thi hiện hành gần như chẳng giúp ích gì cho học tập ở các bậc cao hơn, cho công việc hay cuộc sống sau này.
Rồi khi một đứa trẻ nào đó không nạp được những gì chúng ta cố gắng “nhồi” theo cách mà chúng ta cho là “đúng”, chúng ta lại cho mình cái quyền được gắn những nhãn mác như “ngu ngốc”, “lười biếng”... lên trên người lũ trẻ.
Đôi khi, đó là ngọn nguồn của nhiều vấn đề khác. Có lẽ chính người lớn chúng ta nên suy ngẫm và tự vấn xem, có khi nào chúng ta mới là kẻ ... “ngu ngốc” và “lười biếng” trong việc dạy dỗ trẻ thành tài và giáo dục chúng nên người.
Chúng ta “ngu ngốc” vì chúng ta không biết và không hiểu cách bộ não tuyệt vời của con trẻ học như thế nào là tốt nhất qua từng giai đoạn phát triển tự nhiên của chúng.
Chúng ta “lười biếng” vì chúng ta cứ thế mà làm và dạy, không chịu tìm tòi, không chịu thấu hiểu, và không chịu thay đổi. Vì lẽ đó, trong khối bê tông cứng nhắc của đầu óc người lớn và những mặc định sai lệch về con trẻ, chúng ta cần tìm cách và phải tìm mọi cách cho những đóa hồng trẻ thơ kia được phá đá và nở hoa thật mạnh mẽ giữa đời.
GV và trường học cần nhìn vào một đứa trẻ và nhìn thấy tiềm năng của chúng. Chúng ta cần tạo ra những điều kiện để trẻ trải nghiệm và khám phá tiềm năng, chứ không phải mỗi ngày mỗi người đều đắp một con đường mà lũ trẻ nhìn vào chỉ thấy một đích đến: Những bài kiểm tra và thi cử.
Để rồi chính chúng ta và lũ trẻ đều quên mất: Một trong những điều quý báu nhất của thời đi học chính là mối quan hệ chân thành giữa con người với con người, để từ đó lũ trẻ được ươm mầm nhận thức, tính cách và phẩm chất.
Mong mỗi người làm giáo dục hãy nghĩ thật lâu và thật sâu: Trong những cái chúng ta đang làm, chúng ta đang thật sự gieo gì vào đầu lũ trẻ? Những khối bê tông thô ráp, cứng nhắc, không thay đổi và ngại thay đổi? Hay là những cành hồng mong manh được tưới tẩm, để mạnh mẽ nở hoa giữa đời, bất chấp bao lớp bê tông cản đường hôm nay và mai kia?
Có lẽ đã đến lúc chúng ta bình tĩnh, ngẫm nghĩ thật sâu và tích cực thay đổi vì lũ trẻ. Đã là cô thầy, chúng ta cũng là người ươm mầm, người làm vườn, người chèo đò, người đi làm không phải chỉ vì bản thân, mà chủ yếu là vì... lũ trẻ con – những đóa hồng giữa khối bê tông.
Tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của những kỹ sư tài ba ở Google X sau khi họ trình bày hàng loạt ý tưởng mà Google đang theo đuổi để thay đổi thế giới: “Nền tảng về công nghệ không bao giờ quan trọng hơn nền tảng về con người”. Với giáo dục, mọi thay đổi và đột phá mà không đặt yếu tố con người ở trung tâm – mà ở đây là người học/trẻ em – thì tất cả thay đổi đều rất dễ trở thành... phi giáo dục.