Xây dựng nền giáo dục khơi gợi tiềm năng cá nhân

GD&TĐ - “Một nền GD đáp ứng được yêu cầu của thế giới hiện đại; hình thành những công dân Việt Nam sáng tạo, có khả năng thích nghi và thích ứng cao... chỉ có thể đạt được qua những trải nghiệm GD, nhằm tập trung phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân...” – Đó là một vấn đề được nêu trong Hội thảo “Xây dựng chiến lược và lập kế hoạch phát triển GD” (4/7, tại Hà Nội).

Hội thảo về xây dựng chiến lược và lập kế hoạch phát triển GD. Ảnh: Thanh Tuấn
Hội thảo về xây dựng chiến lược và lập kế hoạch phát triển GD. Ảnh: Thanh Tuấn

Thay thế các phương pháp dạy và học cũ

Giai đoạn 2011 - 2020, vấn đề công bằng và chất lượng trong GD Việt Nam đã thành công so với các quốc gia có cùng mức thu nhập. Bên cạnh những kết quả ấn tượng về phổ cập GD, nền GD của Việt Nam cũng được thế giới biết đến với khả năng duy trì mức sàn năng lực HS trên diện rộng.

“Điều này có được một phần do truyền thống hiếu học và trọng tri thức của dân tộc, thể hiện qua sự quyết tâm và đầu tư cho sự nghiệp GD của GV, gia đình và các cấp chính quyền”- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, tại hội thảo diễn ra ngày 4/7 ở Hà Nội xoay quanh những phương pháp tiếp cận, xây dựng, thực hiện chiến lược và lập kế hoạch phát triển GD.

Trong giai đoạn trên, một thành quả GD đáng chú ý của Việt Nam chính là công tác kiểm tra đánh giá trong GD đã có nhiều đổi mới căn bản, bao gồm việc hủy bỏ hình thức kiểm tra đánh giá liên tục ở cấp tiểu học và sáp nhập kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học thành kỳ thi THPT quốc gia kể từ năm 2016. Những thay đổi trong các tiêu chí, hình thức và cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá nhằm giảm tải áp lực không cần thiết cho HS và GV, cũng như thúc đẩy động lực và sự chủ động của HS trong học tập.

Một thành quả GD quan trọng nữa đó là việc sửa đổi và hoàn thiện cấu trúc hệ thống GD, thông qua việc ban hành Khung hệ thống GD quốc gia. Theo đó, cấu trúc này được xây dựng dựa trên một khung trình độ quốc gia cho phép chuyển đổi và đối chiếu giữa các chương trình GD trong nước và quốc tế.

Việc thông qua chương trình định hướng phát triển năng lực mới vào năm 2018 sẽ được triển khai chính thức từ năm 2020. Chương trình GD quốc gia mới nhằm thay thế các phương pháp dạy và học cũ dựa trên truyền thụ kiến thức và ghi nhớ thông tin bằng GD dựa trên công nghệ nhằm trang bị cho HS những kĩ năng thực tiễn cần thiết cho thế kỉ 21.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

“Điều gì là tốt nhất cho HS?”

Tuy đạt được những thành quả đáng chú ý, song nền GD Việt Nam vẫn còn một số mặt cần khắc phục trong giai đoạn tới. Mặc dù việc phổ cập GD ở cấp tiểu học và THCS đã đạt được nhưng tỷ lệ bỏ học vẫn cao và tỉ lệ tiếp tục theo học vẫn ở mức thấp, đặc biệt đối với HS các dân tộc thiểu số. Vấn đề bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho GD vẫn chưa được chú trọng, đặc biệt là sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phương pháp dạy học.

Mặc dù đã đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra năng lực quốc tế, HS Việt Nam các cấp vẫn bị đánh giá là thiếu hụt về kỹ năng và động lực học tập, do sự chênh lệch giữa GD trong nhà trường và yêu cầu thực tiễn.

“Rõ ràng, sứ mệnh hàng đầu của ngành GD - chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế - vẫn chưa đạt được. Chúng ta cần phải làm tốt hơn và đây là lúc thay đổi. Trong bất kỳ quyết định nào liên quan đến GD, câu hỏi đầu tiên của chúng ta luôn là: “Điều gì là tốt nhất cho HS?” Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT hoàn toàn nằm ở việc cải thiện chất lượng GD cho từng HS và việc thực thi nhiệm vụ này luôn xoay quanh quyền lợi của HS” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nêu.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, "để GD thực sự mang lại lợi ích cho HS, giúp HS sẵn sàng cho những cơ hội và thách thức trong thế kỉ 21, Bộ GD&ĐT cần xây dựng kế hoạch hiệu quả cho việc triển khai các trọng tâm GD của Chính phủ để giúp HS thành công và cải thiện năng lực cạnh tranh của đất nước".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.